Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Để biển xanh mãi xanh

Biển đảo - Ngày đăng : 11:12, 19/08/2021

(TN&MT) - Nhiều người Việt sinh ra, lớn lên đã biết đến biển, biển nằm ngay bờ Đông đất nước, nên dân gian gọi là Biển Đông. Từ nơi thành thị đến chốn rừng xa, người người ao ước được đến với biển xanh. Có dịp đi biển là như được đến và hòa mình vào một không gian xanh màu nước, được nghỉ ngơi thư giãn, được phóng chiếu tầm mắt ra xa, nghe biển sóng vỗ về, được những con nước mát lành làm dịu mát thân thể giữa những ngày oi bức.

Có một tình yêu với biển

Nếu có dịp đi dọc đất nước, qua những vùng ven biển, mới thấy biển bao la và đẹp đẽ đến nhường nào. 3260 km đường bờ biển, trải dài qua 28 tỉnh thành, với nhiều bãi tắm đẹp, những khu du lịch nghỉ dưỡng thơ mộng, và thưởng thức ẩm thực biển… Biển chứa đựng tiềm năng và lợi thế hết sức quý giá. Bởi thế, ông cha ta từng gọi biển ấy là Biển bạc”.

Có biết bao lời thơ, câu hát viết về biển, và cả những tiếng lòng thổn thức trước số phận của biển. Đã bao đời nay vẫn thế, người Việt chung sống với biển, bám trụ mưu sinh cùng biển, yêu mến và tự hào về biển; biển hiện diện trong đời sống sinh hoạt vật chất và tinh thần của người Việt như một người đồng hành, người bạn thủy chung, đầy tin cậy.

Báo TN&MT phối hợp với Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu ra quân làm sạch biển tại ấp Phước Thắng, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 28/9/2020.

Có những ngày biển đau

Có những ngày biển đau. Đó là khi giông bão quăng quật, cuồn cuộn sóng xô, tàu thuyền nghiêng ngả, những công trình trên biển hư hại, những nhà giàn vặn mình trong bão, người dân chài không thể đi biển đánh bắt cá tôm... Trung bình mỗi năm, Biển Đông có 15 cơn bão, với nhiều cơn bão to gió giật cấp 12. Không ít lần, những cơn bão lớn đi qua duyên hải miền Trung gây lũ lụt, mất mát về người và tài sản. Thử hình dung bão ở bờ đã giảm sức gió còn gây ra nhiều thiệt hại như vậy, thì bão trên biển với cường độ và sức gió mạnh trên cấp 12, thậm chí tới cấp 15, sẽ thế nào?.

Nhưng bão thiên tai không thể tránh khỏi đã đành, mà có những cơn bão do cơn người gây ra cho biển: Bão rác.

Đó là những vùng biển bị xâm hại bởi rác thải bẩn, rác sinh ra và trôi ra biển do sự thiếu ý thức một cách vô tình và cả cố tình của con người. Hải sản và thủy sinh chết, biển nhiễm độc, ngột ngạt. Có những vùng biển ngầu đục và bộn rác tấp vào khiến người dân không thể xuống tắm. Ngay cả san hô cũng hóa đá lặng câm.

Bên cạnh đó, con người khai thác tiềm năng biển nhưng không phải con người đã kiểm soát được các rủi ro, chưa nói không ít cá nhân, tổ chức vì lợi mà bất chấp xả rác thải ra biển, làm xâm hại môi trường biển nói chung và môi trường sinh sống của các loài thủy hải sản nói riêng.

Có cả những ngày Biển Đông bị nhòm ngó chủ quyền, sóng trào nước xoáy. Trong lịch sử, Biển Đông từng chứng kiến những mất mát đau thương. Biển đau bao nhiêu thì đất liền cũng đau xót bấy nhiêu. Biển ngột ngạt bao nhiêu thì con người sẽ bị trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng bấy nhiêu. Nỗi đau ấy không chỉ được vỗ về bằng nhạc họa thơ ca mà bắt buộc con người phải thức tỉnh và hành động.

Bộ đội Hải quân tham gia dọn rác

Để biển mãi xanh

Biển xanh, không chỉ là xanh của mặt nước, mà là xanh của sự trong sạch, bình yên. Ước mơ về một vùng biển Tổ quốc xanh là mong mỏi của triệu triệu người dân Việt. Càng yêu quê hương đất nước, càng tha thiết biển mãi xanh trong để tôm cá sinh sôi, để thuyền bè an toàn vào lộng ra khơi, để các giàn khoan khai thác dầu, để du khách được thỏa sức tắm mình trong gió nước trong lành sạch sẽ. Và những người lính biển, những lực lượng làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển, những ngư dân vừa đánh bắt vừa khẳng định chủ quyền biển Việt có động lực hơn trước sự chung tay của mọi người.

Để biển xanh được mãi xanh, với tư cách của cá nhân, người viết xin đưa ra một số ý kiến sau:

Đảm bảo an ninh biển: An ninh biển trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ngày nay, an ninh biển được mở rộng cách hiểu, không chỉ là tình trạng không có tranh chấp, xung đột trên biển, mà còn là trạng thái an toàn biển về nhiều phương diện.

Để có an ninh biển, trước hết phải có hòa bình trên biển, các quốc gia phải biết tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Trong bối cảnh hiện nay, giải quyết tranh chấp bằng đàm phán, trên cơ sở luật pháp quốc tế là con đường tối ưu nhất.

Giữ gìn môi trường biển: Ô nhiễm môi trường biển là hiện tượng nước biển bị các nguyên nhân khác nhau tác động làm thay đổi tính chất lý hóa sinh của biển, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực tới các chỉ số tự nhiên của nước biển. Đồng thời, nó gây hại các sinh vật sống trên biển, cũng ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Môi trường Biển Đông đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi một số nguyên nhân, trong đó phải kể đến nạn tràn dầu và xả rác thải ra biển.

Tràn dầu là sự cố xảy ra do khai thác, chế biến, vận chuyển dầu mỏ và sản phẩm từ dầu dẫn đến tình trạng dầu thoát ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái môi trường biển và gây thiệt hại đến các hoạt động kinh tế trên biển. Ở vùng biển Việt Nam, theo thống kê, từ năm 1992 đến 2019 có 190 vụ tràn dầu. Trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2014, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có số lượng sự cố tràn dầu nhiều nhất.

Tình trạng xả thải một cách thiếu ý thức do sinh hoạt thường ngày, do du lịch, sản xuất, kinh doanh… làm nhiễm độc môi trường biển. Chất thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nông nghiệp,… chưa được xử lý từ các khu đô thị hay các nhà máy sản xuất công nghiệp chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông, theo các cửa sông ra biển, đây là một trong những nguyên nhân ô nhiễm nặng nề. Bên cạnh đó là rác, rác thải nhựa. Hiện Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về ô nhiễm rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa. Việc xả rác thải bừa bãi, thiếu ý thức, thiếu văn hóa từ hoạt động thường nhật, du lịch, đặc biệt là túi rác thải nilon, sản phẩm nhựa cũng làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển.

Người dân tham gia dọn rác

Do vậy, cần coi trọng bảo đảm an toàn cho môi trường biển bằng luật pháp với các chế tài nghiêm minh, kiểm soát chặt, xử lý nghiêm, phạt nặng, có thể cấm hoạt động, đánh bắt, công khai rộng rãi đối tượng vi phạm… Bên cạnh đó, cần thúc đẩy tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường biển của người dân.

Phát triển kinh tế biển phải đi đôi với bảo vệ môi trường: Trong Chiến lược phát triển kinh tế biển, Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định mục tiêu đưa Việt Nam thành nước có biển mạnh.

Tuy nhiên, vấn đề phát triển kinh tế biển đang có nhiều thách thức đặt ra, trong đó phải kể đến việc quản lý biển - đảo đến nay vẫn theo tư duy “của chung” hoặc chủ yếu quản lý theo ngành, vì vậy một số hoạt động phát triển kinh tế biển hoặc các cơ sở sản xuất ven biển chưa xem trọng vấn đề môi trường. Các phương thức, cách tiếp cận mới trong quản lý biển chậm được áp dụng, hoặc chưa có khả năng nhân rộng, như tiếp cận hệ thống, tổng hợp, liên ngành, quản lý dựa vào hệ sinh thái và đồng quản lý.

Bên cạnh đó, tính liên kết vùng chưa cao, có hiện tượng cùng một dải biển nhưng địa phương này làm tốt, địa phương khác lại buông lỏng, trong khi, ô nhiễm và rác thải biển là không cố định. Vì vậy, rất cần một sự chung tay của các cấp các ngành, địa phương để đảm bảo biển xanh phải xanh cả môi trường, xanh cả kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, có như vậy mới giúp cho biển xanh mãi.

Theo ước tính, GDP của biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước, chủ yếu là từ khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển), du lịch biển.

 

Bài dự thi xin gửi về địa chỉ

Email: thukytoasoan.monre@gmail.com

Điện thoại liên hệ: 0243.7738729 (máy lẻ 305)

Phạm Thạch Hoàng (P.1209, KĐT mới Sài Đồng, P.Việt Hưng, Q.Long