Chống phân biệt vắc-xin

Xã hội - Ngày đăng : 11:36, 15/08/2021

(TN&MT) - Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam, một số đối tượng đã ra sức chống đối bằng nhiều cách, trong đó có việc phao tin nhảm, xuyên tạc, cắt cúp sự thật về vắc xin, lôi kéo người dân bài trừ một số loại vắc xin. Nguy hiểm hơn, chúng còn có mưu đồ "chính trị hóa vắc xin", gây hoài nghi trong nhân dân.

Điểm mặt chiêu trò

Cụ thể, một số đối tượng đã lan truyền thông tin bài trừ vắc xin Vero Cell, Sinopham trên mạng xã hội. Chúng bấu víu vào phát ngôn của một vài đối tượng mang danh bác sĩ, hoặc dựa vào một số phân tích mơ hồ mang tính suy diễn nhằm ra sức tuyên truyền về công dụng thấp của loại vắc xin trên. Từ đó, chúng tiếp tục lập nhóm bài trừ vắc xin, công kích chế độ. Mục đích cao nhất của những đối tượng này là chống phá Nhà nước Việt Nam, phủ nhận nỗ lực chống dịch của ta và cố tình chia rẽ Nhà nước với Nhân dân.

Hiện trường giả về tiêm chủng ở quận 12

Gần đây nhất, trước kế hoạch tiêm chủng đồng loạt tại TP.HCM, ở một số điểm tiêm chủng có vắc xin Vero Cell, những kẻ chống phá đã mượn hiện trường giả, dựng chuyện về việc nhân dân quận 12 bỏ về hết khi biết sẽ tiêm vắc xin của Trung Quốc. Hoặc từ điểm tiêm chủng trên đường Huyền Trân Công Chúa ở phường Bến Thành, quận 1, khi một số người dân ra về vì không đồng ý tiêm vắc Sinopharm, chúng đã cắt cúp câu chuyện dừng ở đó và bình phẩm với những ác ý.

Tuy nhiên, sự thật không như những gì chúng nói!

Làm rõ sự thật

Về thông tin ở quận 12, ngày 13/8, UBND quận 12 cho biết, thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội về việc "Quận 12 thông báo tiêm vắc xin Trung Quốc nên dân bỏ về hết" là sai sự thật. Bởi vì, ngày 13/8, quận 12 không tổ chức tiêm vắc xin. Thông tin bịa đặt nêu trên do tài khoản Facebook có tên Tony Paris đăng tải. Hiện, UBND quận 12 đã chỉ đạo Công an quận điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trưa cùng ngày, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cũng khẳng định, thông tin nêu trên là không đúng sự thật.

Phản hồi về clip "người dân bỏ về không tiêm vắc xin Sinopharm" tại điểm tiêm số 1, đường Huyền Trân Công Chúa, lãnh đạo phường Bến Thành đã công khai xác nhận với báo chí là có việc một số người dân ra về sau khi được thông báo tiêm vắc xin Vero Cell của Sinopharm, tuy nhiên đó chỉ là số ít. Thống kê tại điểm tiêm này trong ngày 13/8 cho thấy, đã có 138 trên 140 liều vắc xin Vero Cell được tiêm cho người dân trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc. Bên cạnh đó, phường Bến Thành còn cho biết thêm, mặc dù thời điểm trong ngày, tại điểm tiêm còn có cả vắc xin Astrazeneca nhưng một số người dân vẫn chọn tiêm Vero Cell.

Như vậy, chủ nhân của clip kia đã lộ rõ bản chất chống phá chính quyền bằng việc chỉ chia sẻ hiện tượng số ít mà cố tình không đăng tải việc số đông người dân ở lại tiêm vắc xin. Bên cạnh đó, việc lãnh đạo thành phố và các địa phương đến tận điểm tiêm để kiểm tra, giải thích cho dân, chúng cũng cố tình không đăng tải.

Phản ánh của một chủ nhân facebook về việc rất đông người dân tiêm vắc xin Sinopharm

Nói trước, nói thẳng và nói có căn cứ

Qua sự việc tiêm vắc xin cũng cho thấy, vai trò của công tác tuyên truyền là rất quan trọng. Nói trước, nói thẳng; đồng thời với tuyên truyền giải thích có căn cứ khoa học, có lý… thì sẽ thuyết phục được dân. Đặc biệt việc người đứng đầu thành phố, địa phương đứng ra giải thích là một trong những động thái rất “ưng bụng bà con”. Trên trang cá nhân của mình, nhà báo HL. (tại TP.HCM) chia sẻ: “Tôi thích cái cách mà ông Nguyễn Văn Nên ứng xử với những thông tin gây bất lợi”.

Giải thích thêm về tuyên bố của mình, nhà báo HL. chia sẻ, trước việc một số người dân không tiêm Vero Cell ở một số điểm tiêm và trước một số thái độ phản ứng, có cả tạo hiện trường giả, tin giả..., người đứng đầu thành phố đã trực tiếp đến tận điểm tiêm, thăm hỏi, giải thích cho dân hiểu công dụng và việc cần thiết của tiêm vắc xin.

Cán bộ Thành ủy TP.HCM trực tiếp giải thích về công dụng của vắc xin cho dân

Vì vậy, tại điểm tiêm ở quận Hóc Môn là nơi Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên có mặt, việc tiêm chủng diễn ra suôn sẻ, người dân Hóc Môn bày tỏ dù là vắc xin gì thì họ vẫn sẵn sàng tiêm, càng tiêm nhanh tiêm sớm càng có kháng thể để bảo vệ bản thân. Nhiều người dân bày tỏ: Không tiêm giờ này thì đợi đến khi vào viện mới tiêm hay sao?, hay: Cả thế giới người ta tiêm được, Hải Phòng, Quảng Ninh người ta tiêm được, cớ gì mình phải kén cá chọn canh?

Nhiều chuyên gia y tế trong và ngoài nước khuyến cáo người dân cần loại bỏ tâm lý lựa chọn vắc xin mà đánh mất cơ hội bảo vệ bản thân và cộng đồng trước đại dịch Covid-19.

Đây cũng là không khí chung tại cơ bản các điểm tiêm tại các quận trên địa bàn TP.HCM hai ngày vừa qua. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, đội ngũ cán bộ phụ trách tiêm chủng đã rất thẳng thắn, dán thông báo ngay lối cổng vào, đi kèm với giải thích, khuyến khích tinh thần tự nguyện và đặc biệt không ép buộc bất cứ ai. Trước khi tiêm, nhân viên y tế một lần nữa thông báo loại vắc xin được tiêm là vắc xin gì, chỉ khi người dân đồng ý thì mới tiêm.

Thông báo dán công khai tại điểm tiêm chủng

Cách làm của TP.HCM đã chiếm được lòng tin của nhân dân. Cách mà TP.HCM triển khai tiêm chủng hiệu quả trong những ngày qua là minh chứng bịt miệng các đối tượng chuyên đưa tin giả; chứng tỏ âm mưu của những kẻ lợi dụng sự kích động bài Trung để tẩy chay vắc xin Trung Quốc như mấy anh tiến sĩ cỡ Xuân Diện, Mạc Trang hay quý anh doctor Trung đã thất bại. Bởi chẳng cần bằng cấp nọ kia, thì dân cũng thừa hiểu: Vắc xin lúc này quý hơn cả oxy, có vắc xin trong người, nhỡ không may bị nhiễm thì cũng dễ điều trị hơn rất nhiều, mọi vấn đề theo đó sẽ trở nên đơn giản, dễ xử lý hơn. Còn nếu cứ lắc đầu ko tiêm, còn kén cá chọn canh theo mấy bộ não chống đối kia thì khi bị nhiễm, sẽ chẳng thấy mấy anh mang danh tiến sĩ, doctor kia đứng ra mà tư vấn với giúp đỡ đâu.

Theo số liệu từ cơ quan y tế TP.HCM, trong ngày 13/8, TP.HCM đã tiêm được 93.993 liều vắc xin Covid-19, trong đó có 17.916 liều của Sinopharm. Như vậy từ đầu đợt 5 (ngày 22/7) đến hết ngày 13/8, thành phố tiêm được 3.399.000 liều vắc xin cho người dân. Tất cả đều an toàn.

Từ ngày 14/8, nhiều quận huyện tiếp tục triển khai tiêm vắc xin Vero Cell. Trong một buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19, Phó Chủ tịch thành phố Dương Anh Đức cho biết, thành phố sẽ khai thác tiếp 1 triệu liều vắc xin của Sinopharm đã được Bộ Y tế kiểm định xong; đồng thời khẳng định, thành phố chỉ sử dụng vắc xin đáp ứng 2 điều kiện: được WHO thẩm định cấp phép sử dụng và Bộ Y tế thẩm định, cấp phép, thành phố luôn xác định vắc xin phải đảm bảo chất lượng thì mới tiêm cho dân, vì vậy, mong người dân ý thức tầm quan trọng của vắc xin và tiếp nhận khi có vắc xin.

Được biết, ngoài lô vắc xin của Sinopharm, thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh, đàm phán, tìm kiếm cơ hội với các vắc xin khác.

Từ những góc nhìn khác

Tuy nhiên, không phải chỉ ở TP.HCM là điểm nóng thì việc triển khai tiêm vắc xin của Trung Quốc mới diễn ra với số lượng lớn mà ở các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Quảng Ninh, lượng người đăng ký tiêm Vero Cell, Sinopharm khá đông. Ngày 13/8, thông tin từ công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, đã có hơn 110.000 người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn đăng ký tiêm vắc xin Vero Cell của Sinopharm. Hiện số lượng người đăng ký tiêm vắc xin này chiếm khoảng 60% so với tổng số lao động tại các khu công nghiệp.

Còn tại Quảng Ninh, đa số người dân Quảng Ninh đều bày tỏ mong muốn nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt để có thể quay về cuộc sống như trước kia. Không phải đắn đo lựa chọn vắc xin gì, với một số người dân Quảng Ninh, việc tiêm vắc xin Trung Quốc còn được một số đông dân Quảng ninh ưa chuộng. Một ví dụ điển hình đó là Hoa hậu Văn hóa Thế giới 2017 Trần Ngọc Trâm, cả gia đình cô đã hoàn thành mũi 2 tiêm vắc xin Sinopharm. Theo hoa hậu, “Việc tiêm vắc xin giúp cho chúng tôi nếu chẳng may có nhiễm bệnh thì vẫn còn cơ hội sống và không phải tới bệnh viện nằm phòng hồi sức tích cực canh tới lượt mình được chạy máy thở. Như vậy cũng là giảm được phần nào gánh nặng cho ngành y tế đang phải chật vật như hiện nay”.

Để công khai thông tin về hiệu quả của các loại vắc xin, tránh tình trạng cân nhắc lựa chọn vắc xin và tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng tình hình để chống phá công cuộc chống dịch của Nhà nước, Bộ Y tế đã có văn bản giải thích rộng rãi về công dụng của 7 loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt nằm trong danh sách vắc xin sử dụng khẩn cấp để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Những loại vắc xin này được nhiều nước trên thế giới đưa vào sử dụng trong tiêm chủng.

Một số ý kiến của các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, so sánh hiệu quả của vắc xin của một số cá nhân chỉ mang số ít, đồng thời là tuyên bố không căn cứ khoa học.

Thông tin từ Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, hiệu quả bảo vệ các loại vắc xin hiện Việt Nam đã và đang nhập khẩu dao động quanh mức 75%-95%, có nghĩa những người được tiêm vắc xin sẽ giảm 75%-95% triệu chứng bệnh phải nhập viện. Đồng thời, hầu hết các vắc xin đều có hệ số bảo vệ 98%-100% trước nguy cơ tử vong. Do vậy, những dòng vắc xin mà Việt Nam đang nhập về đều có hiệu quả bảo vệ tốt chống lại Covid-19. Cũng theo Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, mặc dù hiệu quả của vắc xin còn phụ thuộc nhiều vào chính sách cách ly, tuy nhiên thực tế tại nhiều nước, sau khi tiêm vắc xin cho hơn 60% dân số thì số lượng người mắc Covid-19 giảm một cách đáng kể, không phân biệt tiêm loại nào; tỷ lệ người tử vong trên số lượng người mắc giảm mạnh so với trước khi tiêm.

Cùng quan điểm, TS Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết, hiện nay có 7 loại vắc xin được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Các dữ liệu cho thấy, hầu hết vắc xin có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa diễn biến bệnh trở nặng do nhiễm Covid-19. Vì vậy, theo TS Kidong Park, “Hãy tiêm bất kỳ loại vắc xin nào có sẵn khi đến lượt”. Đó cũng là thông điệp của WHO.

Trên diễn đàn Mặt trận phòng chống diễn biến hòa bình, nhiều thành viên đã tìm hiểu và chỉ ra rằng, hầu hết những đối tượng phản đối vắc xin là những đối tượng thiếu hiểu biết hoặc lười lao động, có nhiều đối tượng thường xuyên câu kết với một số tổ chức phản động chống đối Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, một khuyến cáo đặt ra ở đây là khi tiếp nhận thông tin thì nên phân tích, kiểm chứng; đặc biệt trước những thông tin trái chiều, cần có một thái độ nghiêm túc và thận trọng khi chia sẻ, tránh vô tình đưa mình vào đối tượng vi phạm.

Trí Việt