Nâng cấp bản tin dự báo - Điểm then chốt của phòng chống thiên tai
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:46, 17/08/2021
Ông Vũ Đức Long - Vụ trưởng Vụ Quản lý Dự báo (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) |
PV: Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai (có hiệu lực từ ngày 1/7/2021) có những điểm mới quan trọng nào so với những quy định trước đây, thưa ông?
Ông Vũ Đức Long:
Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai ra đời đã thay thế Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13/1/2020 quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai và Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai.
Quyết định số 18 có những điểm mới, quan trọng đó là thời gian ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai sớm hơn, tần suất ban hành tăng dầy hơn, nội dung bản tin đầy đủ với cấp độ rủi ro thiên tai chi tiết hơn theo cường độ, phạm vi, thời gian ảnh hưởng của thiên tai, cụ thể như sau:
Các bản tin dự báo, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, ngập lụt ban hành sớm hơn từ 30 phút đến 1 tiếng và bổ sung bản tin nhanh về bão, các thông tin về lũ được cập nhật hàng giờ trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn; các bản tin dự báo, cảnh báo lũ cho các sông được quy định tăng thêm 1 bản tin so với Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg.
Nội dung các bản tin dự báo, cảnh báo được quy định thời gian cảnh báo xa hơn như bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng... Đồng thời, bổ sung các loại bản tin dự báo, cảnh báo cho các thiên tai được quy định thêm trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều như: bản tin dự báo, cảnh báo gió mạnh trên biển, sương mù, sạt lở, sụt lún đất do hạn hán, cháy rừng do tự nhiên.
Quy định về cấp độ rủi ro thiên tai cũng được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế và yêu cầu của công tác phòng, chống thiên tai. Các nội dung điều chỉnh tập trung vào chi tiết cường độ thiên tai cho các khu vực; khả năng gây thiệt hại của các loại hình thiên tai được lồng ghép vào vùng ảnh hưởng của thiên tai và được chi tiết hơn so với quy định cấp độ rủi ro thiên tai hiện hành. Cấp độ rủi ro thiên tai được chi tiết hóa theo các vùng ảnh hưởng, như thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, xâm nhập mặn… Một số loại hình thiên tai xảy ra nhanh, mức độ nguy hiểm như lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét, mưa đá đã được quy định phân cấp chi tiết hơn theo cấp huyện, xã.
Quan trắc viên đang lấy các số liệu quan trắc khí tượng tại Trạm Hải văn Hòn Ngư (tỉnh Nghệ An). Ảnh: Thanh Tùng |
PV: Thưa ông, vì sao chúng ta phải điều chỉnh, bổ sung những quy định mới về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai? Việc điều chỉnh, bổ sung này có vai trò, ý nghĩa như thế nào đối với công tác phòng, chống thiên tai ở nước ta?
Ông Vũ Đức Long:
Công tác dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai trước đây được thực hiện theo Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg và Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg. Việc thực hiện các quyết định nói trên đã cơ bản đáp ứng yêu cầu dự báo, cảnh báo thiên tai, phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã nảy sinh một số tồn tại, vướng mắc về quy định cấp độ rủi ro thiên tai, như quy định cấp độ rủi ro thiên tai của một số loại thiên tai chưa được chi tiết theo đặc trưng từng vùng, từng địa phương, ảnh hưởng đến việc xác định cấp độ rủi ro thiên tai, khó vận dụng trong quá trình thực hiện và khó khăn trong phân công, phân cấp trách nhiệm chỉ đạo, ứng phó.
Hơn nữa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020 đã bổ sung một số loại thiên tai mới là: gió mạnh trên biển; sương mù; sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán; cháy rừng do tự nhiên vì vậy cần thiết phải bổ sung quy định về công tác dự báo, cảnh báo, truyền tin và quy định chi tiết về cấp độ rủi ro của các loại thiên tai này.
Quyết định số 18 nhằm thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều đồng thời khắc phục những tồn tại, vướng mắc của các Quyết định nói trên; đáp ứng nhu cầu phòng, chống thiên tai, giúp cho công tác phòng, chống thiên tai ở các cấp triển khai hiệu quả, không chồng chéo góp phần giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân.
PV: Quyết định số 18 đã nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan, trong đó có trách nhiệm của Tổng cục Khí tượng Thủy văn trong việc triển khai nội dung Quyết định. Vậy Tổng cục đã đề ra kế hoạch và các phương án triển khai những nội dung này như thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Đức Long:
Sau khi Quyết định số 18 được ban hành, Tổng cục Khí tượng Thủy văn với chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về khí tượng thủy văn, Tổng cục đã trình Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 3224/BTNMT-TCKTTV ngày 14/6/2021 gửi các Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị triển khai thực hiện Quyết định số 18, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Quyết định số 18 bằng các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn; chú trọng đối với đồng bào ở miền núi, ngư dân ven biển, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Xây dựng kế hoạch, phối hợp với cơ quan, tổ chức khí tượng thủy văn tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về khí tượng thủy văn và khai thác hiệu quả tin dự báo, cảnh báo thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai.
Chỉ đạo Đài phát thanh, truyền hình truyền phát kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai theo đúng quy định, đảm bảo độ chính xác của bản tin do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đối với các địa phương nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai, phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh trên địa bàn để tiếp nhận truyền phát kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai đã chi tiết hóa cho các địa phương.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng đã ban hành Quyết định phân cấp trách nhiệm trong dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm đối với các đơn vị trong hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia nhằm hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các quy định của Quyết định. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị làm công tác dự báo, cảnh báo rà soát, điều chỉnh các phương án dự báo, cảnh báo cho phù hợp, cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến các cơ quan chức năng đầy đủ, kịp thời và đảm bảo độ tin cậy theo đúng quy định.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!