Phục hồi hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực biển Quy Nhơn
Biển đảo - Ngày đăng : 20:25, 25/08/2021
Vùng biển vịnh Quy Nhơn có chiều dài 72 km, được bao bọc xung quanh là các hòn đảo nhỏ, các bãi biển được cấu tạo từ cát xám hoặc cát trắng tạo nên các bãi tắm lý tưởng cho khách du lịch tham quan đến Bình Định, cùng với hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển và các động vật thủy sinh đa dạng tạo nên cảnh quan sinh thái biển đầy màu sắc và quyến rũ.
Vùng biển ven bờ vịnh Quy Nhơn nằm trong địa phận hành chính của 4 xã, phường: Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng, thuộc thành phố Quy Nhơn, có diện tích 36.537 ha mặt biển, có điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển các hệ sinh thái, có tiềm năng đa dạng sinh học cao với sự hiện diện của các hệ sinh thái điển hình quan trọng (thảm cỏ biển, rạn san hô, vùng triều và đáy mềm lân cận).
Cù Lao Xanh Nhơn Châu cũng là một trong những địa điểm được Tổng cục Thủy sản đưa vào Quy hoạch thành khu bảo tồn biển trong Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030. |
Cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên biển và sự đa dạng sinh học của vùng biển ven bờ vịnh Quy Nhơn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Quy Nhơn, đặc biệt trong lĩnh vực cảng biển, giao thông, du lịch và thủy sản, góp phần giải quyết công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng sinh sống và làm việc tại các địa phương ven biển.
Để bảo vệ tài nguyên biển, phát triển kinh tế thủy sản và du lịch sinh thái một cách bền vững, UBND tỉnh Bình Định đã chú trọng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhằm tăng cường vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
San hô tại Bãi Dứa xã Nhơn Lý |
Trong khuôn khổ các dự án do GEF, MCD tài trợ, Chi cục Thủy sản Bình Định đã phối hợp với Hiệp hội Thủy sản và UBND thành phố Quy Nhơn hỗ trợ địa phương 4 xã/phường Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng xây dựng mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017 với 220 thành viên. Đây là những mô hình đồng quản lý đầu tiên được thành lập theo Luật Thủy sản mới trên cả nước.
Các Tổ chức cộng đồng (TCCĐ) bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương 4 xã/phường đã được UBND thành phố Quy Nhơn giao quyền bảo vệ: Khu vực biển Bãi Dứa tại Nhơn Lý, diện tích 8,02 ha; khu vực biển phía Tây Hòn Khô nhỏ xã Nhơn Hải, diện tích 12,043 ha; khu vực biển Hòn Nhàn, phường Ghềnh Ráng, diện tích 5,83 ha; khu vực biển Bãi Trước xã Nhơn Châu, diện tích 20,24 ha.
Tùy thuộc vào khu vực biển khoanh vùng bảo vệ theo điều kiện thực tế của từng địa phương mà có thể phân ra thành khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và khu dịch vụ du lịch. Tại phân khu du lịch giải trí thủy sản, việc đặt bè nổi cho khách du lịch lặn ngắm san hô phải theo hướng dẫn của Đội Bảo vệ san hô.
Lặn ngắm san hô tại Hòn Khô Nhỏ xã Nhơn Hải |
Sau khi được UBND thành phố Quy Nhơn công nhận và giao quyền quản lý các khu vực biển, TCCĐ 4 xã/phường khu vực biển Quy Nhơn đã tổ chức thả phao tiêu khoanh vùng các khu vực biển được giao với tổng diện tích hơn 46 ha. Ngoài ra các TCCĐ cũng thường xuyên tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, lắp đặt các pano, biển báo tuyên truyền, tổ chức dọn vệ sinh trên bờ biển và dưới nước tại khu vực rạn san hô, bắt và tiêu diệt sao biển gai (đây là kẻ thù ăn san hô), định kỳ quan trắc đánh giá nguồn lợi thủy sản và san hô tại khu vực khoanh vùng.
Thả phao tiêu khu vực khoanh vùng |
Kết quả quan trắc đánh giá rạn san hô vào tháng 6/2021 cho thấy độ phủ san hô sống tại khu vực Bãi Dứa với san hô cứng đạt 62,5%, san hô mềm 13%; Hòn Khô nhỏ đạt 44,3%, chủ yếu là san hô cứng; rạn san hô ở Hòn Nhàn đạt 31,8 %, chủ yếu là san hô cứng; rạn Bãi Trước đạt 23,1%.
Nhìn chung rạn san hô tại 4 khu vực này đang dần được phục hồi sau thời gian khoanh vùng bảo vệ góp phần bảo vệ nơi trú ẩn và sinh sản cho các loài thủy sản, giữ cân bằng hệ sinh thái môi trường, bảo tồn cảnh quan sinh thái tự nhiên, phát triển kinh tế thủy sản và dịch vụ du lịch biển đảo, tạo thu nhập theo hướng bền vững cho cộng đồng địa phương.