Bảo vệ nước dưới đất tại đô thị Cà Mau
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 19:52, 19/08/2021
Trên cơ sở đó các chuyên gia cũng đề xuất các giải pháp tổng thể giúp cơ quan chức năng quản lý tài nguyên nước quản lý nguồn nước ngầm một cách hiệu quả nhất.
Liên hệ khảo vị trí lỗ khoan CM4C tại xã Hòa Thành, TP Cà Mau |
Tìm ra 3 tầng chứa nước cần được bảo vệ
Ông Cao Xuân Việt (Chủ nhiệm Đề án bảo vệ nước dưới đất tại đô thị Cà Mau) cho biết: Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” - giai đoạn II trong đó có đô thị Cà Mau, tỉnh Cà Mau do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam thi công từ năm 2020 đến 2021. Qua 02 năm triển khai, đến nay đã hoàn thành 100% khối lượng được phê duyệt, các sản phẩm được thực hiện theo đúng đặt hàng và tiến hành lập báo cáo tổng kết đề án theo quy định.
Theo ông Cao Xuân Việt, qua điều tra, khảo sát khu vực đô thị Cà Mau tồn tại 7 tầng chứa nước (TCN) lỗ hổng (qh, qp3, qp2-3, qp2-3, qp1, n22, n21, n13) và 7 thành tạo địa chất rất nghèo nước. Theo Quyết định số 3071/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt nội dung và dự toán Đề án: “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” - Giai đoạn II, các TCN cần được điều tra bảo vệ trên diện tích đô thị Cà Mau là TCN Pleistocen giữa - trên (qp2-3), TCN Pliocen giữa (n22) và tầng chứa nước Pliocen dưới (n21).
Sơ đồ lún Cà Mau |
Kết quả tính toán đã xác định được tiềm năng tài nguyên nước dưới đất (NDĐ) nhạt trong 5 TCN qp2-3, qp1, n22, n21 và n13 thuộc đô thị Cà Mau là 441.416 m3/ngày. Trong đó TCN qp2-3 có trữ lượng là 73.480 m3/ngày (chiếm 16,6% trữ lượng tiềm năng NDĐ nhạt); TCN qp1 có trữ lượng là 73.998 m3/ngày (chiếm 16,8% trữ lượng tiềm năng NDĐ nhạt); TCN n22 có trữ lượng là 165.056 m3/ngày (chiếm 37,4% trữ lượng tiềm năng NDĐ nhạt); TCN n21 có trữ lượng là 64.007 m3/ngày (chiếm 14,5% trữ lượng tiềm năng NDĐ nhạt); TCN n13 có trữ lượng là 64.875 m3/ngày (chiếm 14,7% trữ lượng tiềm năng NDĐ nhạt). Trên cơ sở đó, tính toán và đưa ra được trữ lượng có thể khai thác NDĐ đô thị Cà Mau là 127.138 m3/ngày tập trung chủ yếu ở 3 TCN qp2-3, n22, n21 có khả năng khai thác lớn đáp ứng được các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về chất lượng NDĐ, theo đánh giá của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam, trong 7 tầng chứa nước có 2 TCN qh và qp3 nước mặn hoàn toàn, 2 TCN qp1 và n13 nước nhạt hoàn toàn, 3 TCN qp2-3, n22 và n21 phân bố nước mặn - nhạt đan xen với diện tích nước mặn lần lượt là 43,2 km2, 7,4 km2 và 3,0 km2 chiếm tỷ lệ so với diện tích phân bố TCN lần lượt là 10,61%, 1,82% và 0,74%. Trong các TCN có một số chỉ tiêu vượt giá trị giới hạn QCVN09-MT:2015/BTNMT như NH4+, NO2+ phân bố dạng điểm cục bộ.
Theo kết quả điều tra của Đề án, toàn đô thị Cà Mau hiện có khoảng 30.009 công trình khai thác NDĐ với tổng lưu lượng khai thác là 77.183 m3/ngày được khai thác chủ yếu trong TCN n22 (52.402 m3/ngày), qp2-3 (21.745 m3/ngày), qp1 (2.626 m3/ngày), n21 (410 m3/ngày). Trong đó, công trình khai thác nước tập trung có 24 công trình, công trình khai thác nước đơn lẻ có 63 công trình, công trình khai thác nước nông thôn có 29.922 công trình. Các khu vực có lưu lượng khai thác lớn nhất là Tân Xuyên (10.764 m3/ngày - 340 công trình), phường 5 (7.951 m3/ngày - 12 công trình), phường 8 (7.040 m3/ngày - 6 công trình), phường 2 (5.350 m3/ngày - 2 công trình), phường 9 (4.800 m3/ngày - 8 công trình), phường 6 (4.160 m3/ngày - 9 công trình).
Trên địa bàn đô thị Cà Mau hiện có 1 bãi giếng khai thác lớn thuộc Công ty Cổ phần cấp nước Cà Mau tập trung ở các phường trung tâm thành phố gồm phường 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8, 9, Tân Xuyên với lưu lượng khai thác 44.148 m3/ngày. Ngoài ra, trong vùng còn 20 trạm cấp nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, vận hành và quản lý với tổng lưu lượng 1.913 m3/ngày; các trạm cấp nước này có lưu lượng khai thác từ 12 - 400 m3/ngày, phân bố rải rác tại các khu dân cư tập trung của các xã ngoại thành.
Thi công lỗ khoan CM2E |
Vẫn theo ông Cao Xuân Việt, Đề án đã xác định 3 TCN cần bảo vệ là qp2-3, n22 và n21. Kết quả phân tích cho thấy, hiện tại vùng đô thị Cà Mau có 1 vùng cạn kiệt và 1 vùng có nguy cơ xảy ra cạn kiệt tại khu vực bãi giếng khai thác thuộc Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau ở khu vực các phường trung tâm TP Cà Mau trong TCN n22. Ngoài ra, theo các nghiên cứu về lún mặt đất khu vực ĐBSCL đã thực hiện kết hợp dữ liệu Insar 2019 và kết quả tính lún mặt đất của đề án tại cụm lỗ khoan quan trắc NDĐ Q177 ở phường 9 thuộc mạng quan trắc quốc gia cho thấy vùng có mức độ sụt lún cao (5-7cm/năm) phân bố ở khu vực các phường trung tâm TP Cà Mau, nơi tập trung các lỗ khoan khai thác tập trung trong TCN n22; tuy nhiên theo các nghiên cứu cho thấy các TCN sâu (trong trầm tích Neogen) ít ảnh hưởng đến sụt lún nền đất, mà chủ yếu ảnh hưởng bởi các TCN nông (trong trầm tích trẻ Đệ tứ), đây là khu vực có mức độ đô thị hóa cao với các công trình xây dựng hạ tầng dày đặc cũng có thể là nguyên nhân gây lún nền đất. Do đó, vấn đề bảo vệ tài nguyên NDĐ đô thị Cà Mau là cạn kiệt, nhiễm mặn và sụt lún nền đất.
Đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn nước ngầm bền vững
Trên cơ sở trữ lượng khai thác an toàn, các vùng cần hạn chế khai thác NDĐ đã được khoanh định, điều kiện thực tiễn về công nghệ khai thác hiện nay và quỹ đất có thể bố trí được các hành lang, bãi giếng khai thác tại các khu vực trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án đã tính toán phương án khai thác NDĐ tối ưu nhất và xác lập kế hoạch, lộ trình đến năm 2025 khai thác được nguồn NDĐ đạt trữ lượng 38.794 m3/ngày và đến năm 2035 là 46.324 m3/ngày. Với phương án này, theo ông Cao Xuân Việt, hiện đã xác định vị trí và lưu lượng khai thác tối ưu NDĐ phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đô thị với mục tiêu hài hòa với hệ thống cấp nước hiện có, hợp lý về mặt kinh tế và đảm bảo an ninh nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu nguồn nước mặt có nguy cơ suy giảm về số lượng, ô nhiễm.
Đặc biệt là, đã tính toán và xác lập được các vùng có khả năng bổ sung nhân tạo cao cho các TCN qp2-3, n22, n21 với diện tích lần lượt là 0,49 km2, 325,1 km2, 35,7km2 và một phần diện tích có khả năng bổ sung nhân tạo trung bình và thấp.
Trên cơ cở các vùng có khả năng bổ sung nhân tạo kết hợp các vấn đề về tài nguyên NDĐ xác định được các vùng có thứ tự ưu tiên thực hiện phương án bổ sung nhân tạo NDĐ cho các TCN này, trong đó TCN qp2-3 có 2 vùng ưu tiên số 2 với diện tích khoảng 13,7km2; TCN n22 có 2 vùng ưu tiên số 1 với diện tích khoảng 11,4km2, và có 2 vùng ưu tiên số 2 với diện tích khoảng 27,0km2.
Đề án cũng đã thiết kế sơ bộ 1 công trình bổ sung nhân tạo bằng phương pháp thu gom nước mưa qua hệ thống hấp thu nước bằng lỗ khoan tại khuôn viên UBND tỉnh Cà Mau thuộc vùng ưu tiên số 1 TCN n22, kết quả tính toán cho thấy lượng nước mưa có thể thu gom và bổ sung cho NDĐ trung bình là 68.830m3/năm tương ứng 243m3/ngày (chỉ tính cho những ngày có mưa).
Để giám sát cả về số lượng và chất lượng đồng thời đưa ra được các giải pháp, lộ trình cần phải thực hiện ngay trong thời gian tới để bảo vệ nguồn tài nguyên NDĐ đô thị Cà Mau. Đề án cũng đã tính toán, luận chứng đề xuất mạng lưới quan trắc, giám sát tài nguyên NDĐ bao gồm 9 điểm/26 công trình quan trắc được bố trí trên 5 tuyến quan trắc. Trong đó, số lượng các công trình tham gia vào mạng gồm 8 công trình quan trắc Quốc gia hiện hữu, 8 công trình thuộc đề án thi công, 2 công trình thuộc dự án “Điều tra, đánh giá tài nguyên NDĐ vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL” và 8 công trình thiết kế mới; tất cả các công trình đều quan trắc động thái NDĐ, trong đó có 2 công trình kết hợp quan trắc cạn kiệt NDĐ và 12 công trình kết hợp quan trắc xâm nhập mặn các TCN.
Trên cơ sở thực tế nguồn nước và các công trình khai thác nước dưới đất trong vùng, Liên đoàn đã đề xuất giải pháp quản lý các đới phòng hộ, bảo vệ các công trình khai thác NDĐ. Đây là công việc khó nhất nhưng lại có ý nghĩa trong việc quy hoạch tài nguyên nước.
Ở cấp thành phố và cấp huyện, theo ông Cao Xuân Việt và nhóm Đề án cần xây dựng bộ máy quản lý tài nguyên nước đồng bộ, đủ năng lực về nghiệp vụ và thiết bị để thực hiện công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước cũng như việc thực thi các giải pháp quản lý bảo vệ công trình khai thác nước. Bên cạnh đó, cần lập vùng bảo hộ vệ sinh chung quanh miệng giếng.
Cần xây dựng lực lượng thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước; định kỳ và đột xuất kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời, triệt để các hoạt động bị cấm trong phạm vi các đới bảo vệ công trình khai thác NDĐ (đới I, II, III).
Đối với chính quyền địa phương, các tổ chức khai thác nước cũng như người dân trong khu vực có liên quan cần thực hiện nghiêm túc các quy định giới hạn các hoạt động trong phạm vi từng đới bảo vệ công trình.
Ông Cao Xuân Việt khẳng định: Đề án đã tổng rà soát, cập nhật toàn bộ các tài liệu điều tra cơ bản về tài nguyên NDĐ trên địa bàn nghiên cứu đô thị Cà Mau từ trước đến nay, tiến hành điều tra, đánh giá chi tiết về tài nguyên NDĐ và các vấn đề cần bảo vệ nguồn tài nguyên này. Vì vậy, các số liệu đánh giá về hiện trạng tài nguyên NDĐ có độ tin cậy cao, các giải pháp kỹ thuật đưa ra để bảo vệ NDĐ khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nước, phát triển bền vững tài nguyên nước đồng thời phục vụ hữu ích cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đô thị.
Ông Cao Xuân Việt tiết lộ, dự kiến vào tháng 11/2021 tới đây Liên đoàn sẽ trình Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, trình Bộ TN&MT phê duyệt và bàn giao cho địa phương.