Quảng Nam hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19
Thông tin cần biết - Ngày đăng : 15:20, 24/08/2021
Ngành BHXH tỉnh Quảng Nam đã thông báo giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với 3.012 đơn vị, DN với số tiền hơn 41,93 tỷ đồng, thời gian tính từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022 (12 tháng) |
Thực hiện chính sách hỗ trợ DN, người LĐ
Ngay sau khi Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ ra đời vào đầu tháng 7/2021, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 45 vào ngày 22/7/2021 để thực hiện hỗ trợ đối với một số nhóm đối tượng đặc thù.
Theo báo cáo ngày 23/8 của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam, các chính sách liên quan trong Nghị quyết 68 đã được triển khai tích cực ở nhiều sở ngành, địa phương. Ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã thông báo giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với 3.012 đơn vị, DN với số tiền hơn 41,93 tỷ đồng, thời gian tính từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022 (12 tháng).
Đối với chính sách hỗ trợ người LĐ và người sử dụng LĐ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng LĐ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người LĐ; hỗ trợ người LĐ chấm dứt hợp đồng LĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ hộ kinh doanh: BHXH tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang tích cực hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ để giải quyết chính sách hỗ trợ cho 680 hộ kinh doanh ở TP. Hội An với số tiền: 2.040 triệu đồng.
Về chính sách hỗ trợ người LĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: đã phê duyệt 2 người nghỉ việc dưới 30 ngày với số tiền 3,71 triệu đồng, 28 người nghỉ việc từ 30 ngày trở lên với số tiền 103,88 triệu đồng (thuộc huyện Núi Thành). Hỗ trợ thêm 4 lao động nữ mang thai với số tiền 4 triệu đồng và 15 trẻ em dưới 6 tuổi với số tiền 15 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ người LĐ ngừng việc: 31 người (4 DN) ngừng việc phải cách ly y tế với số tiền 31 triệu đồng (thuộc TP Tam Kỳ, huyện Núi Thành). Hỗ trợ thêm 1 lao động nữ mang thai với số tiền 1 triệu đồng và 10 trẻ em dưới 6 tuổi với số tiền 10 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế (F1): đã phê duyệt hỗ trợ tiền ăn cho 395 người diện F1 với số tiền 421,8 triệu đồng (thuộc TP Tam Kỳ, các huyện: Duy Xuyên, Phú Ninh, Tiên Phước, Thăng Bình). Hỗ trợ thêm cho 42 trẻ em dưới 16 tuổi là F0, F1 với số tiền 42 triệu đồng.
Ngày 10/8, Sở VH-TT&DL Quảng Nam ban hành Quyết định số 221 phê duyệt kinh phí hỗ trợ đợt 1 cho 13 hướng dẫn viên du lịch mất việc làm, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với số tiền 48,2 triệu đồng |
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người LĐ là hướng dẫn viên du lịch: đã phê duyệt hỗ trợ 49 người với số tiền 181,79 triệu đồng; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với 20 hướng dẫn viên du lịch với số tiền 74,2 triệu đồng.
Đặc biệt, chính sách hỗ trợ người sử dụng LĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất: đã phê duyệt 4 DN vay vốn để trả lương ngừng việc cho 121 LĐ với kinh phí 474,32 triệu đồng, đã giải ngân vốn vay đến DN. Chủ sử dụng LĐ vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất đã được phê duyệt 1 DN (44 LĐ) với kinh phí 172,48 triệu đồng và đã giải ngân vốn vay đến DN.
Đối với Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, TP: Tam Kỳ, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tiên Phước, Phú Ninh ban hành Quyết định phê duyệt hỗ trợ 429 người LĐ không giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) với số tiền: 835,5 triệu đồng. Đối với đối tượng cách ly tập trung, đã phê duyệt hỗ trợ 2.280 người với số tiền 1.850,32 triệu đồng.
Những khó khăn, vướng mắc
Chính sách hỗ trợ người sử dụng LĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đã được giải quyết cho 5 DN với kinh phí 646,8 triệu đồng; tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn khi các DN tiếp cận vốn vay |
Theo bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam, việc thực hiện Nghị quyết 68 đã thật sự sự giảm bớt khó khăn cho DN, người LĐ; nhưng vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc.
Các chính sách gồm hỗ trợ người LĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người LĐ ngừng việc; hỗ trợ người LĐ chấm dứt hợp đồng LĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, quy định đối tượng hỗ trợ đều gắn với điều kiện người LĐ làm việc tại DN, hợp tác xã, đơn vị, cơ sở..., phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19, hoặc người LĐ trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đến ngày 13/8/2021, Bộ LĐ-TB&XH có Công văn số 2661/LĐTBXH-PC về việc giải đáp một số chính sách hỗ trợ người LĐ, người sử dụng LĐ gặp khó khăn do dịch Covid -19 đã giải quyết một phần khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các chính sách nêu trên.
Thực tế trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có rất ít DN, hợp tác xã, đơn vị, cơ sở... thuộc diện này. Nhưng họ lại gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, đặc biệt là DN hoạt động lĩnh vực du lịch, lưu trú, vận tải hành khách.., cho nên, những DN thuộc lĩnh vực này thường thỏa thuận với người LĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương, làm việc luân phiên hoặc cắt giảm LĐ. Do đó, theo quy định đối tượng được hỗ trợ nêu trên thì người LĐ trong các trường hợp này sẽ không được hỗ trợ.
Việc tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ của các DN để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất có thuận lợi hơn trước đây; tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn khi các DN tiếp cận vốn vay. Cụ thể, quy định người LĐ phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên mới được vay vốn là rất khó. Bởi trên thực tế, để bảo đảm thu nhập cho người LĐ, không ít DN phải thực hiện chế độ nghỉ luân phiên (đi làm 1 tuần, nghỉ 1 tuần) đối với từng bộ phận sản xuất. Vì vậy, khi đối chiếu quy định, nhiều DN không đủ điều kiện được vay vốn, dù thực tế người LĐ ngừng việc hơn 15 ngày, nhưng không liên tục.
Mặt khác, để tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP, DN phải đảm bảo các tiêu chí như “người sử dụng LĐ không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn, có người làm việc theo hợp đồng đang tham gia BHXH bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn”. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, phần lớn DN ít nhiều đều vướng vào tiêu chí nợ xấu tại ngân hàng, đồng thời quy định chưa đề cấp rõ tiêu chí về nợ xấu.