Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Rút kinh nghiệm công tác quy hoạch, khắc phục cho được các bất cập, hạn chế của ngành điện

Kinh tế - Ngày đăng : 18:04, 01/09/2021

Phát biểu tại phiên họp đầu tiên sau kiện toàn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, không được phép để thiếu điện. Phải khắc phục bằng được các bất cập, hạn chế của ngành điện.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Phải khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế của ngành điện - Ảnh VGP/Đức Tuân

Sáng 1/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đã tổ chức phiên họp đầu tiên sau kiện toàn. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp. Tham dự có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng Ban thường trực cùng các thành viên Ban Chỉ đạo.

Quyết liệt xử lý đến cùng, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo trong giai đoạn vừa qua để phát triển điện lực đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Hệ thống điện được đầu tư, phát triển đồng bộ, hiện đại, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển đất nước, không để thiếu điện cho sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, ngành điện vẫn còn một số bất cập, hạn chế trong nhiều khâu, nhiều công đoạn, cần được tập trung khắc phục có hiệu quả.

Trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra là phải phát huy những kinh nghiệm, kết quả đã đạt được, khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế và sinh hoạt của nhân dân.

Muốn vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, thẳng thắn, nhiệt huyết, trí tuệ. “Nhìn thấy tồn tại nhưng không nhiệt huyết, trí tuệ, không dám làm, dám chịu trách nhiệm thì không khắc phục được”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề, hiện nay, hàng chục dự án, công trình đang triển khai nhưng bị chậm tiến độ, thiệt hại mỗi năm hàng chục ngàn tỷ đồng.

Do đó, yêu cầu mỗi thành viên Ban Chỉ đạo phải nỗ lực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, đổi mới tư duy, phương pháp, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, “phải nói rõ, nói thẳng, với tâm huyết của mình để làm”. Phải xử lý, đi đến cùng vấn đề để giải quyết bằng được.

Đôn đốc tiến độ các dự án điện đang đầu tư trong quy hoạch từ nay đến năm 2025, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Không được phép để thiếu điện. “Vướng ở đâu thì gỡ ở đó, vướng ở công trường thì phải xuống tận công trường, vướng về giải phóng mặt bằng thì xuống giải phóng mặt bằng, vướng ở thủ tục đầu tư thì các bộ, ngành tích cực tháo gỡ…”. Phải rà soát, tính toán nguồn cung ứng điện để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực - Ảnh VPG/Đức Tuân

Liên quan đến Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu quy hoạch vị trí các nhà máy một cách hợp lý, giảm thiểu truyền tải xa để giảm tiêu hao, tiết kiện điện, tăng hiệu quả đầu tư. Việc lập quy hoạch phải căn cứ vào các tính toán khoa học, dự báo nhu cầu sử dụng điện, truyền tải điện, cân đối hợp lý về cơ cấu các nguồn điện (thuỷ điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo), bảo đảm sự phù hợp giữa các vùng miền để tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Trên cơ sở Dự thảo Quy hoạch vừa được Bộ Công Thương trình, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành sớm có ý kiến góp ý để tiếp tục rà soát, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ.

Nhấn mạnh yêu cầu phải khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế trong phát triển ngành điện, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan rà soát cơ chế, giải pháp để phát triển điện lực một cách bền vững, hiệu quả; làm rõ cơ chế xác định giá thành của các nhà máy điện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc nhập khẩu vật tư thiết bị trong ngành điện, nhất là nhập khẩu than nhằm phát huy có hiệu quả nguồn than trong nước, giảm nhập siêu.

Đây là phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực sau khi kiện toàn - Ảnh VGP/Đức Tuân

Tăng trưởng điện thương phẩm đạt gần 10%/năm

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết, hệ thống điện Việt Nam là một trong những hệ thống điện có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2021-2020 đạt 9,7%. Công suất cực đại của hệ thống điện miền Bắc có xu hướng tăng nhanh nhất so với các miền (tăng bình quân 11,6% trong giai đoạn 2011-2020).

Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt các loại hình nguồn điện của hệ thống điện quốc gia đạt 69.342 MW. Về cơ bản, tổng công suất hệ thống điện bảo đảm đáp ứng nhu cầu phụ tải cực đại của toàn quốc. Tuy nhiên, mức độ dự phòng công suất khả dụng của hệ thống còn thấp.

Tính đến cuối năm 2020, hệ thống đường dây từ cấp điện áp 110 kV trở lên của hệ thống điện đạt 51.322 km, trong đó có 8.527 km đường dây 500 kV.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện (không tính nguồn năng lượng tái tạo) đang chuẩn bị đầu tư, đang đầu tư là 60 dự án với tổng công suất khoảng 61.770 MW.

Về một số tồn tại, hạn chế, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ các dự án vẫn là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc. Dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến công tác đầu tư xây dựng các dự án.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm nay, tập đoàn hoàn thành 2 dự án điện với công suất 300 MW. Có 2 dự án đang thi công với công suất 840 MW và 8 dự án đang triển khai các bước đầu tư. Còn theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tập đoàn đang thực hiện đầu tư và chuẩn bị đầu tư 9 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 8.100 MW. Dự kiến vào tháng 11/2021, PVN sẽ vận hành thương mại tổ máy 1 (600MW) nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 và vận hành tổ máy 2 vào đầu năm 2022.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang quản lý, theo dõi 20 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT với tổng công suất hơn 26.000 MW. Ngoài 5 dự án đã vận hành thương mại, hiện có 3 dự án đang triển khai; 2 dự án đã ký chính thức bộ hợp đồng BOT và nhà đầu tư đang thu xếp tài chính.

Theo Chinhphu.vn