Nước mặn, nước ngọt, nước lợ và nắng đều là tài nguyên

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:28, 24/08/2021

(TN&MT) - Những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gây nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội đối với khu vực này. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Lê Anh Tuấn - Cố vấn Nghiên cứu Khoa học Viện Nghiên cứu BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ.

PGS. TS. Lê Anh Tuấn - Cố vấn Nghiên cứu Khoa học Viện Nghiên cứu BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ.

PV: Diễn biến của các yếu tố cực đoan do BĐKH đã tác động như thế nào đối với vấn đề phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực ĐBSCL những năm gần đây, thưa ông?

PGS. TS. Lê Anh Tuấn:

Những năm gần đây, các yếu tố cực đoan do BĐKH gây ra đã tác động mạnh mẽ đến hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế và gây ra nhiều thiệt hại về tài sản, tính mạng, cơ sở hạ tầng, sản xuất đối với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Trong đó, các hiện tượng cực đoan do BĐKH gây ra như: sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn, dông lốc, ngập lụt cũng đã xảy ra thường xuyên hơn và không còn theo quy luật như trước đây.

Qua quan sát, theo dõi cho thấy, cách đây hơn 10 năm, các điểm sạt lở tại khu vực ĐBSCL thường ít hơn các điểm bồi lắng và sạt lở thường diễn ra vào thời điểm mùa mưa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do thời tiết nắng, mưa thất thường cộng với một số nguyên nhân khác đã làm cho các điểm sạt lở tại một số địa phương vùng ĐBSCL xảy ra nhiều hơn so với điểm bồi lắng và cũng xuất hiện ngày một nhiều vào mùa khô.

BĐKH cũng đã làm cho tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng diễn ra gay gắt hơn, khiến cho khu vực ĐBSCL thường xuyên đối diện với tình trạng thiếu nước; đồng thời, nước mặn từ biển tiến sâu vào đất liền làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương. BĐKH còn làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm gia tăng gây áp lực lớn đến vựa lúa của khu vực ĐBSCL.

Đồng thời, BĐKH cũng làm cho sự đa dạng sinh học của khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng thiếu nước, mặn xâm nhập. Ngoài ra, để giải quyết về nguồn nước, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã đưa nước ngọt về vùng mặn để trồng lúa, trồng màu, từ đó làm đảo lộn hệ sinh thái khiến cho nhiều động, thực vật biến mất.

PV: Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật mà các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đạt được sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ?

PGS. TS. Lê Anh Tuấn:

Ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, đây là Nghị quyết mang tính đột phá về tư duy chiến lược cho khu vực ĐBSCL và thể hiện rõ tính liên kết giữa các địa phương và các Bộ, ngành để ứng phó BĐKH, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tài nguyên.

Sau hơn 3 năm thực hiện, Nghị quyết số 120/NQ-CP đã làm thay đổi tư duy về phát triển tại vùng ĐBSCL, đặc biệt là phát triển bền vững theo hướng thuận thiên, dựa vào thế mạnh của tự nhiên để phát triển; đồng thời, các địa phương khu vực ĐBSCL cũng đã nỗ lực thực hiện một số kế hoạch hành động dựa vào Nghị quyết này.

Cùng với đó, các địa phương khu vực ĐBSCL cũng đã thay đổi tư duy sản xuất từ thuần túy, manh mún sang đa dạng, quy mô lớn. Một số địa phương còn mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác, đưa các giống lúa chịu phèn, chịu mặn, chịu ngập vào sản xuất. Người dân cũng đã thay đổi tập quán sản xuất, bố trí thời vụ, cây trồng phù hợp để thích nghi với những bất lợi của nguồn nước, thời tiết.

Phải thừa nhận rằng, các địa phương vùng ĐBSCL đã thực hiện một số giải pháp đạt hiệu quả dựa vào Nghị quyết số 120/NQ-CP. Tuy vậy, những thành quả mang lại cho các địa phương này chưa hoàn toàn như mong muốn, đặc biệt là vấn đề về liên kết vùng chưa thực sự mạnh và chưa chặt chẽ, việc triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP tại các địa phương vẫn còn theo từng tỉnh một, thiếu sự rõ ràng trong liên kết vùng.

Một vấn đề nữa là trong thời gian qua, nhiều địa phương khu vực ĐBSCL vẫn muốn kiểm soát thiên nhiên hay trị thiên mà bỏ quên yếu tố thuận thiên dẫn đến chú trọng về mặt công trình mà quên đi những tác động tiêu cực của nó đến hệ sinh thái. Cùng với đó, việc đưa nước ngọt về vùng mặn để trồng lúa, trồng màu đã làm đảo lộn hệ sinh thái khiến cho nhiều động, thực vật biến mất.

Dự án xây dựng bờ kè 2 bên sông Cần Thơ - một trong những dự án trọng điểm để ứng phó với biến đổi khí hậu

PV: Theo ông, để thích ứng với các yếu tố cực đoan của BĐKH, các địa phương khu vực ĐBSCL cần có giải pháp hữu hiệu nào để thực hiện trong thời gian tới?

PGS. TS. Lê Anh Tuấn:

Thời gian tới, để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP đã đề ra, mỗi địa phương khu vực ĐBSCL phải thấm nhuần từng câu chữ trong nội dung của Nghị quyết và tất cả các giải pháp muốn thực hiện sau này phải gắn với Nghị quyết này; đồng thời, các địa phương khu vực ĐBSCL cần xem nước mặn, nưới ngọt, nước lợ đều là nguồn tài nguyên, trên cơ sở điều chỉnh lại các vùng sản xuất cho phù hợp với từng nguồn nước.

Bên cạnh đó, các địa phương vùng ĐBSCL không nhất thiết phải đầu tư xây dựng các công trình dẫn nước ngọt về vùng mặn để sản xuất lúa, còn những vùng thường xuyên bị nhiễm mặn thì tận dụng nguồn tài nguyên này để khai thác nguồn lợi thủy, hải sản; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác, chủ động tích trữ nguồn nước mưa vào cuối mùa mưa, đảm bảo đủ nguồn nước sinh hoạt, sản xuất.

Nhằm phát triển bền vững ngành nông nghiệp khu vực ĐBSCL trong điều kiện BĐKH, thời gian tới, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, phát triển diện tích lúa theo hướng tập trung quy mô lớn để vừa nâng cao giá trị sản phẩm, vừa phù hợp với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên ở mỗi địa phương.

BĐKH đang khiến mùa khô gia tăng, nắng nóng kéo dài, điều này rất thuận lợi cho việc phát triển các cụm ngành công nghiệp năng lượng từ nguồn năng lượng tự nhiên. Do vậy, các địa phương vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh đầu tư phát triển lĩnh vực năng lượng xanh này. Các Bộ, ngành Trung ương sớm có quy hoạch tích hợp đa ngành và có tầm nhìn dài hạn cho vùng ĐBSCL. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ dựa vào quy hoạch này để xây dựng quy hoạch cấp tỉnh, tránh tình trạng chồng chéo, không liên kết với nhau trong phát triển kinh tế, ứng phó với BĐKH.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Hùng (thực hiện)