Công nghệ thông tin là công cụ hữu ích để phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả

Xã hội - Ngày đăng : 19:44, 14/08/2021

(TN&MT) - Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế khi trả lời báo chí về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế

PV: Trước kia, khi nhắc đến công nghệ thông tin, người ta thường nghĩ đến máy tính, internet. Vậy công nghệ thông tin trong y tế là gì và nó giúp ích gì cho ngành y tế, thưa ông?

Ông Nguyễn Trường Nam: Công nghệ thông tin chính là bước đột phá của khoa học kỹ thuật, nó tác động và giúp thay đổi mọi lĩnh vực trong đời sống của con người một cách toàn diện, trong đó có ngành y tế.

Với việc áp dụng công nghệ thông tin, ngành y tế hiện nay đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc vận hành hệ thống khám chữa bệnh, trong công tác khám chữa bệnh và quản lý bệnh nhân cũng như các hoạt động của cơ sở y tế thông qua hệ thống phần mềm về quản lý bệnh viện; khám chữa bệnh từ xa; bệnh án điện tử.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình khám chữa bệnh đã giúp người dân đơn giản hóa các thủ tục, giảm thời gian chờ đợi, đồng thời giúp đội ngũ y bác sĩ dễ dàng truy xuất thông tin, bệnh án của người bệnh để có phương án chăm sóc sức khỏe tối ưu. Với hồ sơ bệnh án điện tử, bác sĩ đã nắm được tiền sử bệnh tật của người bệnh thông qua việc kết nối với hồ sơ quản lý sức khỏe của mỗi người, giúp quá trình tìm kiếm thông tin của người bệnh thuận lợi, chính xác và quan trọng là không mất nhiều thời gian truy lục như trước đây. Bác sĩ chỉ mất thời gian rất ngắn để truy cập bệnh án người bệnh, từ đó có đầy đủ thông tin về người bệnh và đưa ra giải pháp điều trị kịp thời.

Trong xu hướng hiện nay, công nghệ thông tin trong y tế ngày càng được quan tâm, hỗ trợ cho các y bác sĩ trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn. Đồng thời, giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế nhanh nhất, hiệu quả nhất.

PV: Trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát ở Việt Nam thì việc ứng dụng công nghệ thông tin có tầm quan trọng như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Trường Nam: Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, bên cạnh việc thực hiện quy tắc 5K + vắc xin, việc ứng dụng công nghệ thông tin được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi dịch bệnh.

Khi truy vết các ca nhiễm trong cộng đồng, nếu truy vết theo phương thức truyền thống là điều tra dịch tễ các ca F0 đi đâu, làm gì trong 14 ngày vừa qua thì sẽ mất rất nhiều thời gian và có những lúc thông tin khai báo không chính xác, gây khó khăn trong công tác truy vết. Đặc biệt, với sự lây lan nhanh chóng của chủng virus Delta như hiện nay, nếu chúng ta chậm chạp trong công tác truy vết để khoanh vùng thì chúng ta sẽ luôn phải chạy theo dịch.

Do đó, việc sử dụng công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng, giúp nhanh chóng truy vết, khoanh vùng dập dịch. Thông qua các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần; hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng bằng quét mã QR thì khi có ca F0, chúng ta nhanh chóng có được thông tin dữ liệu của các trường hợp mắc COVID-19 trong vòng 14 ngày qua. Từ đó, truy vết, thông báo cho các đối tượng liên quan là F1, F2 và những khu vực nguy cơ để chủ động phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, trong công tác lấy mẫu xét nghiệm, nếu chúng sử dụng phương pháp truyền thống thì sẽ tốn thời gian trong việc tổ chức lấy mẫu diện rộng cũng như khi trả kết quả cho người dân. Khi ứng dụng công nghệ thông tin thì chúng ta có thể thực hiện việc này nhanh chóng và đơn giản hóa các thủ tục. Người dân có thể chủ động khai báo thông tin trên ứng dụng, đến các điểm xét nghiệm cũng như nhận kết quả nhanh chóng.

Nhìn chung, trong công tác phòng chống dịch, khi ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả và phù hợp sẽ giúp cơ quan y tế hoặc lực lượng chức năng dễ dàng truy vết, khoanh vùng, dập dịch khi có mối nguy cơ F0 trong cộng đồng. Đồng thời, giúp người dân chủ động theo dõi, nắm rõ tình hình dịch bệnh; tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ lây nhiễm.

Hội chuẩn, khám chữa bệnh từ xa

PV: Thời gian qua, Bộ Y tế đã hỗ trợ các địa phương như thế nào trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt tại ba tỉnh Tổ hỗ trợ của Bộ Y tế đang quản lý là Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long?

Ông Nguyễn Trường Nam: Đánh giá cao vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, Bộ Y tế đã có một số văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các bộ giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch trong thời kỳ mới. Song song với đó, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra nhiều giải pháp tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện nhằm triển khai nhanh chóng, thống nhất.

Qua thực tiễn, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng đem lại những giá trị nhất định trong phòng chống dịch của các tỉnh trên cả nước. Đối với các tỉnh miền Tây, đặc biệt là 3 tỉnh mà Tổ công tác đang thực hiện hỗ trợ trực tiếp tại địa bàn là Đồng Tháp, Vĩnh Long và An Giang, đây là các địa bàn có nguy cơ cao, được xếp hạng thứ 5, thứ 14 và thứ 18 trên cả nước về mức độ nguy cơ. Như vậy, nếu chúng ta không nhanh chóng dập dịch cũng như phòng chống dịch hiệu quả thì sẽ bị kéo dài, thậm chí là bùng phát dịch với số lượng ca mắc lớn.

Chính vì vậy, Tổ công tác đang tăng cường hỗ trợ cho các địa phương trong các hoạt động như: Tổ chức truy vết để nhanh chóng khoanh vùng được các ca F0 trong cộng đồng; lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng, quy mô lớn; đẩy mạnh công tác tiêm chủng.

Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp cho công tác triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn hiệu quả và nhanh chóng. Người dân có thể dễ dàng đăng ký tiêm vắc xin COVID-19 bằng hình thức trực tuyến mà không phải đến cơ sở tiêm chủng, các thông tin khai báo được tiếp nhận nhanh nhất, tránh thất lạc, trùng lặp thông tin. Chúng ta có thể theo dõi thực bao nhiêu người đăng ký tiêm chủng; từng liều vắc xin được chuyển đến các điểm tiêm; tiêm cho bao nhiêu người, còn lại bao nhiêu người chưa tiêm, bao nhiêu liều vắc xin còn lại.

Ngoài ra, còn một số bộ giải pháp khác như hệ thống quản lý điều hành, phân tích, thống kê, báo cáo phân tích dịch và nguy cơ để giúp cho địa phương có thông tin dữ liệu kịp thời, chủ động trong công tác phòng chống dịch, cũng như đôn đốc, thúc đẩy các địa phương đánh giá các mức độ an toàn COVID-19 tại cơ sở của mình. Từ đó, thiết lập ra các “vùng xanh”, “vùng cam”, “vùng đỏ” trên bản đồ để nhận diện được nguy cơ, phục vụ cho công tác điều hành và để người dân có thể theo dõi, chủ động phòng chống dịch.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Hoàng Ngân (lược ghi)