Thanh Hóa ban hành Công điện sẵn sàng ứng phó với thiên tai
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:30, 04/09/2021
Tại Công điện số 27/CĐ-UBND về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát phương án ứng phó thiên tai cụ thể, phù hợp với tình hình và điều kiện tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp; chủ động kiểm tra hệ thống đê điều, hồ đập, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố để đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Thanh Hóa yêu cầu vận hành hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, đặc biệt là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp |
Chú trọng công tác chỉ đạo vận hành hồ chứa thủy lợi do địa phương quản lý, phối hợp với chủ các hồ chứa thủy điện và các đơn vị liên quan, đảm bảo an toàn công trình và hạ du, đặc biệt là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp.
Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ chỉ đạo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tổ chức theo dõi sát tình hình, kịp thời đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai sát với diễn biến thực tế, đảm bảo độ tin cậy để các cấp, các ngành và nhân dânbiết, chủ động ứng phó có hiệu quả. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo kiểm tra, rà soát và triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, đập, hồ chứa nước, vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy lợi, thủy điện, phù hợp với diễn biến mưa, lũ.
Sở Y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng, cập nhật phương án ứng phó thiên tai gắn với bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, sẵn sàng phương tiện, thiết bị đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh cho công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương.