Bảo vệ vùng biển Thừa Thiên Huế - Bài 2: Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền
Biển đảo - Ngày đăng : 09:51, 27/08/2021
Thừa Thiên Huế là tỉnh ven biển thuộc khu vực duyên hải miền Trung Việt Nam với đường bờ biển dài hơn 120km. Bên cạnh đó, tỉnh có hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai diện tích khoảng 22.000 ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Xuất phát từ vị trí chiến lược của vùng biển tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và biển Đông nói chung, nhất là lợi ích to lớn từ nguồn tài nguyên thiên nhiên biển; những năm gần đây, các quốc gia ven biển trong khu vực đã tăng cường các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên và tranh giành chủ quyền trên biển, nhất là vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, các tàu cá xâm phạm chủ quyền vùng biển, đánh bắt thủy hải sản trái phép làm cho tình hình vùng biển có nhiều diễn biến phức tạp.
Thừa Thiên Huế sở hữu đường bờ biển dài, có vị trí chiến lược |
Để nâng cao công tác quản lý và sử dụng tài nguyên môi trường biển, đảo và đầm phá một cách hiệu quả, bền vững và để phát huy các tiềm năng, lợi thế vốn có; thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị ở Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về biển, đảo, đầm phá với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Cùng với đó là việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên vùng biển...
Tuyên truyền pháp lý, đặt tủ sách pháp luật
Sau mỗi chuyến đi biển về của ngư dân, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An tổ chức nhiều buổi gặp mặt để tuyên truyền về tính pháp lý chủ quyền biển Đông của Việt Nam; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Gặp mặt ngư dân, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo |
Ngư dân chăm chú nghe các báo cáo viên giải thích về tính pháp lý và những bằng chứng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam... Cùng với đó, các chủ trương, đối sách của Đảng, nhà nước ta trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo cũng được thông tin cho ngư dân nắm vững.
“Mỗi lần vươn khơi bám biển là mỗi lần tự hào. Chúng tôi cần được nắm vững quy định cơ bản của luật biển, các quy định về hoạt động khai thác khơi xa như chế độ thông tin, xác định vị trí tọa độ... để làm cơ sở đấu tranh pháp lý khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta trên biển Đông. Ngoài ra, mỗi đợt trao đổi thông tin như thế này, những thắc mắc, kiến nghị của bà con ngư dân về chính sách hỗ trợ khai thác thủy sản, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế biển cũng được lãnh đạo các cấp giải đáp thoả đáng, giúp chúng tôi yên tâm bám biển dài ngày”, anh Ngô Đức Đông, một ngư dân trẻ tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) chia sẻ.
Lực lượng biên phòng thường xuyên cung cấp tài liệu về biển, đảo cho ngư dân |
Khi được hỏi về việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông từ đầu tháng 5/2021, anh Đông và nhiều ngư dân đều khẳng định, lệnh cấm đánh bắt cá từ phía Trung Quốc là vô giá trị. Bởi vì Trung Quốc không có quyền cấm đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Từ đầu năm 2021 đến nay, dù tình hình dịch COVID – 19 phức tạp nhưng ngư dân ở các xã biển của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tích cực bám biển vươn khơi để bảo vệ ngư trường và chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Tại xã Phú Thuận, hiện có 53 tàu cá đánh bắt xa bờ với tổng công suất 35.700 CV. Những ngày này, thời tiết thuận lợi nên phần lớn các ngư dân ở xã biển này đều cho thuyền nổ máy vươn khơi.
“Xã thường xuyên mở các hội nghị để tuyền truyền về Luật Biển đảo, phát tờ rơi, cung cấp tài liệu. Các ngư dân đều tham gia sinh hoạt vào ngày 16 âm lịch mỗi tháng, qua đó trao đổi trực tiếp về những khó khăn, vướng mắc lúc đi biển, cùng hỗ trợ nhau vươn khơi, bảo vệ vùng biển. Xã cũng thường xuyên tặng cờ, tặng tủ thuốc cho ngư dân yên tâm ra khơi...”, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận - Đặng Tiến Tùy thông tin.
Trang bị các tủ sách pháp luật cho ngư dân |
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế cũng thường xuyên lắp đặt các tủ sách pháp luật cho các tàu đánh bắt xa bờ, gồm có rất nhiều quyển sách như “Bộ luật Hàng hải Việt Nam”, “Hỏi đáp pháp luật về biển”, tờ rơi biển, đảo Việt Nam… cho ngư dân đọc mỗi khi có thời gian rảnh rỗi. Trong những đầu sách cấp cho ngư dân có quyển từ phổ thông về tiếng Trung, tiếng Anh (Trung - Việt; Anh - Việt), để trong trường hợp tàu không may bị sóng gió đánh dạt vào vùng biển nước ngoài, ngư dân có thể giao tiếp bằng những câu phổ thông nhất. Việc cấp phát sách nhằm trang bị những kiến thức cơ bản cho ngư dân về các vùng thuộc chủ quyền Việt Nam. Các văn bản pháp luật liên quan giúp ngư dân khi vươn khơi bám biển đánh bắt thủy hải sản không vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài.
Để giúp ngư dân ra khơi an tâm làm ăn, cùng với mô hình “tổ tàu thuyền an toàn trên biển”, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế còn sử dụng bộ đàm, thường xuyên kết nối thông tin liên lạc với ngư dân đánh bắt xa bờ để tiếp nhận, trao đổi thông tin giữa bờ và biển. Mỗi năm, biên phòng Thừa Thiên Huế đã kịp thời hỗ trợ, thông báo bão, áp thấp nhiệt đới cho ngư dân đang khai thác trên biển, kịp thời trú tránh vào nơi an toàn, kêu gọi, vận động hàng chục tàu thuyền, ngư dân ứng cứu lẫn nhau khi gặp thiên tai, hoạn nạn trên biển. Qua hệ thống bộ đàm cũng tiếp nhận nhiều tin có giá trị từ biển về hoạt động vi phạm của các tàu thuyền nước ngoài vào vùng biển nước ta để kịp thời có biện pháp ngăn chặn.
Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cấp mới hơn 1.200 đầu sách, 2.635 đĩa DVD tuyên tuyền phổi biến giáo dục pháp luật, trang bị 12 tủ sách pháp luật cho các đơn vị, địa phương; tổ chức trao tặng 4.000 lá cờ Tổ quốc, 1.000 ảnh Bác Hồ cho ngư dân, tặng cho ngư dân hơn 1.000 sim Viettel, phát 4.567 tờ rơi, trang cấp cho các Đồn Biên phòng tuyến biển 6 máy chiếu, 6 bộ loa truyền thanh, 2 máy tính, 12 ti vi; tổ chức 24 buổi biểu diễn văn hóa, văn nghệ để tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo...
UBND xã Phú Thuận tặng tủ thuốc cho ngư dân yên tâm bám biển |
Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, bảo vệ vùng biển
Sở TN&MT Thừa Thiên Huế cho biết, nhiều năm gần đây luôn đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về biển, đảo. Cụ thể thực hiện chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác quản lý tổng hợp và thống nhất về tài nguyên biển, đảo và đầm phá. Hàng năm, Sở tổ chức từ 6 - 10 hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Luật Biển Việt Nam và công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển, đảo và đầm phá cho đại diện các hợp tác xã, chủ các tàu thuyền, chi hội nghề cá, các tổ chức, đoàn thể và người dân tại các địa phương ven biển.
Phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (1- 8/6) và Ngày Đại dương thế giới (8/6) với nhiều nội dung thiết thực như mít tinh và phát động hưởng ứng các ngày lễ, tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại các khu vực bãi biển của tỉnh. Các hoạt động được thực hiện trên quy mô toàn tỉnh với nhiều nội dung thiết thực, huy động sự tham gia rộng rãi của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cộng đồng.
Cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế thường xuyên tập huấn các kiến thức biển, đảo |
Ngoài ra, thường xuyên phối hợp Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi - Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế tổ chức các hội thi như “Thanh niên với biển, đảo và đầm phá quê hương”, “Ngày hội Em yêu biển, đảo quê hương”, “Vẽ tranh biển, đảo trong mắt em” cho các đoàn viên thanh niên, và các em học sinh trên địa bàn các huyện có biển.
“Nhìn chung, công tác tuyên truyền về biển, đảo được Sở triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm. Thông qua đó, nhận thức pháp luật về biển, đảo của các tổ chức, cá nhân của cộng đồng dân cư từng bước được nâng lên; giúp họ nắm bắt được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc chấp hành pháp luật để vận dụng vào cuộc sống, giúp hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật”, ông Lê Bá Phúc – Giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên Huế nói.
Triển lãm tranh, ảnh về chủ quyền biển đảo Tổ quốc |
Đại tá Lê Văn Nguyên - Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, các thế lực thù địch vẫn không ngừng tiến hành chống phá ta trên các lĩnh vực về kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa. Bên cạnh đó, tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn biến phức tạp, khó lường. Để đấu tranh làm thất bại chiến lược chống phá của các thế lực thù địch, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh được giữ vững đòi hỏi nỗ lực của tất cả các cấp, các ban ngành.
“Để làm tốt việc gắn bó đoàn kết giữa quân và dân ở tuyến biên giới là điều không dễ. Là lực lượng chuyên trách trong quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn ổn định ở khu vực biên giới đất liền và trên vùng biển của tỉnh, để công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc trong thời gian tới được tốt hơn, các lực lượng cần tập trung những nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra. Đồng thời chúng tôi cũng tổ chức các phong trào thi đua để khơi dậy tinh thần, với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới trên địa bàn quản lý”, Đại tá Nguyên chia sẻ.
Tổ chức các cuộc thi vẽ tranh về biển, đảo cho học sinh |
Thiếu tá Lê Văn Hải, Hải đội trưởng Hải đội 2 cho biết, công tác tuần tra bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, đảo và phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn luôn được đơn vị quan tâm chỉ đạo, có kế hoạch tổ chức huấn luyện, diễn tập cụ thể.
Khác với trước đây, năm nay Hải đội 2 triển khai kế hoạch công tác phối hợp hiệp đồng cùng các đồn biên phòng tuyến biển, các địa phương, các lực lượng công an, quân đội sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra, đảm bảo nắm chắc tình hình, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển. Ban chỉ huy các đồn biên phòng tuyến biển giao trách nhiệm cho đội vận động quần chúng tiếp cận với ngư dân, triển khai quy chế phối hợp giúp liên kết, hỗ trợ nhau trong đánh bắt và tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển, gắn với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển, đảo của quốc gia...
Tuần tra, bảo vệ vùng biển Thừa Thiên Huế |
Từ đầu năm đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển được 18 đợt/21 lượt/168 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; phát hiện bắt giữ 8 vụ/9 phương tiện tàu giả cào sai tuyến, sai vùng, xử phạt 410 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước; xử phạt khai thác kích điện 8 vụ/8 đối tượng/54 triệu đồng, tịch thu 8 bộ kích điện đồng thời xua đuổi 5 vụ/7 tàu cá khai thác thủy sản sai tuyến. Điều động 108 lượt xuồng, ca nô/410 cán bộ, chiến sĩ tổ chức tuần tra, kiểm soát vùng đầm phá, biển, đảo...