Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Những hải trình mang thông điệp xanh

Biển đảo - Ngày đăng : 09:27, 24/08/2021

(TN&MT) - Biển và đại dương có vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống của con người và với môi trường tự nhiên. Ngày nay, với xu thế thời đại “thế kỷ của đại dương”, biển ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển 

Gắn nhiệm vụ chính trị với bảo vệ môi trường biển

“Bảo vệ tài nguyên, môi trường biển...” là một trong những chức năng, nhiệm vụ được xác định trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018. Song song với nhiệm vụ chính trị trọng tâm là bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn trên khu vực biển, đảo được phân công quản lý, trong những năm qua, Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 2 đã tích cực phối hợp với chính quyền, lực lượng chức năng và ngư dân các địa phương làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, và đó cũng chính là góp phần bảo vệ bình yên cho biển, đảo Tổ quốc.

BTL Vùng Cảnh sát biển 2 được giao nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật, thực hiện công tác quản lý về an ninh, trật tự an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trên vùng biển từ đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị đến Cù Lao Xanh, tỉnh Bình Định, bao gồm cả Quần đảo Hoàng Sa và phía Bắc Quần đảo Trường Sa.

Thực tế hoạt động tuần tra, kiểm tra kiểm soát trên biển cho thấy, vẫn còn tồn tại quan niệm xem vấn đề bảo vệ môi trường là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước hoặc lực lượng chức năng chứ không phải là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Từ nhận thức đó, có thái độ thờ ơ, vô cảm với những hành vi hủy hoại môi trường đang diễn ra xung quanh hàng ngày, hàng giờ.

Trước mỗi chuyến đi biển thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ các tàu luôn được quán triệt, giáo dục, nêu cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường biển bằng những việc làm thiết thực như: Tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ngư dân làm ăn trên biển chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường biển; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phạm luật về bảo vệ môi trường biển; hạn chế tối đa việc sử dụng các vật phẩm từ nhựa, thay thế túi ni lông bằng những bao bì thân thiện với môi trường; công tác bảo quản bảo dưỡng trang bị kỹ thuật, xả thải nhiên liệu được thực hiện đúng quy trình sau khi tàu về cảng….

hinh-2..jpgChiến dịch “Hãy làm sạch biển” thuộc Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” được tổ chức tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong thời bình đối với lực lượng Cảnh sát biển, đồng thời nó có mối quan hệ mật thiết đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển. Theo báo cáo của Trung tâm Cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường biển số 2 (đơn vị trực thuộc BTL Vùng), trong 5 năm trở lại đây, đơn vị đã điều động trên 40 lượt tàu, xuồng tiến hành tìm kiếm, cứu nạn thành công 26 vụ với 31 phương tiện bị nạn trên biển (4 tàu hàng, 27 tàu cá), xử lý, ngăn chặn hàng trăm khối dầu không để bị tràn ra môi trường biển. Bắt đầu từ 2017, chương trình công tác Dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” do Lực lượng Cảnh sát biển chủ trì phối hợp được triển khai rộng khắp tại các tỉnh, thành ven biển trên cả nước.

Chương trình đã được tổ chức hàng năm tại các huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị và xã đảo Tân Hiệp, Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.  Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, an sinh xã hội, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển thì công tác bảo vệ môi trường biển luôn được xác định là một trong nội dung chính cho mỗi chương trình, tạo điểm nhấn, hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Cũng vì thế chương trình luôn đón nhận được sự nhiệt thành hưởng ứng, tích cực tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội và đông đảo nhân dân tại các địa phương ven biển.

Hành động “xanh” của tuổi trẻ

Tích cực chung tay cùng toàn xã hội giữ gìn và bảo vệ môi trường sống, trong những năm qua, hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam được BTL Vùng Cảnh sát biển 2 hết sức quan tâm, xây dựng kế hoạch cụ thể, bám sát với yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đóng quân triển khai thực hiện có hiệu quả, trong đó lấy đoàn viên thanh niên là lực lượng xung kích, tình nguyện gắn với các chủ đề hoạt động phong trào thanh niên như: “Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè”, “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Chủ nhật xanh”, “Hành quân xanh”...

Tuổi trẻ đơn vị phối hợp thực hiện Chương trình “Thanh niên hành động vì môi trường” tại xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam

Năm 2021 là năm thứ 4 liên tiếp Đoàn Thanh niên BTL Vùng Cảnh sát biển 2 phối hợp cùng Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tổ chức Tình nguyện cộng đồng Green Trips và Tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức Chương trình “Thanh niên hành động vì môi trường” tại các huyện ven biển, xã đảo của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị. Nội dung chính của Chương trình là tuyên truyền, kêu gọi người dân địa phương nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ưu tiên sử dụng các vật dụng tái chế, thay thế vật dụng nhựa, tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước ngầm; làm sạch bờ biển và trồng mới cây xanh… Trong 5 năm qua, đã có trên 20 km bờ biển, âu tàu, cầu cảng được làm sạch, gần 50 tấn rác thải được tiến hành thu gom, xử lý, trên 3.000 cây xanh được trồng mới bổ sung cho các vùng đệm chắn sóng, hạn chế nguy cơ sạt lở, xâm thực tại các vùng cửa biển.

Từ nguồn cảm hứng Thanh niên Cảnh sát biển hành động vì môi trường, đã có nhiều mô hình, công trình, phần việc thanh niên được triển khai thực hiện có hiệu quả như “Ngôi nhà tái chế”, “Ngày thứ sáu tái chế”, “Con tàu không rác thải nhựa”, “Ngày kỹ thuật thanh niên tự quản”… thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ đơn vị tích cực hưởng ứng, nhiệt tình tham gia.

Những người lính trên những con tàu Cảnh sát biển mỗi khi ra khơi đều luôn tâm niệm phải gắng sức mình để giữ gìn, bảo vệ môi trường biển luôn được trong sạch, bởi biển không chỉ là môi trường hoạt động mà biển còn là hơi thở, là cuộc sống của tất cả chúng ta. Với thông điệp mạnh mẽ này, tin tưởng rằng sẽ lan tỏa hơn nữa trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ môi trường  của mọi tổ chức, mọi cá nhân, gắn với tình yêu biển, đảo Tổ quốc.

Thông điệp bảo vệ môi trường biển còn được các tổ chức đoàn, đoàn viên thanh niên truyền cảm hứng tới các em học sinh tại Cuộc thi tìm hiểu với chủ đề “Em yêu biển, đảo quê hương” được tổ chức hàng năm tại trường trung học cơ sở các địa phương nơi đơn vị đóng quân. Tính đến thời điểm hiện tại, Đoàn Thanh niên đơn vị đã phối hợp tổ chức 5 cuộc thi, với sự tham gia trực tiếp của trên 300 học sinh, tuyên truyền trên 5.000 lượt học sinh, thầy cô giáo những kiến thức về chủ quyền biển, đảo và công tác bảo vệ môi trường biển. Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh công nhận là Công trình Thanh niên tiêu biểu năm 2020.

Bài dự thi xin gửi về địa chỉ

Email: thukytoasoan.monre@gmail.com

Điện thoại liên hệ: 0243.7738729 (máy lẻ 305)

Đại úy Phạm Văn Trung (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2)