Đồng bào các dân tộc ở Mường Ảng chuyển biến sau các kỳ Đại hội - Bài 1: Đổi thay từ một chủ trương
Xã hội - Ngày đăng : 09:36, 20/08/2021
Những con người nặng tình với... đất
“Người Mông mình sống cũng nhờ đất, chết cũng nhờ đất... Bố mình nói thế.” Mùa Súa Tòng, người dân tộc Mông, bản Co Hắm , xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, bắt đầu câu chuyện với tôi bằng triết lý nhân sinh sâu xa của bố mình như thế.
“Năm đó tôi chừng mười một, mười hai tuổi theo bố lên nương. Ông kể: Người bản mình từ lâu vẫn thế, từ lúc phát rãy, trỉa hạt cho đến lúc bưng bát cơm trên tay có biết bao nhiêu mồ hôi và công sức. Thế mà hạt lúa theo người Mông về nhà rất ít, phụ thuộc vào ông trời... Năm nào mưa thuận gió hòa thì đủ gạo ăn, nếu hạn hán là mất mùa năm đó. Đám nương trước mặt mình trước đây mỗi vụ cho 6, 7 bao thóc, giờ thì chỉ được 2 bao. Có vụ còn không được, con chim Nôộc Pít nó ăn hết hạt giống của mình. Hạt ngô vùi trong đất nó cũng moi lên. Cây cối trong rừng chặt hết làm nương, quả chín không còn. Nó đói! Chắc là nó đói...nó mới làm thế...” – Súa Tòng trần tình tự nhủ.
Xưa khe suối đầu bản có nước về quanh năm. Là nơi tắm mát cho đồng ruộng và trẻ con, người già trong bản. Người Mông bản Co Hắm còn đặt máy điện nước phát sáng hằng đêm. Nay, suối buồn thiu rỉ ra từng giọt, các tuốc - bin nằm yên như một sự giã từ hoạt động. Suối trơ đáy, khô nỏ, người dân hoang mang nhẩm tính những vụ mùa thất bát bủa vây vì mất đi một phần năng lượng từ suối. Đất xua con suối đi đâu hay tại con người đã phá tan rừng. Nên, một ngày nhận ra sự phụ bạc với mùa màng là tất yếu. Người Mông biết, người Thái biết... tất thảy đều biết. Để giữ nước về cho bản, nhiều năm nay người dân bản Co Hắm nói riêng và đồng bào các dân tộc huyện Mường Ảng nói chung đã cùng chính quyền chung tay giữ rừng... là giữ nước. Có nước là đồng bào sẽ no ấm, mùa màng, cây cối tốt tươi không lo gì cây lúa không lên, không lo gì trồng cây không ra quả.
Người dân Mường Ảng thu hoạch cả phê |
Cả bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa có 126 hộ, 499 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc anh em sinh sống, Thái và H Mông. Bản có 9 hộ nghèo chỉ sống vào nhờ vào nương rẫy và làm nông nghiệp: vườn cả phê có khoảng 160ha, lúa nước 19ha và khoảng 8ha cây ăn quả. Năm nay cà phê Mường Ảng trúng vụ, được mùa được cả giá. Gia đình Mùa Súa Tòng cũng có hơn 2ha cà phê đang chuẩn bị đến kỳ cho thu hoạch, sản lượng ước tính 12 – 15 tấn/ha. Nếu đem số tiền 10.000đ/kg quả tươi, nhân với sản lượng thì gia đình Mùa Súa Tòng năm nay cũng được vài trăm triệu. Số tiền ấy là tài sản, là niềm tự hào mơ ước của bao đời người Mông ở Co Hắm.
Cây cà phê Mường Ảng đã có từ đời ông, đời bố của Mùa Súa Tòng. Người dân nơi đây tay làm hàm nhai. Vỡ hoang đất là niềm vui của đời cha thì hái quả cà phê là niềm hãnh diện của đời con. Sự kế tiếp của phù sa lao động không chỉ là sức lực đổ mồ hôi, không chỉ là hình thành bản quán giữ đất của người Mông và các đồng bào dân tộc, không đơn thuần là tập quán canh tác. Mà họ đã biết yêu đất từ nỗi vất vả nhọc nhằn.
Mùa Súa Tòng kể: “Trước đây, Công ty Thái Hòa về bảo dân mình góp đất trồng cà phê, ai cũng nghe theo. Riêng mình thì giữ đất. Mình nghĩ: Người Mông mình không có đất thì không có việc gì làm, không có việc làm thì làm gì để sống. Đúng không? Đến lúc Công ty này phá sản mang “sổ đỏ” của người góp đất đi “cắm” ngân hàng. Cán bộ huyện phải về đòi hộ...
Thế mới biết, mình giữ đất, yêu đất nên đất không phụ công mình. Mấy năm sau, người dân Mường Ảng lại đua nhau chặt bỏ vườn cà phê để chuyển hướng trồng cây khác. Số ít bỏ đất hoang đi làm thuê kiếm sống. Cán bộ huyện một lần nữa lại cắt cử nhau về vận động bà con giữ lại vườn cà phê không cho chặt. Thậm chí, chính quyền xã vừa vận động, vừa cho bà con ký cam kết giữ lại vườn cà phê không cho chặt. Giờ xã Ẳng Nưa còn khoảng hơn 800ha cà phê, chắc từ nay sẽ không còn ai chặt nữa. Bây giờ thì mình đã hiểu câu nói của bố mình. Đúng..! Người Mông mình sống phải nhờ vào đất. Cán bộ huyện nói đúng! Phải giữ vườn cà phê vì đó là nghề của dân Mường Ảng, làm cà phê thì có năm thua năm thắng, nhưng còn vườn cà phê thì người Mông mình còn cơ hội thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất của cha ông. Tôi nói thế đúng không (!?)
Mùa cà phê chín ngọt ở... trong lòng
Từ bao đời nay, đồng bào vùng cao Tây Bắc nói chung, người Mường Ảng nói riêng đều sống nhờ vào đất. Và cả những người không phải là nông dân cũng sống nhờ vào đất.
Người mẹ đất lặng im, nhẫn nại, chịu bao hạnh phúc và đớn đau khi mang trên mình những đứa con ngày một lớn lên, nặng trĩu đôi vai và him him tròng mắt. Nhưng chưa bao giờ đất than đau khi nhát cuốc găm vào, những bánh xe cày xới và bước đi vội vã của con. Cả những đứa con tội lỗi khiến mẹ đất đau hay những đứa con ngoan khiến người mẹ đất hạnh phúc, mẹ đất vẫn dưỡng dục, không bỏ rơi. Đất vừa là mạch sống, là điểm tựa, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn của bao thế hệ người. Trong đó có đồng bào vùng cao Tây Bắc.
Năm 2012, người dân Mường Ảng trải qua biến cố kinh hoàng của đời người làm nông dân, 254 hộ góp đất cho Công ty CP cà phê Thái Hòa Mường Ảng nhưng rồi đổ bể: vướng vào nợ nần và lao đao chìm nổi. Bản làng chùng xuống với tiếng thờ dài buồn lặng buồn sâu cùng những khoản vay và nỗi lo cơm áo, gạo tiền.
Năm nay người dân Mường Ảng vui nhiều vì cà phê được mùa, được giá. Trong ảnh: Chị Lò Thị Xích bản Mớ, xã Ảng Nưa kiểm tra vườn cà phê sai quả. |
“Trước thực trạng đó, chúng tôi phải cử cán bộ chuyên môn xuống các bản, các xã vào từng hộ tuyên truyền người dân không phản ứng tiêu cực mà phá bỏ vườn cà phê. Vì rất nhiều đời nay cây cà phê gắn bó với đồng bào Mường Ảng. Không đơn thuần chỉ là thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của huyện mà đó còn là tình cảm của biết bao thế hệ người Mường Ảng đã gắn bó từ lâu. Và cà phê chưa bao giờ thị trường không đón nhận chỉ rẻ hay đắt thôi. Để bảo vệ diện tích cà phê còn lại huyện đã đưa cây cà phê vào trong Nghị quyết Đảng bộ huyện khóa XXIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, giao cho từng chi bộ, cơ sở đảng cùng người dân giữ gìn và phát triển.
Đây là vấn đề an sinh của đồng bào các dân tộc cả một huyện, nên mọi chủ trương cần phải cân nhắc kỹ, phân tích thiệt hơn và điều quan trọng là biết nhẫn nại chờ thời cơ.
Giả sử, vườn cà phê bị phá bỏ hoàn toàn, trồng cây khác chưa chắc đã có đầu ra bền vững ổn định như cà phê mà giá cả thị trường thì rất khó nói... Từ những cơ sở đó mà chúng tôi bàn bạc thống nhất đưa diện tích cà phê còn lại hơn 2.000ha của huyện vào Nghị quyết để thống nhất đồng lòng giữ vững và phát triển thương hiệu cà phê Mường Ảng trong tương lai.” – Người đứng đầu Mường Ảng, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Đạt, chia sẻ.
Nhà máy sơ chế cà phê tươi của Công ty TNHH XNK cà phê Việt Bắc đang gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng khi mùa cà phê chín, năm nay. Công suất thiết kế 250 tấn/ngày đêm. |
Hiện, Công ty TNHH XNK cà phê Việt Bắc đang xin chủ trương Ban Thường vụ Huyện ủy mở rộng diện tích cà phê, trồng mới thêm 3.000ha để đáp ứng vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy của Công ty đang xây dựng tại bản Co Có, xã Ẳng Tở, với công suất 250 tấn/ngày đêm.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Chúng tôi vừa ký kết với Công ty TNHH XNK cà phê Việt Bắc, phía Công ty sẽ cam kết thu mua cà phê cho bà con với giá 10.000đ/kg quả tươi, liên tiếp trong 3 năm liền. Hiện nay, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư Cụm công nghiệp Mường Ảng, diện tích 15ha để huyện giao cho các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản hoạt động tại địa bàn.
Riêng Công ty TNHH XNK cà phê Việt Bắc được giao gần 3ha để xây dựng nhà máy, chế biến cà phê Mường Ảng. Đến nay, công trình đã thi công được 60% khối lượng. Phía Công ty cũng đang đẩy nhanh tiến độ để đưa nhà máy vào vận hành trong tháng 11/2021; thời điểm bà con thu hoạch cà phê. Ngoài việc đảm bảo chất lượng cà phê thì đó còn là mục tiêu xử lý môi trường từ việc sát vỏ cà phê. Nên chính quyền rất quan tâm đến tiến độ của dự án này. – Ông Hiệp nói.
Chuỗi máy sấy cà phê quay vòng của nhà máy |
Với diện tích cà phê hiện có hơn 2.000ha của Mường Ảng, ước sản lượng thu hoạch khoảng 22.000 tấn quả, nhân lên với đơn giá thì vụ cà phê năm nay người dân Mường Ảng thu về khoảng 300 tỷ đồng. Trong đó, tiền công hái mỗi kilôgam cà phê dao động từ 2.500 đồng đến 3.000đồng, riêng tiền công hái khoảng 60 tỷ đồng; chưa tính đến việc mỗi 1ha cà phê chủ vườn phải thuê mất 30 công làm cỏ, tỉa cành... mỗi ngày công lao động từ 150.000đồng – 200.000đồng, giải quyết rất nhiều công ăn việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Mường Ảng nói chung và Điện Biên nói riêng. Đặc biệt trong thời điểm cả thế giới đang căng mình phòng, chống dịch Covid -19, nhiều công nhân mất việc làm tại các nhà máy.
Như vậy, sau 3 năm nữa người dân Mường Ảng không phải lo đầu ra cho quả cà phê, với giá 10.000đồng/kg quả tươi và sẽ được điều chỉnh nếu giá thị trường tăng cao, nhưng không thấp hơn giá 10.000đồng/kg.
Đây là một trong những lợi ích xã hội mà cây cà phê Mường Ảng mang lại cho cộng đồng xã hội rất lớn. Nên việc chính quyền huyện Mường Ảng quyết tâm giữ lại vườn cà phê, không cho người dân chặt phá, phát triển cây cà phê thành cây công nghiệp mũi nhọn địa phương, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy trên địa bàn với những chính sách ưu đãi đi kèm như 7 năm công ty không phải trả tiền thuê đất là một quyết định sáng suốt của nhiệm kỳ này. Là đòn bẩy tạo bước chuyển biến tích cực để đạt được các chỉ tiêu kinh tế, chính sách an sinh cho đồng bào các dân tộc Mường Ảng mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra.