Bản Tuyên ngôn "nằm ngoài Tuyên ngôn"

Trong nước - Ngày đăng : 15:24, 02/09/2021

(TN&MT) - “…Bản Tuyên ngôn nằm ngoài Tuyên ngôn/ Không phải văn chương đâu, đấy chính linh hồn/ Trên hết mọi ngôn từ và chữ viết/ Trái tim nói với trái tim tha thiết/ Người cảm thông tìm đến với con người…”

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập mà Bác Hồ đọc ở Quảng trưởng Ba Đình ngày 2/9/1945 là một văn bản lịch sử có một không hai mà hầu như tất cả người Việt Nam dù già trẻ gái trai ít ai không biết tới.

Nhưng bên cạnh văn bản lịch sử đó, vào thời khắc thiêng liêng ấy, ở Ba Đình còn một chi tiết nữa, một lời nói nằm ngoài văn bản của Bác Hồ đã gây xúc động trong triệu trái tim người Việt Nam lúc ấy và mãi mãi đi vào lịch sử cùng với Bản Tuyên Ngôn bất hủ.

Xin được nói ngay, đó chính là câu hỏi của Bác trước khi đọc Tuyên Ngôn: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”

Tôi tin rằng, là người Việt Nam, ai cũng biết câu nói này.

Câu nói bất ngờ mà Bác Hồ đã cất lên trên Quảng trường Ba Đình sáng 2/9/1945, trước khi Bác chính thức đọc bản Tuyên ngôn Độc lập đã gói trọn một thông điệp lớn lao. Câu nói ấy của Bác không chỉ là ngôn từ, nó là cả một tâm thế, một thái độ sống, một thái độ ứng xử mang trong nó thần thái của cả một thời đại mới. Đơn giản vì, trong hàng mấy ngàn năm tồn tại của các chế độ tiền phong kiến và phong kiến, ngay với những vị vua anh minh, nhân từ nhất, cũng không bao giờ có chuyện một ông vua khi cất lời “ban chỉ dụ” mà lại hỏi quần thần hay bất cứ ai rằng “có nghe rõ không”, vì đơn giản nhà vua đã “phán” thì thần dân bằng bất cứ giá nào cũng chỉ biết và phải nghe… Đó là bản chất của chế độ cũ, bản chất phi dân chủ.

Vì vậy, khi vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa bỗng cất lời đầu tiên bằng một câu hỏi ấm áp như vậy…, thì tôi tin là cả Quảng trường mấy chục vạn con người chắc chắn ngỡ ngàng và xúc động vô cùng…

Và, đó là Cách mạng!

Một câu nói của vị Lãnh tụ ngay trong lần đầu tiếp xúc với nhân dân đã thay cho tất cả mọi lời giải thích về sự khác nhau của thời đại mới khai sinh từ hôm đó với tất cả mọi thời đại đã tồn tại trước nó. Và sau một phút ngỡ ngàng và lặng phắc, cả Quảng trường đã ào lên trong một lời đáp nhất tề và hả hê vô hạn: “Rõ!”…. Một cuộc trò chuyện diễn ra chớp nhoáng, ngắn gọn chỉ không đầy một phút, mà đã đi vào và sẽ đi suốt lịch sử của đất nước và dân tộc ta!

Chính vì vậy, còn nhớ, khi tôi viết bản trường ca “Điệp khúc vô danh” vào năm 1983, ở chương dành nói về cuộc cách mạng Mùa thu Tháng Tám 1945, tôi đã lấy câu nói này của Bác Hồ làm đề từ… và tôi gọi đó là:

“…Bản Tuyên ngôn nằm ngoài Tuyên ngôn/ Không phải văn chương đâu, đấy chính linh hồn/ Trên hết mọi ngôn từ và chữ viết/ Trái tim nói với trái tim tha thiết/ Người cảm thông tìm đến với con người…”

Cất tiếng chào đời trong ánh bình minh của thời đại mới, mang trong  mình Tuyên Ngôn của độc lập, tự do và hạnh phúc như bản thông điệp gửi tới mai sau, một thế hệ đã bắt đầu một cuộc sống mới, với quyết tâm: Giữ gìn nền Độc lập non trẻ mà Đảng và Bác vừa trao cho. Những bàn chân ngàn đời quanh quẩn sau luỹ tre xanh, bị giam hãm giữa vòng vây cơm áo, bỗng như có tiếng gọi thiết tha từ phương trời cách mạng, vội cất bước lên đường dấn thân vào cuộc trường chinh suốt ba mươi năm không ngừng nghỉ, thăm thẳm Chiềng Lề, Khâu Vác, Pha Đin..., đâu quê hương là bàn chân bước đến. Tôi không biết trong lịch sử dân tộc có bao giờ con người Việt Nam lại “đi” nhiều đến thế, “xê dịch” nhiều đến thế, những chuyến lên đường nối tiếp, những cuộc hành quân bất tận, lên ngược về xuôi, vào Nam ra Bắc, từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, từ Trường Sơn tới Trường Sa, dấu chân của cả một thế hệ in dầy trên mặt đất.

Họ đã đi từ Phai Khắt, Nà Ngần/ Qua Lô, Thao xác thù vùi dưới sóng/ Đồn giặc cháy đỏ trời Cao - Bắc - Lạng/ Những chiến khu Việt Bắc, Bưng Biền/ Những ngọn cờ băng qua ngàn lửa khói/ Kịp sáng bừng trên thung lũng Điện Biên. (Trường ca “Điệp khúc vô danh” - A.N.)

Nhưng mới mẻ, sức lực và trẻ trung không chỉ ở tuổi tác và thời gian, cái mới và sức trẻ bền lâu nhất thuộc về cách nghĩ và cách cảm, thuộc về sức rung động của trái tim. Trời đất vẫn như xưa, cõi trần không thay đổi, sao trong mắt ta tất cả dường như đã khác. Vui khác xưa, buồn khác xưa và yêu ghét cũng khác xưa. Cuộc sống như vầng trăng vành vạnh giữa trời.

Một kỷ nguyên mới mang tên “Dân chủ Cộng hòa” đã ra đời như không thể khác, một đứa con được Người Mẹ lịch sử hoài thai trong suốt mấy ngàn năm bất chợt một sáng bỗng cất tiếng oa oa chào đời. Đi qua đất chết rồi mới sống, cả dân tộc ngỡ ngàng gặp lại chính mình vừa quen vừa lạ, cái giây phút sinh thành của lịch sử ấy tôi xin được cực tả trong trường ca “Điệp khúc vô danh” bằng những câu thơ thốt tự đáy lòng:

“Bỗng sáng nay như người vừa tới đích/ Lồng ngực phồng căng hít thở mặt trời/ Mới biết mình đang có mặt giữa đời/ Tiếng chim hót và mùi thơ của nắng/ Cái hương vị ngọt ngào không thể lẫn/ Của Tự Do sau hết mọi cùm gông/ Tóc bạc rồi lòng lại trẻ trung/ Nếp nhăn xóa sau nụ cười cởi mở/ Mỗi con người như sinh ra lần nữa/ Mới mẻ niềm tin, mới mẻ cái nhìn/ Nghe tiếng khóc và tiếng cười rất khỏe/ Chợt thấy mình sức lực vẫn còn nguyên”

  Cuộc hoá thân vào muôn vạn cuộc đời là tín hiệu bắt đầu của một bầu sinh quyển mới trong quan hệ giữa con người với con người chưa từng có trong tiền lệ. Chàng nông dân áo vải chân đất ngày nào nhập ngũ còn bi bô nói ngọng, đi qua cuộc trường chinh, có thể thành vị tướng tài ba, hoặc cũng có thể thành nhà thi sĩ tài danh; cậu học trò dáng dấp thư sinh mảnh khảnh trói gà không chặt bỗng một ngày đứng vụt lên thành chân sắt vai đồng vai ngàn cân chân vạn dặm, có lúc nào đó chợt xoè bàn tay ngắm vết chai dày lại ngỡ mình quả thật vừa “sinh ra lần nữa”.

Điều gì đã làm nên sự thay đổi lớn lao này?

Vâng! Chỉ có thể là Cách mạng.

Bởi vậy, tôi vẫn tin rằng cuộc Cách mạng lớn lao nhất trên cõi đời này là cuộc cách mạng diễn ra trong lòng người.

Sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong chính phong cách giản dị, khiêm tốn của Người

Và thế, sau những từng trải của suốt hơn 76 năm đi theo Cách mạng, hôm nay chúng ta đã thấm hết ý nghĩa lớn lao và kỳ lạ trong cái câu hỏi ngỡ ngẫu hứng và thường tình của Bác Hồ sáng ấy ở Quảng trường Ba Đình, bởi vì đó không phải chỉ là tiếng nói của một CON NGƯỜI, mà đó là tiếng nói của LỊCH SỬ:

“Câu hỏi đơn sơ thành một tiếng trả lời

Thời đại nói qua lời Người giản dị

Cái âm hưởng của Ngày Mai đang tới

Sáng Thu này

Đồng bào nghe rõ không?”

Nhà thơ Anh Ngọc