Nghĩa Lộ (Yên Bái): Chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:11, 23/08/2021
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra, trong đó có phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao thu nhập nhập cho người dân. Hiện nay, các địa phương của tỉnh đã và đang triển khai, đưa các giống cây trồng phù hợp với thổ những, khí hậu thay cho những cây trồng trước kém hiệu quả nhằm thích ứng với BĐKH. Tại bản Kinh, xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ đã đưa cây dưa hấu thay cho cây lúa, bước đầu đã mang lại hiệu quả, giúp người dân có thu nhập ổn định.
Cây dưa hấu được trồng tại xã Thanh Lương mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân |
Xã Thanh Lương nằm trong vùng lòng chảo Mường Lò rộng lớn, được thiên nhiên ưu ái cho địa hình bằng phẳng với tổng diện tích tự nhiên trên 300ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm khoảng 170 ha, tỷ lệ hộ thiếu đất sản xuất cao gần 50%. Thế nhưng, xã Thanh Lương lại cán đích nông thôn mới từ rất sớm. Có được điều đó cũng nhờ một phần không nhỏ trong việc chuyển đổi giống cây trồng, giúp người dân trong xã có thu nhập ổn định.
Người dân phấn khởi dưa năm nay được mùa, lại được giá |
Thời gian này, ruộng dưa của gia đình chị Bùi Thị Toan ở bản Khinh đang cho thu hoạch. Năm nay dưa được mùa, lại được giá, hiện bán tại vườn với giá 10.000 đồng/kg, cánh đồng dưa đã mang lại gần 100 triệu đồng cho gia đình chị sau khi trừ hết mọi chi phí. Một số tiền mà nếu trồng lúa gia đình chị không bao giờ dám nghĩ tới.
Toàn xã có gần 100 hộ trồng dưa với tổng diện tích gần 30ha, với năng suất mỗi vụ đạt 25 tấn/ha |
Chị Toan phấn khởi chia sẻ: “Từ khi bà con chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dưa cũng đỡ vất vả hơn nhiều mà thu nhập lại cao hơn. Nhờ đó, mà cuộc sống của người dân đã ổn định, không còn vất vả như trước kia”.
Bản Khinh, xã Thanh Lương có tổng diện tích cây trồng khoảng 27ha. Trước đây, 100% diện tích này là lúa, giờ đã chuyển 80% sang trồng dưa hấu, dưa lê, rau màu...
Ông Hà Văn Sinh tâm sự: “Nhờ chuyển đổi cây trồng mà nhiều gia đình trong bản đã xây nhà mới, mua sắm được nhiều đồ dùng có giá trị trong nhà”.
Nhớ lại những ngày đầu quyết định chuyển đổi cây trồng ông Sinh trải lòng: Trước đây cuộc sống của người dân ở đây vất vả lắm, mọi người đều trồng lúa năm được mùa, năm không nhưng cũng chỉ đủ ăn là mừng lắm rồi. Sau khi được chính quyền xã vận động chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa, gia đình ông có nhiều băn khoăn, phần vì trong bản lúc ấy chưa ai trồng nên chưa biết kỹ thuật ra sao, phần vì lo trồng được rồi thì đầu ra cho sản phẩm ở đâu.
Thế nhưng, với sự nhiệt tình, động viên của đảng ủy, chính quyền xã, sự sát sao của các cán bộ chuyên môn đã hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch dưa hấu cùng việc quảng bá sản phẩm để các thương lái gần xa từ các tỉnh thành lân cận đến thu mua dưa cho bà con. Đất không phụ công người, những cánh đồng hoang hóa từng thiếu nước sản xuất, nứt nẻ chân chim nay đã được phủ một màu xanh mướt trải dài xen lẫn những trái dưa tròn căng.
Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, nếu 1.000m2 đất trồng lúa thu được khoảng 5 tạ thóc, tương đương khoảng 5 triệu đồng thì 1.000 m2 trồng dưa hấu thu được khoảng 3 tấn/vụ, mỗi 1 cân dưa thấp nhất giá 6.000 đồng, lúc được giá còn lên tới 10 - 12.000 đồng; một năm trồng được 3 vụ, thu nhập của người dân đã cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa.
Việc chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên là tiền đề giúp người dân xã Thanh Lương thoát nghèo |
Ở xã Thanh Lương nhà trồng ít cũng một vài sào, nhà trồng nhiều lên tới cả chục sào. Hiện, toàn xã có gần 100 hộ trồng dưa với tổng diện tích gần 30ha, với năng suất mỗi vụ đạt 25 tấn/ha.
Ông Hà Văn Đoàn - Chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho biết: Sau khi chuyển đổi loại cây trồng người dân đã có thu nhập ổn định, cuộc sống của người dân được cải thiện. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 38%, đến hết năm 2020 chúng tôi chỉ còn 4,2%. Chính vì có thu nhập nên người dân tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng điện – đường – trường – trạm. Đặc biệt, là hệ thống đường giao thông nông thôn. Chính vì vậy đến tháng 9/2017 xã Thanh Lương đã hoàn thành về địch xây dựng nông thôn mới.
Nghị quyết phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân của xã Thanh Lương đề ra bước đầu đã đạt hiệu quả. Bởi mục tiêu đến năm 2022 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 38 triệu đồng/năm. Thế nhưng, ngay từ đầu năm 2021 chỉ tiêu này đã hoàn thành. Có được điều này cũng nhờ có sự có sự chuyển đổi giống cây trồng linh hoạt, phù hợp với điều kiện tự nhiên giúp xã Thanh Lương sử dụng đất có hiệu quả.