Năm bài học cho thành công của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV
Trong nước - Ngày đăng : 20:37, 18/08/2021
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tâm đắc với những bài học trong việc tổ chức thành công Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV |
Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 9 ngày làm việc từ 20/7 đến 28/7/2021, với bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ đã rất tích cực, khẩn trương, làm việc liên tục, ngoài giờ, không có ngày nghỉ để bảo đảm hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra với chất lượng tốt nhất và trong thời gian ngắn nhất. Quốc hội đã bám sát tình hình thực tế và kịp thời quyết định bổ sung Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Kỳ họp thứ Nhất thành công tạo tiền đề, động lực và mở ra một khởi đầu tốt đẹp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Kết quả kỳ họp đã khẳng định tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo các nội dung trình Quốc hội cũng như các điều kiện bảo đảm và tổ chức kỳ họp theo đúng quy định của pháp luật. Công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch chủ động, linh hoạt, sáng tạo, duy trì không khí nghị trường sôi nổi trong tất cả các ngày làm việc. Các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thảo luận, tranh luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có chất lượng, góp phần tạo nên thành công của kỳ họp.
Chủ động rút kinh nghiệm để tập trung từ sớm thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp |
Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng có được thành công của Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV là nhờ 3 chủ động.
Một là, chủ động dự báo. Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có dự báo từ sớm tình hình, từ đó có thiết kế chương trình phù hợp.
Hai là, chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa. Việc chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa đã tạo ra nhiều thuận lợi trong triển khai công việc.
Ba là, chủ động đến với nhau. Các cơ quan của Quốc hội đã chủ động đến với nhau, chủ động phối hợp trong nội bộ và với các cơ quan của Chính phủ. Từ đó, các nội dung khi trình lên Quốc hội đã được thảo luận kỹ giữa các cơ quan nên ít có mâu thuẫn, xung động, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Nhất trí với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, bên cạnh "3C" là ba chủ động, còn có "5T" là tận tâm - tận lực - tích cực - tâm huyết - trách nhiệm. 5T của các đại biểu Quốc hội dù tái cử hoặc đại biểu mới của khóa XV. 5T của cán bộ, công chức, của các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ban Dân nguyện, của cán bộ, công chức các cơ quan, tổ chức khác thuộc Quốc hội, các Bộ, các ngành và thành phố Hà Nội.
Làm rõ kết quả Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, bối cảnh của Kỳ họp thứ nhất có điểm khác biệt, bên cạnh công tác nhân sự thì ngay từ kỳ họp đầu tiên Quốc hội dù rất nhiều đại biểu mới, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội mới nhận nhiệm vụ nhưng đã quyết định khung pháp lý cho cả nhiệm kỳ 5 năm là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính công, vay và trả nợ công; kế hoạch đầu tư công trung hạn; cùng với đó là 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia. Điều này tạo được khung pháp lý quan trọng và rất sớm để cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong tình hình cấp bách, Quốc hội đã có sáng kiến lập pháp để kịp thời ban hành được Nghị quyết 30 có nội dung về phòng chống dịch bệnh. Như vậy, khối lượng công việc đồ sộ, bộ máy lại mới, điều kiện tình hình phức tạp nhưng Quốc hội đã rút được cả về thời gian, hoàn thành được toàn bộ các nội dung, bổ sung được nội dung mới rất cấp bách.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV |
Chủ tịch Quốc hội khẳng định trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi nhưng Kỳ họp thứ nhất đã thành công tốt đẹp trên nhiều phương diện, được cử tri, nhân dân cả nước đồng tình đánh giá cao và kết quả của Kỳ họp thứ Nhất đã mở ra một khởi đầu rất tốt đẹp cho cả nhiệm kỳ mới.
Điểm lại những kết quả nổi bật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chỉ trong 9 ngày làm việc Quốc hội đã xem xét và ban hành Quốc hội đã ban hành 29 Nghị quyết, trong đó, có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 Nghị quyết chuyên đề (về các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025: phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, đầu tư công trung hạn; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; hai chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình giám sát của Quốc hội, thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2022) và Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trong đó có những nội dung chưa có tiền lệ khi trao cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ những cơ chế đặc thù, đặc cách và đặc biệt để có thể ứng phó kịp thời và tổ chức phòng, chống dịch bệnh một cách có hiệu quả nhất.
Từ những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ ra 5 bài học:
Thứ nhất, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, bám sát sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị trước, trong và quá trình tiến hành kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội cho biết, thực hiện nghiêm nguyên tắc, lập trường, bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vai trò, chức năng của Quốc hội là điều khó khăn, phức tạp. Các nội dung khi được đưa ra bàn bạc không phải dễ dàng để đi đến đồng thuận. Đã phải tranh luận, bàn bạc một cách thẳng thắn, có nguyên tắc và trên tinh thần đồng hành xây dựng cao giữa Quốc hội và Chính phủ mới có thể tạo được sự đồng thuận chung.
Thứ hai, phát huy được tinh thần đoàn kết, dân chủ trong tổ chức, hoạt động Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ nghị trường là môi trường, không gian hoạt động dân chủ, đoàn kết và mang tinh thần đổi mới toàn diện, mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Có một "khát khao cống hiến" của các đại biểu Quốc Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nói chung. Đó là khát khao đổi mới để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Thứ ba, chủ động trong mọi mặt như Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã nêu về 3 chủ động. Đó là chủ động dự báo, nắm bắt tình hình từ rất sớm và ứng phó một cách rất kịp thời với các dự báo này. Chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, không thụ động ngồi chờ các cơ quan trình mà chủ động vào cuộc và có đánh giá trước một số vấn đề cần thiết. Chủ động phối hợp, phối hợp bên trong giữa Hội đồng Dân tộc với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp giữa Quốc hội với các cơ quan, tổ chức hữu quan, giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan của Chính phủ với Tòa an Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Thứ tư là bài học về công tác chỉ đạo, điều hành, đảm bảo cho các điều kiện của kỳ họp theo tinh thần quyết liệt, linh hoạt, quyết đoán. Để có được sự quyết đoán trong chỉ đạo điều hành đòi hỏi công tác tham mưu, đề xuất phải rất chỉn chu.
Về việc rút kinh nghiệm để tập trung từ sớm thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần phải tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu chuyên trách. Cử tri và Nhân dân mong muốn trong phát biểu của đại biểu Quốc hội sát với thực tiễn của cuộc sống hơn nữa, chia sẻ với những khó khăn của người dân, của doanh nghiệp. Bên cạnh bình luận, phân tích, đánh giá, điều quan trọng là hiến kế, đưa ra được kiến nghị, đề xuất và làm rõ được cơ sở của các các kiến nghị, đề xuất. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, không nên thấy làm tốt rồi mà chủ quan, thỏa mãn mà cần phát huy nhiều hơn nữa, có trách nhiệm hơn nữa để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của cử tri và Nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận nội dung thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, công tác thông tin truyền thông phải bài bản hơn. Theo đó, cần thiết có một đề án truyền thông tổng thể để không chỉ đưa tin về họp bàn những gì mà còn thấy được những tư tưởng đổi mới, những vấn đề lớn; đồng thời, đây cũng là yêu cầu về công khai, minh bạch hoạt động của Quốc hội, của các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để người dân, cử tri giám sát, đánh giá, kiểm tra.
Yêu cầu chất lượng phải đặt lên hàng đầu
Nhấn mạnh yêu cầu của Tổng Bí thư là Kỳ họp thứ hai phải tốt hơn Kỳ họp thứ Nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết nội dung trọng tâm của Kỳ họp thứ 2 là công tác lập pháp và xây dựng thể chế, do đó, phải hết sức coi trọng nâng cao chất lượng công tác lập pháp, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tránh "dục tốc bất đạt", phải chuẩn bị kỹ các nội dung để không quyết sách sai, không trúng, không đúng. Chất lượng vẫn là yêu cầu đặt lên hàng đầu. Liên quan đến nội dung kỳ họp, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội phải phối hợp với nhau.
Về phương thức tổ chức, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần xây dựng nhiều phương án để vừa đảm bảo thích nghi với điều kiện phòng, chống dịch vừa là một bước để cải tiến, đổi mới. Theo đó, phương án 1 là phương án vừa họp trực tiếp và vừa trực tuyến. Giai đoạn đầu có thể họp trực tuyến như đã làm trước đây, giai đoạn sau họp trực tiếp vì liên quan đến biểu quyết, thông tin nội bộ, chất vấn và trả lời chất vấn. Trong trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, phương án 2 có thể họp trực tuyến toàn phần (phương án 2). Trong trường hợp kiểm soát hoàn toàn dịch bênh có họp toàn phần là trực tiếp (phương án 3).