Bí thư Hà Nội: Khống chế bằng được 'vùng đỏ' tại Thanh Trì
Trong nước - Ngày đăng : 06:23, 25/08/2021
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Gia Huy |
Là “vùng đỏ” nguy cơ cao thứ 3, hiện có 2 chùm ca bệnh lớn
Tại buổi làm việc với huyện, Đoàn công tác đánh giá, Thanh Trì là địa bàn có nguy cơ cao thứ ba của Thành phố về dịch bệnh COVID-19. Hiện nay, Thanh Trì có 2 chùm ca bệnh lớn ở thôn Thọ Am (xã Liên Ninh, 128 ca F0) và thôn Nguyệt Áng (xã Đại Áng, 9 ca F0).
Một trong những vấn đề rất cấp thiết của huyện Thanh Trì lúc này là phải khống chế các chùm ca bệnh ở địa bàn dân cư, đặc biệt là phải ngăn chặn được tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu vực phong toả.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, từ ngày 27/4 đến nay, trên địa bàn huyện đã ghi nhận 272 ca mắc COVID-19 tại 14/16 xã, thị trấn, trong đó phát hiện ngoài cộng đồng là 46 ca; đến nay 51 ca đã khỏi, đang điều trị 221 ca. Huyện đã thành lập 2 tổ chuyên trách; thành lập 10 tổ phản ứng nhanh cấp huyện, 32 tổ phản ứng nhanh cấp xã; điều động 10 tổ kiểm soát của UBND huyện về cơ sở để trực tiếp đôn đốc triển khai công tác phòng, chống dịch.
Huyện Thanh Trì hiện còn 7 khu vực cách ly y tế; kích hoạt 5 khu cách ly tập trung với quy mô 1.416 chỗ; đồng thời hoàn thành rà soát các cơ sở làm khu cách ly tập trung trên địa bàn bảo đảm đáp ứng khả năng cách ly cho 3.800 người.
Tại xã Liên Ninh nơi có số ca F0 nhiều nhất huyện với 136 ca, huyện đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương để tập trung chỉ đạo khống chế dịch. Mỗi thôn thành lập 1 tổ tuần tra lưu động nhắc nhở, chụp ảnh gửi cho Sở chỉ huy để xử lý “nguội” vi phạm phòng, chống dịch.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, huyện đã phê bình 4 đồng chí Chủ tịch UBND xã chưa thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch trên địa bàn nhằm siết chặt kỷ cương, kỷ luật đúng tinh thần Chỉ thị số 05 ngày 30/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra tại Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh: VGP/Gia Huy |
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, trong đợt bùng phát dịch thứ tư, ban đầu nguy cơ của Hà Nội rất lớn, nhưng Thành phố lựa chọn biện pháp đúng, trúng, kịp thời, nhất là quyết định thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố từ ngày 24/7, tổ chức xét nghiệm diện rộng có trọng tâm, trọng điểm. Đến nay, có thể khẳng định, Hà Nội đã tranh thủ được thời cơ “thời gian vàng” để kiểm soát dịch.
"Đợt giãn cách xã hội từ nay đến ngày 6/9/2021 sẽ quyết định hiệu quả công tác phòng, chống dịch của Thành phố", Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, vì vậy, nhiệm vụ, yêu cầu phòng, chống COVID-19 đang đặt ra ngày càng cấp thiết, cấp bách.
Đánh giá cao huyện Thanh Trì đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhưng Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu trong quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế tồn tại. Đây là vấn đề phải rút kinh nghiệm, tập trung khắc phục ngay.
Trong 10 nhóm nhiệm vụ cấp bách Thanh Trì phải tập trung thực hiện trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu nhiệm vụ đầu tiên phải làm ngay là thực hiện giãn cách xã hội một cách thực chất.
Huyện Thanh Trì phải tập trung bằng mọi biện pháp khoanh vùng, khống chế các chùm ca bệnh hiện tại, không để lây nhiễm chéo hoặc lây lan ra cộng đồng; tổ chức xét nghiệm các “vùng đỏ”, cần thiết phải làm đi làm lại để bảo đảm chính xác; có vaccine đến đâu, phải tiêm hết đến đó, cập nhật ngay số liệu lên hệ thống theo dõi của Bộ Y tế; nhanh chóng chuẩn bị cơ sở vật chất để kích hoạt phương án đáp ứng 3.500-3.800 chỗ cách ly tập trung trên địa bàn; kiên quyết không để phải cách ly F0, F1 tại nhà.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra tại vùng cách ly thôn Thọ Am, xã Liên Ninh. Ảnh: VGP/Gia Huy |
Song song với đó, huyện phải tập trung kiểm soát phần “thân” và phần “ngọn” là kiểm tra tới từng cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và trên đường. Đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, phải căn cứ vào phương án hoạt động an toàn đã được phê duyệt để cấp giấy đi đường và kiểm tra thực tế. Nếu bảo đảm an toàn sản xuất đúng phương án đã được duyệt thì cho phép hoạt động, nếu không đúng phải yêu cầu đóng cửa ngay. Trên cơ sở kiểm tra, xử lý vi phạm huyện phải đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức và làm gương.
Huyện phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ từ “gốc”, bố trí các chốt kiểm soát tới từng ngõ, ngách; đồng thời tuyên truyền, vận động để người dân tham gia tự quản, giám sát lẫn nhau, triển khai trên toàn huyện cách làm này gắn với yêu cầu từng hộ gia đình ký cam kết không ra đường khi không có việc cần thiết.