Hoàn thiện quy định pháp luật để phát triển bền vững tài nguyên nước: Sửa đổi Luật Tài nguyên nước là cần thiết
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 12:59, 26/08/2021
Xây dựng kế hoạch chi tiết cho công tác sửa Luật
"Sửa đổi Luật Tài nguyên nước theo hướng phù hợp, toàn diện hơn sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Sửa đổi Luật Tài nguyên nước chính là tạo ra dấu mốc quan trọng trong quản lý tài nguyên nước ở nước ta". Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành tại cuộc họp trực tuyến mới đây với Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan về Kế hoạch sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012.
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Qua hơn 8 năm triển khai thi hành, Luật đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, việc chấp hành quy định của Luật và nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước đã có nhiều chuyển biến và từng bước đáp ứng được nhu cầu về nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trước tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước ngày một gia tăng, nguồn nước phụ thuộc phần lớn từ nước ngoài chảy vào, thực tiễn công tác quản lý còn chồng chéo, giao thoa, chưa thống nhất, một số vần đề phát sinh trong thực tiễn cần quản lý nhưng chưa được quy định trong Luật, nhiều vướng mắc, bất cập chưa được giải quyết triệt để theo yêu cầu thực tiễn, cần phải sửa đổi, bổ sung.
Sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 nhằm tăng cường khung pháp lý đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội |
Trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TN&MT về việc tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, Cục Quản lý tài nguyên nước đã xây dựng Dự thảo Kế hoạch tiến độ, thời gian thực hiện một số công việc phục vụ lập đề nghị sửa đổi, bổ sung và soạn thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Theo đó, Cục Quản lý tài nguyên nước lập đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước vào Chương trình xây dựng, sửa đổi Luật từ năm 2023. Cụ thể, xây dựng Kế hoạch, tiến độ đánh giá tình hình thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 phục vụ việc lập đề nghị; gửi Văn bản đến các Bộ, ngành, địa phương đề nghị rà soát, đánh giá tổng kết thi hành Luật, đề xuất các vấn đề cần sửa đổi bổ sung; tổ chức các đoàn điều tra, khảo sát, làm việc với Sở TN&MT các địa phương về tình hình thực thi Luật Tài nguyên nước, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.
Đồng thời, Cục tiến hành thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin, tài liệu về tình hình thực hiện Luật Tài nguyên nước từ năm 2013 đến nay; phân tích, đánh giá việc thi hành Luật, những kết quả đạt được trong việc quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; những tồn tại, khó khăn, bất cập trong quá trình thực thi phục vụ sửa đổi, bổ sung Luật; đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước năm 2012; xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ cho ý kiến và đề xuất đưa vào Chương trình sửa đổi Luật của Quốc hội năm 2023.
Đề cập đến tiến độ thực hiện, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị, Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tập trung trí tuệ đóng góp sáng kiến xây dựng Kế hoạch chi tiết phục vụ hiệu quả cho công tác sửa đổi Luật Tài nguyên nước trong thời gian tới. Đảm bảo công tác sửa đổi Luật phải thực sự hiệu quả, khoa học, bám sát thực tiễn, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước.
Đánh giá toàn diện thực thi Luật
Để có cơ sở đánh giá toàn diện thực tiễn thi hành Luật Tài nguyên nước 2012, lấy kết quả đề xuất xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ TN&MT đã có Công văn số 3951 gửi các Bộ: Tài chính; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Xây dựng về việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012.
Bộ TN&MT đề nghị các Bộ tổng kết, đánh giá tình hình thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012. Trong đó, tập trung một số nội dung chính về tình hình triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 theo từng nội dung bao gồm: Công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật về tài nguyên nước; điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; tài chính về tài nguyên nước.
Đồng thời, tập trung đánh giá các khó khăn, vướng mắc khi triển khai thi hành Luật và nguyên nhân, biện pháp khắc phục, bao gồm: Khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập trong công tác triển khai thi hành Luật và nguyên nhân; khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập trong quy định của Luật.
Cuối cùng là đề xuất, kiến nghị nội dung sửa đổi, bổ sung Luật, bao gồm: Đề xuất những nội dung của Luật Tài nguyên nước cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung; đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan; và đề xuất những nội dung chính sách mới cần được quy định trong Luật Tài nguyên nước để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Căn cứ tình hình thực tiễn, Bộ TN&MT sẽ tổ chức các hội thảo, hội nghị tại 3 miền Bắc, Trung, Nam và một số địa phương có đặc thù trong thực thi Luật, lấy ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế để làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật và các hồ sơ về Dự án Luật kèm theo. Tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và hoàn thiện hồ sơ về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, sau đó trình Quốc hội thông qua.