Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: “Viên ngọc bích” giữa trùng khơi
Biển đảo - Ngày đăng : 10:18, 17/08/2021
Nhìn trên bản đồ, đảo Cô Tô giống hình chiếc hài màu xanh xinh xắn. Từ cầu cảng lộng gió, càng đi sâu vào lòng đảo, du khách càng cảm nhận rõ sự nồng nàn, mênh mang của nắng, gió đảo xa. Cầu cảng nằm sát trung tâm thị trấn, nơi mọi công trình và hoạt động văn hóa, du lịch đều sầm uất, sôi động. Nếu muốn khám phá vẻ đẹp mộc mạc như giá trị vốn có của Cô Tô, du khách cần tiếp tục ngồi trên xe điện, băng qua thị trấn, về phía những tán rừng, bờ biển vắng Hồng Vàn - nơi được ví như “mũi hài xanh cửa sóng”. Ở đó, có những căn nhà gỗ, nhà trúc tọa dưới tán rừng xanh mát điểm xuyết sắc tím hoa sim và hướng nhìn ra biển, mang đến cảm xúc diệu kỳ cho bất cứ ai đặt chân đến đây khi vừa được nghe bên tai sóng biển dạt dào, vừa có tiếng chim rừng thi nhau hót.
Trong lành, nên thơ là vậy, nhưng Cô Tô cũng như các huyện đảo khác luôn phải đối diện với rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa ngày càng xâm lấn, tấn công, tác động nghiêm trọng vào hệ sinh thái và môi trường biển.
Du khách nhiệt tình hưởng ứng vệ sinh môi trường biển |
Là hòn đảo nằm giữa trùng khơi, các bãi biển của Cô Tô thường phải gánh chịu lượng rác theo sóng biển vào bờ và từ nhiều nguồn khác, các bãi biển cứ thu dọn xong hôm sau lại đầy rác.
Dân số Cô Tô có hơn 6.000 người, vào mùa du lịch (khi chưa có dịch Covid-19), hàng năm Cô Tô đón hàng chục vạn lượt du khách, lượng rác lên tới khoảng 14 tấn rác/ngày vào mùa hè chỉ riêng trong khu dân cư. Ngoài khơi và các bãi biển, rác từ các hoạt động chế biến thủy sản, ăn uống vui chơi sinh hoạt của người dân trên bờ thải ra, rác còn từ các tàu thuyền đánh bắt hải sản, các lò sứa hoạt động vào mùa vụ... Công ty TNHH và Sản xuất thiết bị môi trường Thành An làm nhiệm vụ chính dọn rác ở Cô Tô là đơn vị trực tiếp dọn rác chính ở bãi biển nhưng không xuể, nên phải có sự vào cuộc của nhiều đơn vị chức năng khác.
Từ năm 2019 đến nay, huyện đảo đã hưởng ứng và triển khai Kế hoạch số 41/KH - UBND ngày 21/2/2019 của UBND tỉnh về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”. Để phong trào được triển khai hiệu quả, giữ gìn cho môi trường đảo luôn xanh - sạch - đẹp, phát triển bền vững và ngày càng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, huyện đảo Cô Tô đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Ngoài sự quan tâm, giám sát của chính quyền và các ban ngành liên quan, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch và nhân dân huyện đảo luôn tích cực hưởng ứng, sao cho mỗi công dân trở thành một nhân tố quan trọng trong vấn đề bảo vệ môi trường, góp nên vẻ đẹp biển đảo xanh, sạch và trong lành. Cụ thể, trong ba năm qua, huyện đảo đã kịp thời tuyên truyền, vận động và thực hiện có hiệu quả 2 đề án: “Hạn chế sử dụng túi nilon” và “Phân loại rác thải tại nguồn”. Nhiều doanh nghiệp tiến hành giới thiệu những sản phẩm túi thân thiện với môi trường cho các cơ sở kinh doanh nhằm thay thế túi nilon khó phân hủy. Túi đựng rác sinh học, túi đựng thực phẩm, khăn ướt cao cấp… phân hủy trong môi trường là những sản phẩm được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch ký cam kết sử dụng.
Các lực lượng chung tay bảo vệ môi trường biển Cô Tô |
Ông Lê Hùng Sơn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết: “Cùng với bảo vệ môi trường, vấn đề tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường tại huyện Cô Tô luôn được quan tâm, sâu sát. Đây là một trong những hoạt động quan trọng góp phần thay đổi hành vi, thói quen gây tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời giảm thiểu tối đa nguy cơ ô nhiễm, bảo vệ lâu dài sức khỏe con người và hệ sinh thái”.
Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và UBND huyện Cô Tô đã nhiều lần phối hợp phát động đồng loạt ra quân hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” và chiến dịch “Hãy làm sạch biển” trên toàn tỉnh, huyện Cô Tô được chọn làm điểm cấp tỉnh. Tập thể cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, địa phương... đã chung tay bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ nhất như: thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần… đồng thời hướng đến hành động, mục tiêu lớn hơn trong khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu, phòng chống các thảm họa thiên tai, tích cực đóng góp công sức xây dựng tỉnh Quảng Ninh “sáng - xanh - sạch - đẹp và văn minh”…
Trong đó, tích cực nhất phải kể đến các đoàn viên thanh huyện đã vào cuộc từ các hoạt động tình nguyện vào chiều thứ năm hàng tuần, tại các khu vực bãi biển Vàn Chảy, Hồng Vàn (xã Đồng Tiến), bãi Nam Hải (thị trấn Cô Tô), bãi Ba Châu, Vụng Vịnh (xã Thanh Lân). Các đoàn viên, thanh niên đã tranh thủ sự vào cuộc của nhiều du khách, các đội thanh niên tình nguyện đến từ các huyện, thị trong và ngoài tỉnh để cùng làm sạch bãi biển.
Bãi biển Cô Tô còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ với nhiều nét đặc biệt. Trên thuyền đến đảo, du khách thường gặp cảnh tượng đàn chim bay qua ánh mặt trời lúc bình minh hoặc hoàng hôn, nhìn xuyên qua làn nước trong xanh sẽ thấy rạn san hô đủ màu sắc có những đàn cá bơi lội tung tăng. Nhưng đặc biệt nhất, có lẽ đi trên bất cứ ngả đường nào, cũng dễ gặp hình ảnh bà con, cán bộ chiến sĩ, học sinh… đang lúi húi thu gom rác thải. Ý thức bảo vệ môi trường qua từng việc làm nhỏ mỗi ngày lan tỏa đến du khách. Nhờ đó, môi trường sống của người dân, địa điểm kinh doanh được chăm sóc, bảo vệ, đặc biệt là quần thể di tích, thắng cảnh nổi bật của huyện đảo, gồm: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia; trạm hải đăng Cô Tô - “mắt thần” hướng về biển cũng được chăm sóc, bảo vệ một cách đầy tình cảm và trách nhiệm.
Nói không với rác thải, Cô Tô níu lòng người qua từng bãi đá hoang vu: Cầu Mỵ đầy trầm tích được bào mòn qua hàng vạn năm bởi nước biển tạo thành kì quan, Hồng Vàn sóng êm ả, bãi cát mềm mại như dải lụa, Vàn Chải sóng lớn, gợi cảm giác mạnh mẽ phóng khoáng, Con đường Tình yêu dài hơn 2 km được lát gạch đỏ hai bên có hàng dương vi vu…
Rác thải đã không còn xen lẫn màu xanh của biển, của rừng. Đi sâu khám phá từng khu nghỉ dưỡng, nhà vườn tại địa phương, có thể nhận thấy sự kết hợp hài hòa giữa kinh doanh với bảo vệ môi trường đầy linh hoạt. Chẳng thế mà có những con đường thơ mộng toàn hoa vàng trên cỏ xanh trải dọc bờ cát trắng, có những đầm sen đua hương khoe sắc ngay dưới chân đồi. Hỏi thăm mới biết, người dân ở đây đã vào đất liền tìm giống cúc hoa vàng, sen hồng, sen trắng để gieo trồng, để đảo nhỏ không chỉ sạch mà ngày càng đẹp hơn trong lòng du khách. Vẻ đẹp của Cô Tô bây giờ vừa mang nét riêng của những hoài bão, góc nhìn khác biệt, cũng lại vừa có dấu ấn mạnh mẽ từ bàn tay, tâm hồn, ý thức trách nhiệm của những người yêu biển thiết tha, sâu nặng.
Bài dự thi xin gửi về địa chỉ
Email: thukytoasoan.monre@gmail.com
Điện thoại liên hệ: 0243.7738729 (máy lẻ 305)