Khu kinh tế Nghi Sơn thực hiện “mục tiêu kép” trong tình hình mới gắn với bảo vệ môi trường
Xã hội - Ngày đăng : 16:50, 07/09/2021
Không chủ quan trước đại dịch
KKT Nghi Sơn hiện đã thu hút được 270 dự án đầu tư, với hơn 33.000 lao động làm việc thường xuyên, trong đó có hàng nghìn lao động không phải là người địa phương. Do vậy, để siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo UBND thị xã Nghi Sơn triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong KKT Nghi Sơn theo phương châm “một đường đi, hai điểm dừng”. Trước tiên phải phòng, chống dịch hiệu quả cho bản thân, gia đình, cộng đồng, đối với doanh nghiệp cần hướng dẫn và yêu cầu người lao động cam kết thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên đường đi, về, tại nơi ở, nơi lưu trú và tại nơi làm việc.
Các doanh nghiệp, công ty tại KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa) đảm bảo công tác phòng chống dịch, ổn định sản xuất |
Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp trong KKT Nghi Sơn đã nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tiếp nhận thông tin, thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến về các hoạt động và biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân như: Tổ chức các buổi tuyên truyền tại nhà xưởng, mua khẩu trang phát cho công nhân; phun thuốc khử trùng toàn bộ nhà xưởng, bếp ăn; mua dung dịch sát khuẩn; yêu cầu các công nhân cài đặt ứng dụng Bluezone…
Đồng thời chú trọng việc tạo môi trường làm việc đảm bảo thông khí, thoáng mát, vệ sinh môi trường được giữ gìn. Duy trì hoạt động tiêu độc, khử trùng khu vực sản xuất, khu vệ sinh, nhà ăn, khu sinh hoạt chung được các doanh nghiệp triển khai thường xuyên. Phương án bố trí cho tất cả những người lao động ở tỉnh ngoài lưu trú, làm việc tại chỗ trên địa bàn tỉnh đã được hoàn thiện, áp dụng có hiệu quả.
Người lao động có thể làm việc liên tục, doanh nghiệp không bị đứt gãy sản xuất |
Nhiều doanh nghiệp đã in sổ tay sức khỏe Covid-19 phát cho từng công nhân, tổ chức tập huấn xử lý tình huống giả định Công ty có trường hợp dương tính với Covid-19, sớm chuẩn bị cơ sở vật chất như: Bố trí thêm nơi ở, dự trữ lương thực, tổ chức đủ 3 bữa ăn trong ngày cho những lao động ngay tại đơn vị, tăng số lượng xe ô tô đưa đón để thực hiện “1 cung đường, 2 địa điểm” nhằm tránh việc người lao động đi xe công cộng, tự đi và tiếp xúc nhiều nơi... Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp tại KKT Nghi Sơn vẫn đảm bảo cho cán bộ, nhân viên, người lao động có thể làm việc liên tục, không bị “đứt gãy” sản xuất.
Phòng dịch hiệu quả để ổn định sản xuất
Đối với việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất giữa trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa, những người tham gia vận chuyển căn bản đã thực hiện nghiêm thông điệp 5K; tổ chức tiêm vắc xin mũi 1 cho công nhân. Ghi chép đầy đủ lịch trình, địa điểm, người tiếp xúc khi giao nhận hàng và có biện pháp xử lý phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Tình, công nhân đang làm việc tại xã Hải Yến (TX. Nghi Sơn) cho biết: Nhờ doanh nghiệp quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tâm lý người lao động căn bản ổn định, tránh bị hoang mang, lo lắng, an tâm tập trung lao động sản xuất. Việc áp dụng các chế tài xử lý của chính quyền địa phương đối với vi phạm của cá nhân, tổ chức giúp cho chúng tôi nâng cao ý thức chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các doanh nghiệp, công ty yêu cầu công nhân thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K |
Theo đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với liên đoàn lao động cơ sở, các công ty, doanh nghiệp, cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập 259 "Tổ An toàn Covid-19" tại 27 doanh nghiệp với 1.136 thành viên đang hoạt động rất hiệu quả tại KKT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn tnh. Các thành viên trong tổ ghi chép nhật ký hằng ngày, theo dõi tình hình sức khỏe của người lao động trong nhà máy để kịp thời phân loại theo dõi các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, các trường hợp cần phải cách ly trong nhà máy.
Ông Lê Văn Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MiZa Nghi Sơn chia sẻ: “Để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch hiệu quả, Công ty đã chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, bố trí các ca, kíp khoa học cho công nhân. Đồng thời sắp xếp hợp lý thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa giờ, đảm bảo giãn cách và hạn chế tối đa việc tập trung đông người cùng một thời điểm trong quá trình làm việc. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ người ra vào Nhà máy bằng cách đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách làm việc và áp dụng phần mềm khai báo y tế online…”.
Hướng tới Khu kinh tế “xanh”
KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa) là nơi tập trung nhiều dự án tầm cỡ quốc gia nên cũng chính là nơi tập trung nhiều nguồn thải lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Xác định công tác bảo đảm môi trường là nhiệm vụ quan trọng, BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Hiểu được ví trí đặc thù của đơn vị, trong đó vấn đề ô nhiễm môi trường luôn là yếu tố thường trực, Ban quản lý KKT Nghi Sơn đã tăng cường quản lý, giám sát doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường, nhất là Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Ban quản lý KKT Nghi Sơn đã tăng cường quản lý, giám sát doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường |
Đơn cử như đối với dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, toàn bộ chất thải được Công ty CP Môi trường Nghi Sơn thu gom xử lý. Riêng hệ thống nước làm mát máy, được thu gom qua các bể để xử lý, bảo đảm an toàn theo quy định trước khi thải ra môi trường. Toàn bộ quá trình xả thải và xử lý chất thải ở đây đều được quan trắc, tự động gửi thông tin đến các cơ quan liên quan để theo dõi. Tại Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn, chủ đầu tư là Công ty CP Gang thép Nghi Sơn cũng xây dựng cả một nhà máy hiện đại xử lý nước thải. Theo đó, toàn bộ nước làm mát máy và phục vụ sản xuất được dẫn qua các đường ống lớn, về các bể thu.
Với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, dễ xả thải thẳng ra môi trường mà chưa qua xử lý, hiện đã được lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, liên tục truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Đại diện Ban quản lý KKT Nghi Sơn cho biết: Để nâng cao nhận thức về trách nhiệm của chủ dự án đối với công tác bảo vệ môi trường, Ban quản lý đã định kỳ tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường. Ban hành và gửi nhiều văn bản hướng dẫn, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện các quy định trong quá trình thi công, triển khai dự án cũng như sản xuất lâu dài. Nếu phát hiện các doanh nghiệp có yếu tố nguy cơ đến môi trường, ban sẽ thành lập đoàn kiểm tra nắm bắt tình hình để nhắc nhở, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
|