Giãn cách nhưng không xa cách

Xã hội - Ngày đăng : 21:34, 06/09/2021

(TN&MT) - Nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, tuy nhiên, việc giãn cách này không tạo ra xa cách mà càng làm tinh thần đại đoàn kết, sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam được nhân lên và trở thành động lực lớn để nhân dân sớm vượt qua những khó khăn, thử thách.

Bộ đội trao quà hỗ trợ nhân dân vùng dịch

Từ "pháo đài" đại đoàn kết

Những ngày này, đất nước đang phải gồng mình đương đầu với đại dịch Covid-19 với biến chủng cực kỳ nguy hiểm, đe dọa sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của nhân dân. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết.

Để phòng, chống đại dịch Covid-19, ngoài việc chăm lo, đôn đốc từ Trung ương đến địa phương đẩy nhanh phủ rộng tiêm phòng vắc xin phòng dịch, còn có một loại "vắc xin" đặc biệt, trở thành sức mạnh để toàn dân chiến thắng dịch - đó là "vắc xin" của sự đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau. Dù là lực lượng tuyến đầu chống dịch hay các cấp cơ sở, "vắc xin" này đã trở thành sợi dây kết nối cộng đồng, tạo quyết tâm cùng nhau chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh, khi đất nước ta gặp khó khăn, tinh thần đoàn kết, sức dân là vũ khí tối tân nhất, sắc bén nhất để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù và viết nên những chiến thắng vẻ vang của dân tộc, như Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trong cuộc chiến chống Covid-19, sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn.

Thực tế, không khó để chúng ta thấy những hình ảnh đầy ý nghĩa khi hằng ngày, hằng giờ trên các con đường, các con ngõ nhỏ hay giữa trung tâm thành phố có dịch, xuất hiện nhiều hành động giúp đỡ, sẻ chia với cộng đồng từ những suất cơm, thùng nước miễn phí trên đường đến những siêu thị 0 đồng, xe buýt 0 đồng… mang đến cho người dân hoàn cảnh khó khăn, người dân trong khu vực phong tỏa và lực lượng làm tuyến đầu phòng chống dịch.

Trong cuộc chiến cam go "chống dịch như chống giặc", hình ảnh những “chiến binh” phòng dịch đẫm mồ hôi trong cái nắng đổ lửa, hay khoác trên mình bộ quần áo bảo hộ ngày đêm đã lay động đến triệu triệu trái tim. Họ đã truyền cảm hứng, để rồi, mỗi tổ chức, cá nhân trong cộng đồng xã hội tiếp tục có những việc làm thiết thực góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tích cực đề cao tinh thần yêu nước, tương thân, tương ái, trách nhiệm với cộng đồng, đóng góp kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch. Số kinh phí, hiện vật đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân vào Quỹ Vắc-xin của Chính phủ và quỹ phòng chống dịch Covid-19 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là rất lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ, số tiền tiếp nhận và đăng ký ủng hộ đã đạt gần 20.000 tỷ đồng.

Chưa kể, lực lượng này cùng Chính phủ thực hiện chiến lược vắc xin dựa trên 3 trụ cột chính: Nhập khẩu vắc xin, nhập khẩu công nghệ để sản xuất vắc xin, nghiên cứu sản xuất vắc xin ở trong nước. Cả 3 trụ cột đó đều đã đạt được kết quả đáng phấn khởi là chúng ta đã nhập khẩu và thực hiện theo Cơ chế COVAX, ngoại giao vắc xin, tiêm được trên 18 triệu liều cho nhân dân; nhập khẩu công nghệ sản xuất vắc-xin của VinGroup đã thử nghiệm bước đầu; 2 loại vắc xin nghiên cứu sản xuất trong nước là Nano Covax và COVIVAC đã thử nghiệm giai đoạn 3. Khả năng cao là chúng ta sẽ có vắc-xin sản xuất trong nước trong tương lai gần.

Thật khó có thể kể hết những câu chuyện, những con người thực, việc thực với bao việc làm ý nghĩa và ấm áp tình người. Tất cả như những liều “vắc xin” quý giá tạo thành sức mạnh đoàn kết, sẻ chia, từ đó, muôn tấm lòng như một chung thành sức mạnh góp phần cùng đất nước đẩy lùi dịch bệnh.

… đến những "pháo đài xanh"

Có thể nói, Covid-19 là một khảo nghiệm lớn với tinh thần con người, khi rất nhiều thứ bị duy trì bằng khoảng cách. Nhưng chính lúc này, nhiều “pháo đài xanh” được xây dựng lên bằng tinh thần đùm bọc yêu thương của người Việt. Cuộc chiến chống dịch lần này, có thành quả cũng nhờ một phần những pháo đài như vậy.

Ấm lòng từ phiên chợ "0 đồng"

Màu xanh trên bản đồ dịch tễ Covid-19 dường như đã trở thành một sắc màu mang tới sự lạc quan, niềm tin và hy vọng. Nếu như những “luồng xanh” giao thông được nhắc đến như một sợi dây an toàn kết nối giao thương hàng hóa thì màu xanh mới đã xuất hiện nhiều hơn ở các địa phương. Đó là màu xanh tạo nên những vành đai an toàn không Covid-19.

Điều này càng thể hiện rõ trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong những cuộc làm việc với các Bộ, ngành, địa phương về phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều nhấn mạnh, phải có cách tiếp cận mới và triển khai các giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Các Bộ, ngành, địa phương liên quan hết sức chú ý việc củng cố, bảo đảm an toàn các "vùng xanh"...

Thực tế, bảo vệ "vùng xanh" ở cấp độ "tế bào" (tổ dân phố, xóm, ấp) được xem là “vắc xin cộng đồng”, mũi giáp công hiệu quả trong chiến lược chuyển hướng từ phòng ngự sang phản công. Chính ý thức tự bảo vệ và sự đồng tâm nhất trí của cộng đồng tạo lá chắn tốt trước dịch Covid-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Xây dựng "vùng xanh" trong cuộc chiến chống Covid-19 đang là giải pháp nhằm giảm mức độ từ vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ) thành vùng nguy cơ cao (vùng cam), vùng nguy cơ (vùng vàng) và tiến tới trở thành địa bàn an toàn - "vùng xanh". Tùy vào đặc thù cụ thể, từng địa phương đã và đang triển khai nhiều cách làm, giải pháp quyết liệt để mở rộng “vùng xanh” với phương châm củng cố, phát triển ngay từ cơ sở, địa bàn dân cư.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nguy hiểm, sức người, sức của đều có hạn, cần nhất lúc này chính là sự đoàn kết một lòng từ mọi tầng lớp nhân dân và việc thực thi kỷ luật thép. Mỗi gia đình phải thật sự là một chiến lũy ngăn mầm dịch bệnh. Mỗi cá nhân phải khép lại những toan tính cá nhân để hòa vào dòng chảy chung, đặt mục tiêu chống dịch lên ưu tiên cao nhất.

Và ngoài vắc "đoàn kết", vắc xin phòng bệnh, vắc xin "ý thức" cũng quan trọng không kém và cần được nuôi dưỡng từ tất cả mọi người, trong sự đồng lòng quyết tâm chống dịch. Bởi, chúng ta đang đi chung trên một con thuyền giữa bão tố đại dương Covid-19. Người giàu, người nghèo, mọi người cùng số phận vì Covid không kén chọn, không chê ai. Muốn tồn tại, chúng ta phải sánh vai với nhau, yêu thương, tích cực đoàn kết cùng nhau chung sống đoàn kết trong từng cộng đồng dân cư, quan tâm nhiều nhất là nhóm người nghèo khó, yếu thế.

Chúng ta tin tưởng mọi khó khăn, thử thách đều sẽ được giải quyết, đại dịch dù có căng thẳng vẫn sẽ có cách đẩy lùi. Quan trọng nhất vẫn là sự tin tưởng, đồng lòng, đoàn kết của mọi người để cùng với các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp phòng chống dịch có hiệu quả.

Trong lúc này, nếu mỗi cá nhân cảm thấy mình phải hy sinh một số quyền lợi riêng thì sự hy sinh đó cũng chính là cho bản thân và cho toàn xã hội.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, đến 11h hôm nay 6/9, số tiền huy động vào Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19 đạt 8.653 tỷ đồng với 537.576 tổ chức, cá nhân đóng góp.
Hiện, Quỹ đã mở tài khoản cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở Giao dịch KBNN và 7 Ngân hàng TMCP gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Quân đội.
Các cá nhân tổ chức có thể nộp vào tài khoản nêu trên hoặc nhắn tin ủng hộ qua Tổng đài 1408 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
 

Phương Anh