Khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 18:44, 31/08/2021

(TN&MT) - Chiều 31/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã chủ trì họp trực tuyến Hội đồng liên Bộ thẩm định Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng dự có đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và lãnh đạo các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn.

img_20210831_170511-3.jpg

Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp

Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng Nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt vào 23/9/2014 theo Quyết định số 2041/QĐ-BTNMT với 2 nội dung: Phân bổ nguồn nước và Bảo vệ tài nguyên nước và giao cho Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia triển khai lập quy hoạch.

Đến nay, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng đã hoàn thành các nội dung chính theo yêu cầu của Nhiệm vụ lập quy hoạch như đánh giá, tính toán dự báo nhu cầu sử dụng nước; tính toán tiềm năng nguồn nước mặt, nước dưới đất; tính toán lượng nước có thể phân bổ; xây dựng phương án phân bổ nguồn nước cho các ngành, từng địa phương trong điều kiện bình thường và trong điều kiện hạn hán, thiếu nước.

Đối với nội dung bảo vệ tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã nghiên cứu, đánh giá được chất lượng trên toàn bộ lưu vực, các tiểu lưu vực và các nguồn nước chính phục vụ cho khai thác, sử dung, phân vùng chức năng, phân vùng chất lượng nước mặt và nước dưới đất từ đó đề xuất được các yêu cầu về chất lượng nước, chức năng và mục đích sử dụng của các nguồn nước, đánh giá được mức độ cạn kiệt của các tầng chứa nước chính, đề xuất ngưỡng khai thác hợp lý nhằm bảo vệ các tầng chứa nước.

Đối với nội dung phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, đã xác định về đề xuất biện pháp phòng, chống đối với các khu vực sụt, lún hoặc có nguy cơ bị sụt, lún và các khu vực bị sạt, lở hoặc có nguy cơ bị sạt, lở. Đồng thời, đề xuất mạng giám sát tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước, chất lượng nước và xả nước thải vào nguồn nước.

Các đơn vị tham gia họp trực tuyến

Mục tiêu chung của Quy hoạch là điều hòa, phân bổ công bằng, hợp lý nguồn nước giữa các đối tượng sử dụng nước, các vùng, các tỉnh trên lưu vực sông có xét đến sự biến động nguồn nước do tác động của biến đổi khí hậu; Bảo vệ được các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, kiểm soát được tình trạng gia tăng ô nhiễm nguồn nước ở các khu dân cư, khu đô thị lớn, khu công nghiệp tập trung; Phát triển tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra.

Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 là ưu tiên về số lượng, chất lượng nước cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, ổn định an sinh xã hội nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khan hiếm nước; Cơ bản giải quyết được tình trạng mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước giữa các đối tượng sử dụng nước; Kiểm soát được các nguồn xả nước thải tập trung vào nguồn nước và phục hồi các nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng; Kiểm soát được tình trạng sạt, lở bờ, bãi sông do các hoạt động khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông; tình trạng sụt, lún nền đất do khai thác nước dưới đất.

Mục tiêu đến năm 2050 là chủ động được nguồn nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, có xét đến tác động của biến đổi khí hậu; Nâng cao hiệu quả sử dụng nước, ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng sử dụng nước có hiệu quả kinh tế cao và có sử dụng nước tái tạo; Bảo tồn các nguồn nước có ý nghĩa quan trọng đối với các hoạt động văn hóa hóa, tín ngưỡng; bảo vệ hệ sinh thái phụ thuộc vào nguồn nước và cảnh quan môi trường các dòng sông.

Sản phẩm quy hoạch là các báo bao gồm: Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng hợp lưu vực Bằng Giang - Kỳ Cùng; Báo cáo tóm tắt Quy hoạch tổng hợp lưu vực Bằng Giang - Kỳ Cùng; Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Các bản đồ tỷ lệ 1/100.000 gồm: Bản đồ tổng hợp hiện trạng tài nguyên nước lưu vực Bằng Giang - Kỳ Cùng; Bản đồ Quy hoạch tổng hợp lưu vực Bằng Giang - Kỳ Cùng.

Một khúc sông Kỳ Cùng

Góp ý tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá tính cấp thiết của việc thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, Hội đồng thẩm định đã có những góp ý chi tiết, cụ thể để hoàn thiện Dự thảo nhiệm vụ Quy hoạch về nội dung, phương pháp; sản phẩm của Nhiệm vụ và cách thức tổ chức thực hiện trong thời gian sớm nhất. Hội đồng thống nhất thông qua Quy hoạch sau khi đơn vị thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa theo đóng góp của các đơn vị liên quan trước khi trình phê duyệt.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao các thành viên Hội đồng đã nghiên cứu tài liệu một cách nghiêm túc để đưa ra những ý kiến đóng góp rất chi tiết, mang tính chất xây dựng cho bản Quy hoạch đảm bảo chất lượng và phù hợp với các quy hoạch cấp cao hơn, cũng như các quy hoạch của các ngành có liên quan.

Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị, Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia tiếp thu, chỉnh sửa các ý kiến đóng góp của các đại biểu và thành viên Hội đồng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bằng Giang - Kỳ Cùng là một trong 10 lưu vực sông lớn của Việt Nam và là lưu vực sông có nguồn nước liên quốc gia giữa Việt Nam - Trung Quốc với diện tích lưu vực 10.847 km2thuộc 3 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Kạn. Nguồn nước sông Bằng Giang – Kỳ Cùng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định dân cư và củng cố an ninh trật tự xã hội vùng biên giới. Với tiềm năng nguồn nước khoảng 10.000 m3/người lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng được đánh giá là lưu vực có lượng nước bình quân đầu người tương đối lớn, tuy nhiên phân bố lượng nước trong năm không đều, mùa mưa lượng nước chiếm từ 65-80% tổng lượng nước cả năm bên cạnh đó nguồn nước dưới đất trên lưu vực không giàu và khả năng khai thác rất khó khăn. Là lưu vực sông nằm trong vùng động lực phát kinh tế của vùng Đông Bắc làm cho nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương trong lưu vực sông đang tăng nhanh với nhu cầu nước hiện tại khoảng 465 triệu m3 đến năm 2050 là 576 triệu m3 tăng gấp 1,24 lần so với hiện tại.

Phương Anh