Kiên trì phải tận gốc

Xã hội - Ngày đăng : 14:16, 07/09/2021

(TN&MT) - Phòng, chống Covid-19, chỉ một giây lơ là, một phút nửa vời, thiếu quyết liệt, thiếu tư duy chiến lược có thể đổi lấy bằng vài tuần, vài tháng, thậm chí nhiều hơn… phải sống chung với thiệt hại không thể đong đếm.

Trong chỉ đạo, điều hành về công tác phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Chính phủ luôn đặc biệt nhấn mạnh, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thống nhất lãnh đạo, chủ động, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, không “chập chờn”, không nửa vời.

Gần đây nhất, khi làm việc với các Bộ, ngành, địa phương về phòng, chống dịch, Thủ tướng cũng lưu ý, chúng ta vẫn nhất quán mục tiêu chống dịch để bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân, đồng thời, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng, cần nhìn nhận vấn đề một cách thực chất, sát tình hình thực tế, trên tinh thần “bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo” để có nhận thức, cách tiếp cận, giải pháp, mục tiêu mới trong phòng, chống dịch.

Ảnh minh họa

Từ những chỉ đạo điều hành của Thủ tướng, nhìn sang câu chuyện Hà Nội tiếp tục phân vùng giãn cách "đỏ - cam - xanh" là chủ đề nóng được dư luận quan tâm trong suốt tuần qua với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Theo đó, từ 6 - 21/9, Hà Nội thiết lập 3 vùng "đỏ - cam - xanh" theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch. Trên cơ sở phân vùng, đánh giá các khu vực có nguy cơ rất cao - "vùng đỏ" để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó" để khoanh vùng, truy vết, dập dịch. Còn đối với các khu vực nguy cơ cao - "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn - "vùng xanh", điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg để tổ chức phục hồi sản xuất kinh doanh và hỗ trợ các khu vực "vùng đỏ".

Có ý kiến cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để Hà Nội thay đổi phương án sau một tháng rưỡi giãn cách xã hội. Bởi, việc tiếp tục giãn cách kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, tâm lý người dân và tình hình kinh tế - xã hội của thành phố. Giãn cách theo từng khu vực là hợp lý ở thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, Hà Nội cần nghiên cứu rất kỹ, đánh giá, phân vùng hết sức thận trọng để có thể áp dụng các biện pháp giãn cách hợp lý.

Tuy vậy, cũng còn không ít băn khoăn của cộng đồng quanh việc phân vùng này. Bởi nếu xét theo cách phân vùng mới của thành phố, thêm 15 ngày gia hạn nghe có vẻ "linh hoạt", không "bó buộc" toàn thành phố vào một khuôn "phong tỏa" chung. Nhưng thực tế, toàn bộ 10 quận nội thành, cùng với một phần của 5 quận, huyện nữa vẫn phải tuyệt đối "ai ở đâu ở yên đó". Các nơi khác yêu cầu thấp nhất cũng vẫn phải tuân thủ Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

 Vậy, Hà Nội đã, đang và sẽ làm gì để tranh thủ khoảng "thời gian vàng" khi người dân kiên nhẫn tuân thủ "ai ở đâu ở yên đó"? Liệu Hà Nội đã đánh giá được mức độ ảnh hưởng của ba đợt giãn cách vừa qua tới người lao động? Và với chủ trương giãn cách tiếp đến 21/9, đời sống của người dân sẽ thế nào? Các kịch bản y tế, các giải pháp để duy trì kinh tế và không làm đứt gãy chuỗi sản xuất trong tình trạng dịch bệnh còn kéo dài ra sao?... Ngay lúc này, người dân cần phải biết để có động thái phù hợp với những quyết sách và đồng lòng với chính quyền thành phố quyết tâm nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

Thủ tướng đã từng nhấn mạnh, "chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân", vì vậy, phải minh bạch thông tin để dân biết, dân hiểu, dân tin và dân tham gia.

Chắc chắn nhịp sống thường ngày phải trở lại. Nhưng trước mắt, cần một thay đổi mang tầm chiến lược và tầm chiến lược đó được đặt trên vai những người được nhân dân tín nhiệm.

Rõ ràng, kiên trì phòng, chống dịch không phải là hô hào, khẩu hiệu, nói suông mà phải thực sự được chuyển hóa bằng những giải pháp mới, tư duy mới, hành động mới, phải đi sâu giải quyết tận gốc vấn đề. Có như vậy, sự kiên trì đó mới có "sức sống" trong bối cảnh hiện tại.

Phương Anh