Bảo vệ vùng biển Thừa Thiên Huế - Bài 3: “Động lực” từ kinh tế biển

Biển đảo - Ngày đăng : 15:17, 30/08/2021

(TN&MT) - Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế, tiềm năng về biển. Nhờ có những chủ trương đúng đắn, kinh tế biển của địa phương này đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ. Bảo tồn, phát triển bền vững kinh tế biển cũng chính là cách để góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng, lợi thế về biển

“Khí thế” vươn khơi

3h sáng, khi màn sương đêm vẫn còn bủa vây thì tại cảng Thuận An - cảng cá lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhộn nhịp, tấp nập khi nhiều tàu cá công suất lớn đi đánh bắt hải sản dài ngày trên biển trở về cập bến. Tiếng cười nói, mua bán của các ngư dân, tiểu thương... khiến cho cảng cá trở nên sôi động. Dù dịch bệnh COVID - 19 đang diễn biến phức tạp nhưng nhờ siết chặt các biện pháp phòng, chống nên ngư dân vẫn không vội “gác thuyền”, kiên trì vươn khơi, đánh bắt không gián đoạn để mang về nguồn thu ổn định.

“Mỗi ngày, cảng cá Thuận An có hàng trăm lao động, tiểu thương, phương tiện ra, vào mua bán hải sản, sau đó phân phối đến các chợ trên địa bàn. Để phòng, chống dịch COVID - 19, Ban Quản lý cảng cá phối hợp cùng các ban, ngành, bộ đội biên phòng... triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Các phương tiện và ngư dân ra vào cảng đều được lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, bắt buộc phải đeo khẩu trang. Lực lượng chức năng tăng cường nhắc nhở ngư dân, nhân công bốc vác, sơ chế và các hộ kinh doanh mua bán hải sản, nhu yếu phẩm, nhiên liệu để tránh tập trung đông người vào cùng một thời điểm...”, ông Trần Quang Nhất – Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Thừa Thiên Huế cho biết.

Những khoang tàu “bội thu” hải sản sau những ngày dài ra khơi

Cũng trong thời gian qua, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đăng ký đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Những con tàu này đã giúp ngư dân bám biển dài ngày hơn, vươn ra ngư trường xa hơn. Chất lượng hải sản được bảo quản tốt hơn khi về đất liền, tạo động lực cho ngư dân quyết tâm vươn khơi, bám biển.

Hơn 30 năm làm nghề biển, chưa bao giờ ông Trần Dũng (phường Thuận An, TP. Huế) có được niềm vui như hôm nay. Lão ngư này nói rằng, trước đây đa số người dân ra khơi chỉ với chiếc thuyền nan nhỏ bé đánh bắt vùng lộng. Rồi họ tích cóp, vay mượn đóng được chiếc tàu xa bờ tầm 90 CV, chừng chục năm nay nâng cấp, cải hoán lên 300 CV, rồi 400 CV. Nay có được chiếc tàu vỏ thép có trị giá hàng chục tỷ đồng, không chỉ đánh bắt hiệu quả mà còn vươn khơi an toàn đến vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

“Biển cả không phụ lòng người. Từ ngày hạ thủy, tàu vỏ thép của nhà tôi mang số hiệu TTH.99996.TS đã có hàng chục chuyến biển. Mỗi chuyến cho thu nhập hàng chục tấn các loại tôm cá, đặc biệt các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ đại dương. Trừ chi phí sản xuất, trả công cho lao động, mỗi chuyến biển thu lãi trên trăm triệu đồng...”, ông Dũng hồ hởi.

Chất lượng tàu, thuyền của ngư dân Thừa Thiên Huế ngày càng được cải tiến, nâng cấp để vươn khơi xa

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin rằng, đến nay toàn tỉnh có 4 tàu vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Hoạt động đánh bắt ở các ngư trường xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa của ngư dân địa phương không những góp phần bảo vệ ngư trường, chủ quyền lãnh hải mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng chung quyết tâm bám ngư trường truyền thống sản xuất, ngư dân ở các xã biển như Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Thanh (huyện Phú Vang); Hải Dương (TP. Huế); Lộc Trì, Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc)... cũng tất bật, đồng loạt vươn khơi. Mùa mưa bão sắp tới, họ tranh thủ để kiếm “lộc biển” bởi thời gian này nhiều loại hải sản đang vào vụ chính. Trước khi xuất bến, ngư dân không quên treo những lá cờ Tổ quốc mới lên nóc tàu.

Theo ông Nguyễn Văn Chính -  Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, để phát huy tiềm năng kinh tế biển của địa phương, thời gian qua, các cấp chính quyền của huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền ngư dân tham gia khai thác, tập trung bám biển dài ngày kết hợp phòng dịch COVID - 19. Bên cạnh đó còn thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn; khuyến cáo ngư dân lắp đặt, nâng cấp thiết bị hệ thống thông tin liên lạc từ xa tích hợp định vị vệ tinh cho tàu xa bờ. Nhờ thế nên nhiều ngư dân địa phương đã chú trọng đầu tư ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại để nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản với các loại có giá trị xuất khẩu...

Lực lượng biên phòng Thừa Thiên Huế tuần tra trên biển

Thống kê từ Chi cục thủy sản tỉnh, tổng lượng thủy sản 7 tháng đầu năm 2021 đạt 37.500 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng khai thác ước đạt 27.020 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ.

 

“Mạnh về biển, giàu từ biển”

Theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế phải trở thành tỉnh “mạnh về biển, giàu từ biển” với cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc kết hợp phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo là yêu cầu cấp thiết nhằm tạo ra thế và lực mới trong thực hiện nhiệm vụ. Trong quy hoạch phát triển giai đoạn 2020 - 2030, Thừa Thiên Huế xác định phát huy tiềm năng, lợi thế vùng biển, đầm phá của tỉnh và các nguồn nội lực, tranh thủ và tận dụng tối đa, khai thác hiệu quả các nguồn ngoại lực; tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương khác trong nước và quốc tế để xây dựng vùng biển, đầm phá của tỉnh thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước. 

Cảng nước sâu Chân Mây thuận lợi để phát triển kinh tế biển

Để trở thành tỉnh “mạnh về biển, giàu từ biển”, Thừa Thiên Huế quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trong vùng ngày càng hoàn thiện, nhất là các dự án lớn có tính đột phá, lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.

Hiện nay, ngoài cảng cá Thuận An (đang thi công dự án cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão có tổng mức đầu tư là 250 tỷ đồng), Thừa Thiên Huế đang có cảng nước sâu Chân Mây với quy mô gồm các bến cảng tổng hợp (vừa đưa vào sử dụng thêm bến số 2 và số 3 trong tháng 7/2021), công ten nơ, kết hợp phục vụ tàu khách du lịch quốc tế, phục vụ hàng hóa trong khu vực, bến xăng dầu; lượng hàng qua cảng trung bình hàng năm đạt khoảng 2,2 triệu tấn/năm; số lượt tàu du lịch qua cảng bình quân hàng năm khoảng 45-50 lượt với lượng khách và thủy thủ khoảng 130.000 lượt khách.

Các dự án ven biển nhất là Khu du lịch Laguna Lăng Cô đang vận hành hiệu quả. Một số dự án lớn cũng được triển khai như Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn – Lăng Cô, khu nghỉ dưỡng Địa Trung Hải, Dự án khu khách sạn, dịch vụ nghỉ dưỡng, biệt thự tại các xã ven biển Vinh Thanh, Vinh Xuân (huyện Phú Vang) của Tập đoàn BRG...

Du lịch biển ở Huế đang phát triển, trong ảnh là Khu phức hợp nghĩ dưỡng Laguna Lăng Cô

Đặc biệt, Thừa Thiên Huế vừa có quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh (đoạn từ huyện Phong Điền đến Lăng Cô, huyện Phú Lộc) có tổng chiều dài khoảng 127km. Tuyến này được đánh giá là “con đường vàng” kết nối, tích hợp thuận lợi với mạng lưới giao thông của từng địa phương, phù hợp với các quy hoạch khác trong khu vực và kết nối các tỉnh, thành ven biển miền Trung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và du lịch, từ đó góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ vùng biển, đảo Thừa Thiên Huế.

Du lịch đầm phá, ven biển đang được tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư, đẩy mạnh khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, phấn đấu xây dựng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng du lịch sinh thái trọng điểm. Các hoạt động, dịch vụ du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham quan, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều ngư dân.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra các dự án ven biển

Trong khi đó, TP. Huế hiện nay cũng đã trải dài về phía biển. Theo nhận định của các chuyên gia, với việc sáp nhập, địa giới được mở rộng tới biển Đông, Huế trở thành thành phố biển trong chuỗi những thành phố duyên hải miền Trung như Đồng Hới, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Quy Nhơn, Nha Trang... Đây là cơ hội lớn để TP. Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế thu hút đầu tư, đẩy mạnh các sản phẩm du lịch biển hấp dẫn khách du lịch, có sức cạnh tranh cao.

“Trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, kinh tế biển, đầm phá giữ vai trò trọng yếu. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quy định của Chính phủ. Phát triển mạnh về khai thác, chế biến sản phẩm từ biển; các ngành dịch vụ biển, đầm phá. Kiểm soát khai thác tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển, đầm phá. 100% số xã ven biển, đầm phá đạt chuẩn gắn với nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Và quan trọng là từ kinh tế biển sẽ góp phần bảo vệ vùng biển trù phú của tỉnh cũng như của cả nước...”, ông Phương chia sẻ.

Theo Sở NN&PTNT, đến nay các địa phương ven biển trong tỉnh đã xây dựng, hình thành hơn 330 cơ sở chế biến thủy hải sản với sản lượng hằng năm đạt khoảng 1,5 triệu lít nước mắm, 1,5 tấn mắm và hơn 100 tấn thủy sản khô... Nghề biển đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hơn 10.000 hộ gia đình với hơn 21.000 lao động.

Văn Dinh