Dập dịch Covid-19: TP.HCM không chần chừ được nữa

Xã hội - Ngày đăng : 21:41, 21/08/2021

(TN&MT) - Đó là chỉ đạo cấp bách của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM. Chính phủ đã thống nhất cùng lãnh đạo TP.HCM triển khai các biện pháp nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cách ly là để lo cho dân, vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cách ly, ăn uống, y tế, an ninh, xét nghiệm

Trước tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và một số địa phương diễn biến hết sức phức tạp, đe dọa đến an nguy của đất nước và an toàn tính mạng người dân, việc Chính phủ áp dụng cách ly đặc biệt hơn Chỉ thị 16 cho TP.HCM là vô cùng cấp thiết lúc này. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra 6 nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện ngay.

Sáu nhiệm vụ trọng tâm này phải tiến hành song song. Yêu cầu đặt ra: Thứ nhất, thực hiện cách ly triệt để; Thứ hai, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; Thứ ba, giảm tối đa các trường hợp tử vong; Thứ tư, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân; Thứ năm, không để ai bị đói; Thứ sáu, xét nghiệm “thần tốc” bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Điểm huyệt cách ly

“Cách ly sẽ có một số bất tiện, cuộc sống có thể gặp thêm khó khăn nhưng tất cả vì sức khỏe và an toàn tính mạng cho nhân dân, để nhân dân được hưởng ấm no, hạnh phúc”.

Nguyên lý cơ bản nhất trong công tác cách ly phòng chống dịch đó là dịch bệnh lây lan giữa người với người thì phải ngăn người tiếp xúc với người để chặn nguồn lây. Vì vậy, ai ở đâu phải ở yên đó, cách ly triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã với xã, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh nhằm hạn chế tối đa nguồn lây. Từ thực trạng F0 trong cộng đồng dày đặc, nhiều ca không biểu hiện triệu chứng, trong khi việc xét nghiệm bóc tách còn hạn chế, yêu cầu cách ly còn khuyến khích người dân mang khẩu trang cả khi tiếp xúc với những người sống chung trong một nhà.

Một thực tế đặt ra đó là vì sao việc cách ly lâu nay tại TP.HCM không hiệu quả, dân vẫn đổ ra đường rất đông? Nếu đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo đời sống thường nhật với những nhu cầu thiết yếu trong những ngày cách ly thì liệu dân có ở yên không? Chắc chắn là việc dân đổ ra đường sẽ bớt đi nhiều, tình trạng lao động ngoại tỉnh “trốn” về quê cũng bớt đi.

Vậy nên, cùng với áp dụng “ai ở đâu ở đó” thì thành phố phải đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của người dân, gồm: Bảo đảm an sinh xã hội, không để bất kỳ ai thiếu ăn, thiếu mặc; Đáp ứng yêu cầu y tế, đặc biệt là y tế cấp bách của dân mọi lúc, mọi nơi; Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Trên cơ sở đó, vận động, kêu gọi và hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định. Đây là hai mặt của một vấn đề để thực hiện hiệu quả giãn cách xã hội.

Đoàn cán bộ y bác sĩ, giảng viên, học viên Học viên Quân y tập kết

Tổng động viên trên các mặt trận trọng yếu

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một lực lượng lớn y bác sĩ, Quân đội, Công an đã được huy động vào triển khai chống dịch tại TP.HCM và một số tỉnh nguy cơ rất cao phía Nam.

Quân đội đã sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của TP.HCM; trong lực lượng ứng cứu sẽ bao gồm: Quân y làm nhiệm vụ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân... Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp cụ thể với địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho nhân dân, cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu “muôn hình vạn trạng” trong thực tiễn.

Cùng với sự xuất quân của các Quân khu, Quân đoàn, Quân binh chủng và các đơn vị Quân đội, trong 3 ngày 21-23/8, hơn 1.000 y bác sĩ, giảng viên, học viên Học viên Quân y sẽ có mặt tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam. Đoàn có nhiệm vụ hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị liên quan làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng cơ động dưới sự chỉ đạo, điều phối của Sở chỉ huy phòng, chống dịch phía Nam.

Trước mắt, lực lượng có mặt trong ngày 21/8 sẽ chia thành 60 tổ quân y lưu động (mỗi tổ gồm 2 bác sĩ và 3 học viên). Công việc cụ thể của 60 tổ quân y lưu động là tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vắc xin, quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; quản lý, chăm sóc, động viên tinh thần các trường hợp F0, cách ly, điều trị tại gia đình; phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao.

Lương thực thực phẩm được Quân đội trao đến tận nơi

Những món quà riêng "chất" Bộ đội

Ngày 21/8, quận Gò Vấp đã nhận lương thực, thực phẩm do Quân đội trao đến tận nhà... cùng những tình cảm sẻ chia và lời nhắn gửi: “Mong bà con hãy yên tâm ở trong nhà. Quà sẽ đến tận cửa, đảm bảo không để ai bị thiếu đói. Đâu cần bộ đội có. Đâu khó có bộ đội”.

Bộ Công an cũng đã sẵn sàng huy động lực lượng cao nhất cho các tỉnh phía Nam để tham gia bảo vệ an ninh, an toàn, an dân, tham gia kiểm soạt tại các chốt để đảm bảo thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, có thể chi viện cả lực lượng y tế nếu cần thiết. Sáng 21/8, Cục Cảnh sát giao thông tổ chức lễ xuất quân tăng cường 37 chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phòng chống dịch bệnh tại cửa ngõ TP.HCM. Trước đó, Trung đoàn cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) tổ chức lễ xuất quân cho 200 chiến sĩ phục vụ chống dịch tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ và TP.HCM. Hiện, tổng cộng hơn 1.500 cảnh sát cơ động đã được tăng cường làm nhiệm vụ ở các tỉnh phía Nam.

Cục Cảnh sát Cơ động - Bộ Công an xuất quân

Bộ Y tế đã huy động gần 15 nghìn cán bộ, y bác sĩ và nhân viên y tế cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Hiện Bộ đã đang gấp rút đào tạo về hồi sức cấp cứu, thậm chí bổ túc khẩn cấp về hồi sức cấp cứu cho cả bác sĩ trong các chuyên ngành khác; trong những ngày tới có thể chi viện thêm 3.000 nhân lực cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Các bệnh viện đầu ngành như Bạch Mai, Việt Đức, Viện Huyết học đều đã xuất quân.

20 tấn hàng bao gồm: trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết… của Bệnh viện Việt Đức cũng đã được vận chuyển từ Hà Nội đến TP.HCM phục vụ công tác điều trị tích cực tại các bệnh viện dã chiến.

Một lực lượng y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng đã lên đường làm nhiệm vụ điều trị chăm sóc hơn 600 phụ nữ mang thai mắc Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Hàng nghìn nhân lực thuộc các tổ chức, ngành nghề, địa phương cũng đã được huy động cho miền Nam.

Đặc biệt, có một đội quân mang tên Tôn giáo đã xung phong vào tuyến đầu làm nhiệm vụ.

Y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TW chuẩn bị cho chuyến công tác đặc biệt, dài ngày

Mỗi xã, phường phải là một “pháo đài” phòng, chống dịch

Cùng với cuộc tổng động viên lực lượng trên toàn quốc thì 312 xã phường tại TP.HCM phải thực sự là 312 “pháo đài” phòng, chống dịch.

Từ tập trung cao độ ở cấp tỉnh, thành phố, TP.HCM đã chuyển sang phòng chống dịch vừa tập trung vừa phân tán xuống đến tận phường, xã. Thực hiện đánh giá tình hình, phân loại toàn bộ 312 xã, phường tại TP.HCM theo mức nguy cơ “xanh, đỏ, vàng” để giữ vững, mở rộng các xã phường “vùng xanh”, cô lập, thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng vàng”.

Trong mỗi pháo đài chống dịch, mỗi người dân phải nâng cao tinh thần trung thực tự giác ở yên; có thể tích cực phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng trong giám sát gia đình, giám sát cộng đồng và chăm sóc F0 tại nhà. 

Mỗi người dân, gia đình nêu cao tinh thần tự giác, ý thức kỷ luật; mỗi ngõ, hẻm, khu phố, phường, xã phải tăng tính tuyên truyền giám sát. Có như vậy, công cuộc cách ly mới giảm tải được gánh nặng cho lực lượng chức năng để dồn thời gian, công sức cho việc chăm lo đời sống cho dân.

Hy vọng từ những con số

Mặc dù số lượng các ca mắc tăng cao, tuy nhiên, 7 ngày liên tiếp TP.HCM không phát sinh ổ dịch mới, 17 ổ dịch đang diễn tiến được kiểm soát chặt. Từ khi TP.HCM bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 đến hết ngày 20/8, Thành phố đã tiêm được 5.291.971 người, trong đó có 177.018 người đã tiêm 2 mũi. Tất cả đều an toàn.

Chính phủ cũng đã ký Quyết định xuất 71.104,950 tấn gạo cho TP.HCM/ tổng hơn 130.000 tấn gạo cho 24 tỉnh, thành phố hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

Tuy nhiên, những thông tin về con số tích cực nhất, đang chờ đợi nhất lúc này là: Giảm tối đa số người ra đường, nhất là đối tượng đổ ra đi mua sắm tích trữ như vừa qua; Giảm mạnh ca F0; Giảm ca nặng; Giảm tử vong tiến tới khống chế tử vong. Mục tiêu này phải nhanh chóng gần lại.

TP.HCM không chần chừ được nữa. Thủ tướng yêu cầu: “Phải thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì nhân dân. Các Bộ trưởng phải vào cuộc ngay, không “chập chờn” trước nhiệm vụ”.

 

Trí Việt