Kích cầu kinh tế bằng những chính sách đặc thù gắn với công tác bảo vệ môi trường ở Lai Châu

Kinh tế - Ngày đăng : 18:58, 26/08/2021

(TN&MT) - Trong năm qua, tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân. Để chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp không bị đứt gãy, thời gian qua tỉnh Lai Châu đã ban hành một số chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; với phương châm không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Vì thế, công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh luôn được tỉnh chú trọng quan tâm.

Những chính sách đặc thù phát triển kinh tế nông nghiệp...
Trong thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã ban hành 8 chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và HTX… sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Gồm: chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phảm nông nghiệp; Chính sách xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn; Chính sách phát triển một số cây dược liệu; Chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; Chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; Chính sách phát triển rừng bền vững.

Lãnh đạo huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu thăm vườn cây dược liệu tại xã Phăng Sô Lin.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, cho biết: Các chính sách hỗ trợ đã tạo chuyển biến quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa. Điều này đã làm thay đổi diện mạo bản làng, nếp nghĩ cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu. Đặc biệt trong việc sản xuất, làm ra các sản phẩm nông nghiệp là hàng hóa, hướng tới sản phẩm sạch, an toàn găn với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch nông thôn. 

Chính sách hỗ trợ phát triến sản xuất nông nghiệp, góp phần làm tăng nhanh khối lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị. Hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng lúa gạo, chè, cao su, chuối, mắc ca, quế, sơn trà. Một số sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng kí nhãn hiệu, nhiều sản phẩm được dánh giá phân hạng OCOP từ 3 đến 4 sao. 

Ngoài ra, một số chính sách đặc thù đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; bước đầu tạo cơ chế để thu hút doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, UBND tỉnh Lai Châu đã phê duyệt danh mục 35 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Khảo sát lập chủ trương đầu tư, 25 dự án về lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 06 dự án được UBND tỉnh Quyết định chủ trương đầu tư với tổng kinh phí trên 228 tỷ đồng, 04 dự án đang báo xin chủ trương Tỉnh ủy. 

Bên cạnh đó, chính sách xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn một số bản; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư; một số điểm mới hoạt động du lịch bước đầu đã có khách đến thăm quan… Chính sách phát triển một số cây dược liệu bước đầu đã khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; huy động người dân và doanh nghiệp triển khai phát triển được gần 123ha cây dược liệu. Chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiêt kiệm nước góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng thủy lợi, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với phát triển nong thôn của tỉnh. Chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025 đã đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong việc phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

... gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường
Ông Hà cho biết thêm: Chúng tôi luôn đề cao sự đóng góp, tham gia của các doanh nghiệp, HTX... trong việc sản xuất, kinh doanh, phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị hàng hóa, giá trị hàng nông sản được sản xuất tại địa phương, cung ứng ra thị trường. Đặc biệt, chuỗi liên kết các sản phẩm nông nghiệp. Song tỉnh cũng đặc biệt chú trọng quan tâm đến môi trường; sản xuất, kinh doanh phải gắn liền với công tác xã hội, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ chất lượng sống của người dân. Chính vì vậy mà tỉnh có chủ trương không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. 

SuooisLangf du lịch cộng đồng tiêu biểu, bản Sin Suối Hồ, xã Xin Suối, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu

Bên cạnh những chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phảm nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn... Lai Châu đề ra một số giải pháp, nhằm bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đối với các mô hình phát triển du lịch và du lịch cộng đồng và đã ban hành 06 văn bản quan trọng về quản lý, bảo vệ môi trường… 

Ngoài những văn bản quy định về quản lý, bảo vệ môi trường, Lai Châu còn đưa ra một số giải pháp như: Nâng cao chất lượng thẩm định, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm; đẩy mạnh các hoạt động thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Cùng với đó, giao cho các bộ phận chuyên môn tập trung phòng ngừa và kiểm soát các nguồn phát sinh gây ô nhiễm môi trường; ngăn chặn đối với mọi hành vi làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường; quan tâm đúng mức công tác thu gom, xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường; thực hiện tốt Chương trình Quan trắc môi trường tỉnh để kịp thời phát hiện dấu hiệu ô nhiễm môi trường, trên cơ sở đó đề xuất biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, việc áp dụng những chính sách hỗ trợ chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường không dưới 1% tổng chi ngân sách của tỉnh, nhằm đảm bảo định mức và cơ cấu đầu tư cho bảo vệ môi trường hợp lý.

Ngoài ra, Lai Châu còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường, những tác nhân, hệ lụy làm ảnh hưởng môi trường sống. Đặc biệt, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tuân thủ các biện pháp, giải pháp góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất, kinh doanh. Hướng đến môi trường an toàn là giải pháp tốt nhất để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ và sự phối hợp chặt chẽ giữa việc bảo vệ môi trường để dần thay đổi nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức người dân, các hộ kinh doanh, các công ty, HTX trực tiếp sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm với môi trường.

 

 

Phạm Huế - Hoàng Châu