Đầu tư công nghệ cao - Khai mở “cửa mỏ” khoáng sản cho tương lai: Nguồn nhân lực quý giá của ngành phân tích địa chất
Khoáng sản - Ngày đăng : 09:29, 24/08/2021
Những cán bộ làm công tác phân tích hiện nay của Trung tâm là những người có kinh nghiệm và tay nghề cao trong các lĩnh vực phân tích trọng sa, thạch học, khoáng tướng. Đây thực sự là nguồn nhân lực kỹ thuật quý, không những của Liên đoàn mà còn của ngành Địa chất.
Công tác phân tích mẫu cơ bản của Liên đoàn luôn được gắn liền với các đề án, nhiệm vụ từ khi bắt đầu thi công đến khi kết thúc mỗi đề án, nhiệm vụ. Những kết quả phân tích trọng sa giúp khoanh định các vành phân tán khoáng vật, định hướng cho việc khoanh định các diện tích điều tra, đánh giá khoáng sản. Các kết quả phân tích thạch học, độ hạt, khoáng tướng, hóa... góp phần làm rõ thành phần vật chất, điều kiện thành tạo của các thể địa chất, khoáng sản và đánh giá chất lượng khoáng sản. Các nhà địa chất phát hiện, điều tra, đánh giá các điểm khoáng sản và các cán bộ phân tích mẫu địa chất là những người góp phần khẳng định kết quả của công tác này.
Phân tích mẫu trọng sa |
Kết quả phân tích mẫu các loại của Trung tâm đã góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành các đề án, nhiệm vụ sản xuất của Liên đoàn, đặc biệt trong các phát hiện mới về địa chất và khoáng sản. Năm 2018, Trung tâm đã thành công trong việc gia công và phân tích mẫu thạch học than - công việc trước đây do các chuyên gia phân tích ngành than thực hiện, góp một phần nhỏ vào kết quả của Đề án điều tra, đánh giá tiềm năng bể than Sông Hồng.
Theo bà Trần Thị Oanh, Giám đốc Trung tâm Phân tích thí nghiệm thuộc Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc: Ngoài công việc chủ yếu là gia công, phân tích mẫu, Trung tâm còn thực hiện các đề tài khoa học công nghệ, dịch sách về phương pháp phân tích mẫu... Trong đó, có một số công trình tiêu biểu như: Báo cáo bộ mẫu khoáng vật trọng sa miền Bắc Việt nam (1981); Báo cáo đặc điểm khoáng vật bộ mẫu khoáng vật trọng sa Việt Nam (1985); Phương pháp hóa xác định khoáng vật trọng sa (tài liệu dịch, 1974); Khoáng vật học sa khoáng (phần mô tả khoáng vật) (tài liệu dịch, 2002). Trong đó, bộ mẫu khoáng vật trọng sa miền Bắc Việt Nam và bộ mẫu khoáng vật trọng sa Việt Nam được nhiều Viện nghiên cứu và Trường đại học tham khảo, sử dụng làm tài liệu giảng dạy, nghiên cứu.
“Trong bối cảnh chung hiện nay, khi lượng mẫu phân tích cơ bản ngày càng giảm, để duy trì và phát triển nguồn nhân lực, Trung tâm đã có nhiều cố gắng ký và thực hiện các hợp đồng gia công, phân tích mẫu cho các đơn vị ngoài Tổng cục.
Tiền thân của Trung tâm là Bộ phận phân tích mẫu trọng sa được thành lập vào năm 1962 tại Đoàn 20. Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển với nhiều giai đoạn thăng trầm, hiện nay, Trung tâm có lực lượng cán bộ làm công tác phân tích mẫu có kinh nghiệm và tay nghề cao gồm 4 thạc sĩ, 7 kỹ sư, cử nhân và 4 công nhân gia công mẫu.
Nhiệm vụ của Trung tâm là thực hiện gia công và phân tích các loại mẫu cơ bản trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản và môi trường bằng các phương pháp phân tích: thạch học, trọng sa, hoá, độ hạt, khoáng tướng và một số phương pháp phân tích khác.
“Nguyện vọng lớn nhất của cán bộ, công nhân viên Trung tâm là được các cấp lãnh đạo, quản lý quan tâm tạo điều kiện về việc làm ổn định và bổ sung, đầu tư mới các thiết bị gia công, phân tích mẫu”, Giám đốc Trần Thị Oanh chia sẻ.
Về thiết bị phân tích chủ yếu, Trung tâm có kính hiển vi soi nổi của Nhật, Đức; kính hiển vi phân cực được kết nối với phần mềm chụp ảnh; phòng phân tích hóa theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 với mã Vilass 577 gồm 12 chỉ tiêu của mẫu silicat, mẫu đá vôi và mẫu bô xít theo tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) và các chỉ tiêu khác phân tích theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn ngành (TCN); xác định độ Eh, pH của mẫu đất và các thiết bị gia công, phân tích mẫu độ hạt.