Trước ngày 7/9, báo cáo Thủ tướng về việc có chất cấm trong mì Hảo Hảo
Trong nước - Ngày đăng : 18:53, 31/08/2021
Sản phẩm mỳ Hảo Hảo của Acecook. |
Thời gian gần đây, báo chí có nhiều tin, bài phản ánh việc sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam có chất cấm, không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương kiểm tra, có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 7/9/2021.
Trước đó, truyền thông đưa tin "Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) ngày 20/8 đã ra cảnh báo về một số lô sản phẩm mì, miến ăn liền bị thu hồi khỏi các cửa hàng và siêu thị ở nước này do chứa chất ethylene oxide".
Ethylene oxide (EO) - được xác định trong 3 lô sản phẩm mì, miến ăn liền khác nhau từ Việt Nam và Trung Quốc, thuộc danh mục chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở thị trường Liên minh châu Âu (EU) mà Ireland là thành viên, nhưng vẫn được một số nước ngoài EU chấp thuận sử dụng.
Trong đó, 2 sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam là lô mì tôm chua cay Hảo Hảo (loại 77 g), hạn sử dụng 24/9/2022 và miến ăn liền Good (loại 56 g), hạn sử dụng 10/11/2022. Cả 2 đều là sản phẩm của hãng Acecook.
Trước thông tin này, Bộ Công Thương đã đề nghị Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẩn trươngbáo cáo về quy trình sản xuất và sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụtrong nước và xuất khẩu đối với 2 sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good docông ty sản xuất để đánh giá sự xuất hiện chất EO (là chấtkhông thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảovệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế)trong sản phẩm như cảnh báo nêu.
Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạocác đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Côngty cổ phần Acecook Việt Nam hiện đang phân phối trong nước, kiểm tra xácminh làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm (nếu có) để bảovệ quyền lợi người tiêu dùng.
* EO, còn gọi là oxiran và epoxit, là một hợp chất hữu cơ thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy.
Chất này thường được sử dụng chủ yếu làm hoá chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác.
Ngoài ra, EO còn được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế... trước yêu cầu luôn cần kiểm tra thường xuyên vi khuẩn Salmonella).
Tại châu Âu, EO được xếp loại là một sản phẩm thuốc trừ sâu bị cấm. Việc sử dụng EO để khử trùng thực phẩm là không được phép.