Chuyện người “đam mê … rác”

Môi trường - Ngày đăng : 09:35, 18/08/2021

(TN&MT) - Dây chuyền xử lý rác thải nổi tiếng với phương châm “Rác là nguồn tài nguyên” tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Chủ sở hữu của mô hình độc đáo này không ai khác chính là ông Nguyễn Duy Bình – Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Lam Sơn Thanh Hóa.

Người đàn ông “đam mê… rác”

Ông Nguyễn Duy Bình chia sẻ: “Tuổi trẻ của tôi đã bôn ba nhiều nơi, làm đủ ngành nghề cho nhiều công ty nước ngoài như Ấn Độ, Úc…. Năm tháng “phiêu lưu”, tiếp xúc, làm việc cho các công ty này giúp tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm, hình thành một tư duy về tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường”.

Ông Nguyễn Duy Bình là chủ nhân của dây chuyền xử lý rác thải bằng công nghệ vi sinh kết hợp sàng phân loại

Năm 2001, nhận thấy việc thu gom rác thải lúc bấy giờ vẫn còn tự phát, chưa được đầu tư bài bản, đúng quy trình, ông Bình đã nhen nhóm ý tưởng “dấn thân” vào ngành môi trường thông qua công việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt. Tháng 1/2006, ông Bình đã thành lập Công ty CP Môi trường Lam Sơn, triển khai thu gom rác tại TT. Rừng Thông cùng 6 xã thuộc huyện Đông Sơn, một số xã thuộc huyện Thọ Xuân và huyện miền núi Thường Xuân.

Những năm tháng đi thu gom và “gắn bó” với rác thải giúp ông Bình hiểu rõ được tính chất rác ở Việt Nam, đó là rác không được phân loại, có độ ẩm cao. Việc xử lý rác bằng hình thức chôn lấp và đốt không phải là phương pháp bền vững, lâu dài. Không những vậy, việc xử lý rác theo kiểu “cắt ngọn” sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy xấu về môi trường đất, nước, không khí. Xuất phát từ thực tế trên, ông Bình đã nảy ra một ý tưởng mà lúc đấy ai cũng cho là “điên rồ”, đó là: “Biến rác thành tài nguyên”.

Dây chuyền là lời giải cho bài toán xử lý rác ở các huyện miền núi

Nghĩ là làm, trong vòng 5 năm (2007-2012), ông Bình tiếp tục hành trình bôn ba, tích lũy kinh nghiệm nhưng là ở quy mô rộng hơn. “Tôi đi khắp 63 tỉnh thành, “bay” qua nhiều nước trên thế giới, ở đâu có nhà máy xử lý rác, là tôi sẽ đến đấy học hỏi, rút kinh nghiệm. Tôi đã thăm và tìm hiểu hơn 70 khu xử lý rác đủ các loại công nghệ được chuyển giao từ Anh, Pháp, … Tuy nhiên hầu hết các nhà máy, khu xử lý rác được đầu tư hàng trăm tỷ đồng vẫn chưa hoạt động đúng như kỳ vọng tại Việt Nam”. Ông Bình đăm chiêu.

Thế rồi đến năm 2013, sau khi thuê chuyên gia Nhật Bản đến để thẩm định, lựa chọn vị trí, ông Bình mạnh dạn đầu tư gần 10 tỷ đồng để lắp đặt dây chuyền xử lý rác bằng công nghệ vi sinh, tái chế rác thải tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân. Tiếc rằng, khi máy móc còn chưa được “đóng điện”, dây chuyền đã phải di dời, tháo dỡ bởi lý do quy hoạch Khu đô thị Lam Sơn đã được phê duyệt trước đó. Công sức và tiền bạc “đổ sông, đổ bể”, ông Bình thất bại trong nỗi tiếc nuối với ngành môi trường.

Chế phẩm men vi sinh giúp rác khô, tiêu diệt các vi sinh vật có hại

Giải bài toán xử lý rác thải ở miền núi

Những tưởng sau lần thất bại ấy sẽ khiến người đàn ông sinh năm 1966 từ bỏ nghề… xử lý rác. Tuy nhiên đến năm 2018, mặc dù vấp phải sự hoài nghi của gia đình và đồng nghiệp về tính thành công của dây chuyền, ông Bình vẫn quyết định nâng cấp công nghệ, tiếp tục đầu tư dây chuyền xử lý rác thải bằng men vi sinh kết hợp sàng phân loại. Lần này, dây chuyền được đầu tư và lắp đặt ở huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa), hứa hẹn sẽ trở thành lời giải chính xác cho bài toán xử lý rác thải các các huyện miền núi, vùng cao.

Mùn hữu cơ được tạo ra từ dây chuyền xử lý rác

Thực tế hiện nay, công tác thu gom, xử lý rác thải rắn, rác thải sinh hoạt ở khu vực miền núi luôn là đề tài “hóc búa” đối với các địa phương nói chung. Tại các huyện miền núi Thanh Hóa, nhiều bãi chôn lấp vận hành không đúng kỹ thuật, rác thu gom không đổ đúng vị trí, không sử dụng hoá chất diệt côn trùng dẫn đến phát sinh ruồi muỗi, mùi hôi thối. Một số khu xử lý chất thải rắn không xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác làm nước tự bốc hơi và thấm vào lòng đất. Việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư tại các huyện miền núi đang còn khó khăn do dân cư phân bố không đều, khối lượng rác ít nên hiệu quả kinh tế không cao.

Trong khi đó, dây chuyền xử lý rác thải thân thiện với môi trường của ông Nguyễn Duy Bình nằm ở khu vực đồi thuộc TT. Thường Xuân, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) lại giải quyết được hầu hết các vấn đề trên.

Dây chuyền xử lý rác có nhiều ưu điểm

Mặc dù dưới thời tiết nắng nóng 38-39 độ C, thế nhưng khu xử lý rác này không hề có mùi hôi thối, ruồi nhặng hay nước rỉ rác. Theo ông Nguyễn Duy Bình: “Mấu chốt khiến cho rác không mùi hôi thối hay nước rỉ chính là từ công nghệ ủ men vi sinh. Loại men này có giá thành rẻ lại phù hợp với tính chất rác ở Việt Nam, nó tiêu diệt hầu hết vi khuẩn có hại và gây mùi có trong rác, giúp làm khô, giảm độ ẩm trong rác từ 70-80%”.

Cụ thể, quy trình công nghệ này gồm 3 công đoạn chính: Công đoạn xé bao, công đoạn ủ vi sinh và công đoạn sàng phân loại. Rác sau khi được đưa về sẽ được xé tơi để thuận lợi cho công đoạn ủ vi sinh. Sau 40 ngày ủ men, rác sau ủ được đưa lên sàng phân loại qua băng tải và được tách thành 3 loại: Mùn hữu cơ; rác thải vô cơ (gạch, đá, thủy tinh…); nilon, nhựa và rác hữu cơ không thể tái chế.

Với công suất hiện tại là 50 tấn/ngày. Trung bình 1 tấn rác sau phân loại thu được 200 - 300kg mùn hữu cơ; 100 - 150kg nilon, nhựa; 100 - 150kg rác hữu cơ không thể tái chế phải đốt; 100 - 150kg rác thải vô cơ làm vật liệu san lấp hoặc đốt. Ngoài ra, sản phẩm thu hồi là mùn hữu cơ có thể bán ra thị trường để làm phân bón an toàn và tốt cho cây trồng với giá 200.000 - 300.000 đồng/tấn.

Mùn hữu cơ có giá thành rẻ, được ông Bình bón cho cây trồng giúp tăng năng suất

Sau thành công ban đầu, ông Nguyễn Duy Bình cho biết sẽ tiếp tục mở rộng, nâng công suất dây chuyển xử lý rác. Đồng thời, mong muốn được chính quyền địa phương các cấp ủng hộ, tạo điều kiện áp dụng dây chuyền công nghệ này tại khắp các bãi rác quá tải, ô nhiễm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Thu Thủy - Hoàng Anh