Lạng Sơn: Không lơ là nhiệm vụ BVMT, tập trung thực hiện “mục tiêu kép”
Kinh tế - Ngày đăng : 21:17, 24/08/2021
Bảo vệ môi trường được đặt lên hàng đầu
Nhận định được tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid -19, Công ty TNHH đá Thượng Thành (xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) đã chủ động triển khai thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo duy trì ổn định hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng của đơn vị. Theo đó, Công ty yêu cầu 100% cán bộ, nhân viên, người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định về 5K, nhất là đối với nhân viên tại các vị trí làm việc thường xuyên tiếp xúc với nhiều khách hàng (thu ngân, bảo vệ); Tuyên truyền để người lao động trong đơn vị cài đặt ứng dụng Bluezone và thường xuyên bật Bluetooth để ứng dụng hoạt động hiệu quả; Bố trí nhân viên túc trực đo thân nhiệt và yêu cầu sát khuẩn khi khách đến liên hệ công việc. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên nạo vét mương, hố lắng trong khu vực mỏ. Chủ động đổi mới công nghệ bằng việc lắp đặt hệ thống phun nước tạo ẩm đá nguyên liệu để giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.
“Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như doanh thu sụt giảm, hàng tồn kho nhiều, song Công ty vẫn đảm bảo tiền lương, tiền làm thêm giờ cho cán bộ và người lao động ổn định. Vấn đề BVMT luôn được Công ty coi trọng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh.” – Anh Trần Trí đại diện Công ty cho biết.
Ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn tiến hành quan trắc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. |
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn Ngô Viết Hải, vấn đề BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn luôn được tỉnh quan tâm triển khai và đặt lên hàng đầu, ngay cả khi dịch bệnh bùng phát, công tác này vẫn được ngành chức năng chú trọng. Trong đó, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm túc công tác BVMT. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật về môi trường, yêu cầu các doanh nghiệp quan trắc, giám sát chất lượng môi trường, báo cáo BVMT định kỳ… Đi cùng với đó, ngành chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đối với các doanh nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, Sở đã chủ trì kiểm tra, giám sát 5 đơn vị; phối hợp thanh tra, kiểm tra 56 đơn vị, chủ trì tổ chức giám sát xả thải các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đối với 12 cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; giải quyết 2 đơn kiến nghị và hoàn thành Chương trình quan trắc đợt I năm 2021…
Ngoài ra, Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của 4 dự án, phê duyệt điều chỉnh báo cáo ĐTM của 12 dự án, xác nhận Kế hoạch BVMT 4 dự án, cấp 4 sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; ban hành thông báo kết quả thẩm định ĐTM 9 dự án; trả lại hồ sơ ĐTM, kế hoạch BVMT và đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại 8 hồ sơ...
Nhiều nhiệm vụ, giải pháp vượt đại dịch
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tái bùng phát và lây lan diện rộng, nhưng tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, dịch bệnh được kiểm soát, hạn chế tối đa lây lan trong cộng đồng, tạo được sự tin tưởng trong nhân dân.
Trong 7 tháng qua, nhiều lĩnh vực vẫn phát triển và tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tăng 53,2%; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 6,2%; Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tăng 5,5%. Mặc dù ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhưng từ đầu năm đến 31/7/2021, trên địa bàn tỉnh thành lập mới gần 300 doanh nghiệp, tăng gần 31,3%; có 35 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động; 112 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Thu ngân sách đạt 6.542,6 tỷ đồng, tăng gần 79%. Về du lịch, đã thu hút 1.091,8 nghìn lượt khách, tăng 44,2% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 616,3 tỷ đồng, tăng 74%...
Để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, những tháng cuối năm, Lạng Sơn tiếp tục xác định thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tỉnh đã đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện. Trong đó, yêu cầu các cấp, các ngành phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, không được chủ quan, lơ là; đánh giá, dự báo đúng tình hình dịch bệnh để chủ động các phương án ứng phó phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Thực hiện đúng lộ trình kế hoạch tiêm vắc xin phòng dịch đảm bảo an toàn tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thần tốc truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ. Chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, cơ số thuốc, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu (áo trắng) kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng. |
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, BCH Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong đó phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng cuối năm tăng trên 7,5% so với 6 tháng cuối năm 2020, để đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng cả năm từ 7-7,5%. Tỉnh cũng xác định hoàn thành trồng rừng mới thêm 9.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 63,4%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,5%.
Tiếp tục phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; tập trung giải phóng mặt bằng, giải ngân hết số vốn đã bố trí cho dự án, đảm bảo có mặt bằng sạch cho nhà đầu tư tổ chức thi công. Hoàn thành lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025) tỉnh Lạng Sơn. Triển khai có hiệu quả Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai, Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh…
Lạng Sơn cũng xác định, tiếp tục nâng cao khả năng dự báo tình hình, nắm bắt các chính sách, biện pháp áp dụng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của phía Trung Quốc, kịp thời đề ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực thông quan hàng hóa qua địa bàn tỉnh, hạn chế ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu, đồng thời bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
|