Đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản
Bất động sản - Ngày đăng : 10:19, 17/08/2021
Dịch Covid-19 kéo dài đang đẩy thị trường bất động sản rơi vào tình cảnh “đóng băng”, doanh nghiệp chồng chất khó khăn. Trước thực trạng này, một số doanh nghiệp và Hiệp hội đã đồng loạt đưa ra đề xuất tháo gỡ.
Lo ngại thị trường suy giảm
Theo Bộ Xây dựng, trong quý 2/2021, cả nước chỉ có 69 dự án nhà ở thương mại được cấp phép, bằng 21% so với cùng kỳ năm 2020. Ở góc độ địa phương, năm 2019, TP. Hà Nội có 61 dự án, TP.HCM có 47 dự án đủ điều kiện bán nhà, giảm khoảng 80% so với các năm trước đó. Năm 2020, TP. Hà Nội có 19 dự án, TP.HCM có 22 dự án được cấp.
Dự báo, nếu cả nước tiếp tục phải giãn cách, việc các công trình ngừng thi công sẽ dẫn đến nhiều dự án bất động sản không thể bàn giao nhà đúng tiến độ. Điều này có thể dẫn tới thiếu hụt nguồn cung trầm trọng.
Ông Nguyễn Hoài Giang, Giám đốc Công ty CP Bất động sản HNLand cho rằng, nguồn cung của thị trường vốn đang bị hạn chế bởi cơ quan quản lý đang siết chặt việc phê duyệt, cấp phép cho các dự án mới. Hiện, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đứng ngồi không yên khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nguy cơ các tỉnh thành phải kéo dài thời gian giãn cách khiến các doanh nghiệp không thể triển khai thi công, kéo theo tiến độ xây dựng bị ảnh hưởng. Số lượng căn hộ mở bán sẽ bị sụt giảm, ảnh hưởng đến giá bán nhà và nhu cầu tiếp cận nhà ở của người dân.
Dịch Covid-19 kéo dài đang đẩy thị trường BĐS rơi vào tình cảnh “đóng băng”. Ảnh: Hoàng Minh |
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu dịch bệnh đến cuối tháng 8 mới được kiểm soát, thị trường nửa cuối năm 2021 sẽ tăng trưởng không cao do các doanh nghiệp dần bị đuối sức. Các kế hoạch sản xuất kinh doanh sẽ bị phá vỡ, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Toàn thị trường sẽ khó tăng trưởng trên mức 20% so với nửa đầu năm.
"Sẽ khó có những thay đổi mang tính đột phá trong những tháng còn lại của năm 2021 trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp vẫn đang ưu tiên các biện pháp mang tính chống đỡ, dù tâm lý thị trường vẫn khá tốt và chiến dịch tiêm vắc-xin trên diện rộng đang được triển khai. Đại dịch Covid-19 đã tác động nhiều đến thu nhập của người dân và doanh nghiệp, cần thời gian để khách hàng cũng như tâm lý chung của thị trường quay trở lại trạng thái trước đại dịch", Tổng Giám Đốc Colliers Việt Nam David Jackson nhận định.
Đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp
Hiện một loạt thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Chính phủ. Các công trình xây dựng, dự án bất động sản cũng phải tạm dừng thi công. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tiến độ bàn giao nhà cho khách hàng theo cam kết hợp đồng. Chưa kể, nhiều người mua nhà phải "lao đao" vì thu nhập giảm nhưng vẫn phải trả lãi vay ngân hàng.
Trước thực trạng này, Hiệp hội các Nhà thầu Việt Nam đã kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16. Ngoài ra, cũng giống như các ngành sản xuất khác, các nhà thầu mong muốn được phân loại các công trình nào được phép thi công.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp và người mua nhà.
"Hiệp hội đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay cũ và mới để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho biết.
Đại diện một số doanh nghiệp bất động sản cũng đề xuất mong muốn được Nhà nước xem xét giãn tiến độ, chậm nộp bảo hiểm xã hội. Bởi đối với các doanh nghiệp, đây là một khoản tiền rất lớn nhưng doanh nghiệp đang trong tình trạng không có doanh thu. Nếu tiếp tục phải đóng bảo hiểm thì nhiều doanh nghiệp sẽ không thể trụ vững được.
Ngoài ra, trong thời điểm giãn cách, các doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện các thủ tục pháp lý cho các dự án mới. Tuy nhiên, để công việc được thực hiện trôi chảy, vẫn cần sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về thủ tục từ phía các cơ quan chức năng.
"Hiện nay tất cả các công trình xây dựng đều bị ngừng thi công dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng bị đứt gãy, ngưng trệ, đặc biệt là các dự án bị chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao nhà cho khách hàng. Do vậy, chúng tôi kiến nghị TP. Hà Nội xem xét cho phép các công trình không nằm trong vùng dịch được phép thi công để không ảnh hưởng đến chi phí mà chủ đầu tư đã bỏ ra, bởi hiện nay, nhiều công trình đang duy trì cho công nhân ăn ở tại công trường".
Ông Nguyễn Quốc Hiệp
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam