Chống chếnh những mạch nguồn

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 13:38, 07/09/2021

(TN&MT) - Nước là mạch nguồn của sự sống. Sông nước đã “chảy” vào tâm hồn những thế hệ người Việt với bao buồn vui của một đời người và bao thăng trầm, đổi thay của thời cuộc. Nhìn lại thời gian đã đi qua, chúng ta lại trăn trở bao điều với nước - mạch nguồn sự sống, văn hóa, con người…

1. Với hơn 2.360 con sông - tạo nên sự đa dạng cảnh sắc, con người và văn hóa độc đáo của Việt Nam. Tài nguyên nước của những dòng sông đó là những mạch sống của con người và hệ sinh thái. Cây lúa nước xuất hiện trên đồng ruộng là một minh chứng kỳ diệu với người Việt. Thiếu nước sẽ không có lúa nước và sẽ chẳng có một nền văn minh lúa nước.

Dẫu biết trăm sông đều đổ ra biển nhưng sông vẫn có đời của sông, biển vẫn sống đời của biển. Ở nơi gặp gỡ là cửa biển - vùng nước "xà hai" mặn ngọt pha trộn, vừa xâm lấn vừa hòa hợp tạm thời. Văn hóa các tỉnh ven biển miền Trung với mặt tiền là biển, hậu là núi cũng giống như một vùng nước "xà hai", có sự giao thoa mạnh mẽ, thú vị so với hai đầu Nam và Bắc của đất nước. Biển dù rộng lớn, đem lại nhiều lợi ích cho con người cũng không thay thế sông suối, như nước mặn không thay cho nước ngọt được. Đặc biệt hơn, không dễ gì mất đi trong tiềm thức, tâm hồn người Việt hình ảnh con sông quê hiền hòa, trong mát.

 

Văn hóa sông nước đã góp phần kiến tạo nên những di sản gắn bó sâu sắc trong tâm thức của mỗi người dân. Ở đó, những di sản được “ngưng kết” qua hàng vạn năm và qua vô số cuộc “trường chinh” chống chọi với thiên tai để lấn biển, lấn rừng, mở mang không gian sinh tồn trải khắp non cao đến biển cả, rộng lớn và trù phú. Những con sông đó cũng là nhân chứng lịch sử chứng kiến thành quả của những cuộc tranh đấu giành quyền tự quyết dân tộc. Sâu xa hơn, văn hóa đó là sự kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất trong quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên, con người với xã hội. Tất cả các yếu tố ấy đã tích lũy nên những “tầng”, “vỉa” văn hóa lấp lánh, trở thành một phần khảm trong tâm hồn và làm nên diện mạo vùng đất, làm nên cốt cách con người được sinh ra, được “tắm gội” và lớn lên từ những dòng sông ấy.

2. Nước vô giá nhưng không vô hạn. Chính vì thế, sông nước không phải là vĩnh viễn, bất biến mà luôn vận động, đổi thay. Dù người xưa hay lấy sông núi để thề bồi nhưng vẫn có chuyện "sông cạn, đá mòn" xảy ra. Nhiều giá trị văn hóa bị mất đi cùng với nguồn nước, dòng sông và may mắn được thay thế bằng những giá trị mới, song cũng đôi khi bị chôn vùi vĩnh viễn một nguồn nước đã từng tươi mát, ngọt ngào…

Chúng ta đồng ý rằng, nhân loại cần kiến thiết những công trình vĩ đại nhưng không có nghĩa xem nhẹ những giá trị gần gũi và thiết yếu là nguồn nước tự nhiên. Lũy tre và ao làng không thể trói buộc con người hay ngăn cản sự đổi mới, nhưng sông nước, làng quê vẫn vô cùng thiêng liêng trong tâm thức của người Việt Nam. Quá trình đô thị hóa và cuộc sống công nghiệp hiện nay đã khiến cho diện tích mặt nước tự nhiên hầu như đều bị thu hẹp lại. Nguy cơ mất cân bằng trong môi trường sinh thái cũng như sự mai một, khô cạn của một nền văn hóa sông nước đã có tự nghìn năm không phải chỉ là lời cảnh báo.

Từ Bắc đến Nam nước ta, không khó để chứng kiến nhiều dòng sông đang “chở nặng… ô nhiễm”. Phù sa màu mỡ ngày nào phải nhường chỗ cho muôn nẻo nguồn thải. Sông ngày càng cô độc chống chọi sự hủy diệt của con người. Những ngôi nhà bị “hà bá” nuốt trôi. Những ngôi làng kiệt nước. Những làng nghề chẳng thể mưu sinh vì ô nhiễm…

Nguyên nhân khiến sông phải “sống mòn” chờ “chết” có lẽ ai cũng biết, đó là do đô thị hóa chóng mặt, cùng với khối lượng những chất thải, rác thải, nước thải khổng lồ đổ vào sông mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm. “Trăm dâu” đổ đầu nguồn nước. Các loại nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện, nước thải công nghiệp… khi vào môi trường không qua xử lý, tàn phá nghiêm trọng môi sinh, ảnh hưởng trực tiếp tới dòng chảy cũng như tuổi thọ của những dòng sông.

Chưa kể sự “dễ dãi” đến mức khó tin của các ngành chức năng đã tạo “điều kiện” cho không ít các doanh nghiệp vì “tham bát kinh tế” đã thoải mái xả thải trực tiếp ra những dòng sông, còn hậu họa môi trường thì người dân lãnh chịu. Họ tiết kiệm được vô vàn tiền của. Chỉ có dòng sông “phải chết”.

3. Nước là sợi dây để kết nối sự sống của các sinh vật trên trái đất. Trong sự phát triển của xã hội hiện đại, nước vẫn tiếp tục được khẳng định là trung tâm của phát triển bền vững.

 

Tuy vậy, khủng hoảng tài nguyên nước đang lan rộng, đe dọa tới cả những quốc gia vốn có điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi về nguồn nước, trong đó có Việt Nam. Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT, Việt Nam nằm ở khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, với lượng mưa dồi dào, mạng lưới sông ngòi dày đặc, tổng lượng nước bình quân mỗi người đạt khoảng hơn 9.400 m3 mỗi năm, cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn chung của khu vực và thế giới. Thế nhưng, những năm trở lại đây, tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô ở Việt Nam đang trở nên báo động, gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là sản xuất năng lượng và canh tác nông nghiệp. Cùng với đó, nhiều nguồn nước cũng đang rơi vào tình trạng ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng, trở thành nguồn phát sinh bệnh tật.

 Trong thực tế, chúng ta đang phải chứng kiến những sự phi lý, nhiều giếng khoan khai thác nước dưới đất với đầu tư lớn nhưng phải ngừng hoạt động do nước bị ô nhiễm; các trạm cấp nước hoạt động một thời gian rồi cạn khô, hoặc ngược lại, nước bị sử dụng lãng phí, trong khi ở một số nơi không đủ nước sạch cho đời sống hàng ngày.

Rõ ràng đã đến lúc quản lý tài nguyên nước phải cân nhắc tới tất cả các khía cạnh, trong đó có văn hóa nước, bởi nước và văn hóa là hai yếu tố gắn bó với con người. Nước góp phần tạo ra văn hóa đặc thù. Văn hóa lại ảnh hưởng tới nước thông qua vai trò giáo dục ứng xử của con người đối với nước. Quả thật, giá trị văn hóa và các giá trị xã hội quyết định tới việc con người xác định giá trị, nhận thức và quản lý như thế nào đối với tài nguyên nước. Văn hóa nhận thức khác nhau, việc định giá trị và nhận thức về tài nguyên nước cũng có những điểm khác nhau, như: văn hóa trong phòng tránh, giảm nhẹ hậu quả tác hại do nước gây ra; văn hóa, văn minh trong khai thác, sử dụng nước; văn hóa trong phát triển tài nguyên nước, bảo vệ, bảo tồn, gìn giữ tài nguyên nước. Toàn dân tham gia bảo vệ, bảo tồn tài nguyên nước - Đó là văn minh trong quản lý tài nguyên nước mà cao hơn là văn hóa trong ứng xử với nước.

***

Nước là nguồn sống. Sự sống phải cần tới nước. Vì thế, thờ ơ với cái chết của mạch nguồn sinh thái là tội ác với tự nhiên và con người. Khi chúng ta “hất đổ” ly nước mỗi ngày đồng nghĩa với để lại cho con cháu một mảnh đất khuyết sự sống của dòng sông. Có lẽ nào chúng ta bằng lòng với một phần bản đồ mà trên đó màu xanh biến mất?

Xuân Hợp