TP Hải Dương: Mua bán đất nông nghiệp và chiêu trò hợp thửa xây dựng nhà vườn sinh thái

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 15:38, 14/08/2021

(TN&MT) - Những năm trước đây, do buông lỏng quản lý đất đai và xây dựng, xã An Thượng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương có hàng chục công trình xây dụng trái phép trên đất nông nghiệp. Vi phạm cũ chưa xử lý triệt để thì mới đây việc mua bán đất nông nghiệp, gom thửa nhỏ thành thửa lớn đầu tư xây dựng mô hình nhà vườn sinh thái đã làm nóng lên dư luận trong cán bộ và nhân dân ở An Thượng.

Đất chuyển đổi biến tướng thành nhà vườn sinh thái?

Thời gian gần đây, tại khu dân cư số 1 xã An Thượng, TP Hải Dương trên vùng đất chuyển đổi chuyên trồng cây lâu năm và nuôi thủy sản đột nhiên có một khuôn viên rộng hơn 4.000m2, một khu nhà mái ngói rộng khoảng 80m2 mọc lên. Khuôn viên được xây tường bao xung quanh, xây kè lan can quanh ao, san gạt, thay đổi hiện trạng đất, trong khuôn viên đang trồng nhiều cây xanh. Rõ ràng nơi đây đang hình thành một nhà vườn sinh thái. Việc hàng chục hộ dân xây nhà ở, xưởng sản xuất trên đất nông nghiệp ở xã An Thượng trước đây chưa lắng xuống thì giờ chính quyền lại cho phép người dân san lấp, xây dựng công trình theo mô hình nhà vườn với quy mô hàng nghìn m2 trên đất nông nghiệp làm mọi người không khỏi ngỡ ngàng, bức xúc.

Nhà vườn đang hoàn thiện ở KDC số 1, xã An Thượng

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về sự việc này, ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Thượng và cán bộ chuyên môn của xã cho biết: Khuôn viên vừa xây dựng thuộc hai phần đất nông nghiệp giáp nhau của hộ ông Nguyễn Xuân Hán và bà Vũ Thị Sau. Bà Sau có địa chỉ thường trú tại khu dân cư số 1, xã An Thượng được UBND TP Hải Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2017 gồm 5 thửa, trong đó có 2 thửa trong vùng chuyển đổi, tổng diện tích 914 m2 đất trồng cây lâu năm, nuôi thủy sản. Ông Hán cùng địa chỉ cũng được UBND TP Hải Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2017 gồm 6 thửa, trong đó có 3 thửa nằm trong vùng chuyển đổi, tổng diện tích 1.167 m2 đất trồng cây lâu năm, nuôi thủy sản. Những thửa đất trong vùng chuyển đổi của ông Hán, bà Sau nằm cạnh nhau. Trên phần đất này, ông Hán, bà Sau được phép làm nhà trông coi, diện tích không quá 20m2 theo quy định.

Ngoài diện tích chuyển đổi trên, ông Hán, bà Sau còn hợp đồng thuê khoán diện tích đất công điền của xã để sản xuất nông nghiệp, phần đất tiếp giáp với mỗi nhà tổng diện tích khoảng 2.000m2. Tuy nhiên hợp đồng thuê đất khoán thầu đã hết hạn từ năm 2020.

Theo UBND xã An Thượng, từ tháng 5-2021, phát hiện gia đình bà Sau đào sửa bờ ao, nên yêu cầu gia đình muốn làm gì phải xin phép. Ngày 20-5-2021, hai gia đình có đơn xin kè lại bờ ao và xây dựng tường rào. Ngày 5-6, hai gia đình lại tiếp tục có đơn xin xây dựng lại nhà trông coi do xây dựng lâu ngày đã xuống cấp.

Khi hỏi văn bản xã cho phép hai gia đình ông Hán, bà Sau xây dựng nhà, xây tường bao, sửa ao thì UBND xã An Thượng không có văn bản nào. Ông Nguyễn Văn Bích, cán bộ công chức địa chính cho biết, xã chỉ cho phép bằng… miệng?

Nhà rộng 80 m2 được xây ghép từ 2 nhà trông coi

Quan sát toàn bộ công trình cho thấy người đầu tư đã tính toán quy hoạch, xây dựng khá tinh vi thành một nhà vườn. Để hợp lý hóa theo pháp luật quy định hai nhà trông coi của hai hộ được xây so le gần nhau, cách nhau 2 m, nhưng mái nhà được lợp nối liền, hai nhà gồm hai phòng ngủ, một phòng khách, phía sau cơi nới thành một công trình phụ khang trang bao gồm phòng bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh liên hoàn. Tổng thể hai nhà ghép lại, liền mái thì đây đã biến tướng thành một nhà vườn với đầy đủ công năng, có tường bao quanh, ao của hai hộ được hợp nhất làm một, có cả sân đỗ ô tô rộng rãi.

Theo thông tin chúng tôi nắm được thì hai hộ này đã bán phần đất nông nghiệp của mình cho một người ở TP Hải Dương. Hai hộ đã nhận gần đủ tiền và giao giấy tờ cho bên mua đi làm thủ tục chuyển nhượng.

Về việc mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp ở công trình này, lãnh đạo UBND xã An Thượng cho biết, đến nay xã chưa nhận được thông tin, thủ tục hồ sơ, giấy tờ của hai hộ mua bán, chuyển nhượng trên diện tích này.

Còn nhiều sai phạm phải xử lý

Theo Quyết định 1654 ngày 3-7-2007 của UBND tỉnh Hải Dương, diện tích đất chuyển đổi chỉ được làm nhà trông coi không quá 20m2. Làm việc với ông Nguyễn Văn Bích, cán bộ công chức địa chính xã được biết, qua kiểm tra cho thấy, hộ gia đình bà Vũ Thị Sau xây nhà cấp 4 lợp mái diện tích 26,8m2, vượt quy định 6,8m2, hộ gia đình nhà ông Nguyễn Xuân Hán xây nhà cấp 4 liền kề diện tích 27,2m2, vượt quá 7,2 m2 so với quy định. Ngày 21-7-2021, UBND xã An Thượng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ bà Vũ Thị Sau và ông Nguyễn Xuân Hán về hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất với diện tích 14m2, mức phạt 3 triệu đồng/hộ.

Đối với diện tích đất công điền nằm sát diện tích chuyển đổi của hộ ông Hán và hộ bà Sau, hiện đã hết thời gian nhận thầu và hai hộ dân này chưa được UBND xã An Thượng cho thuê tiếp. Việc tự ý san gạt đất công điền, xây tường bao là không đúng quy định của pháp luật.

Qua tìm hiểu thực tế và làm việc với ông Nguyễn Văn Bích, cán bộ công chức địa chính xã thì khu nhà này không chỉ xây dựng vượt diện tích nhà trông coi 14 m2 như UBND xã đã xử phạt mà còn xây dựng một khu nhà bếp, nhà vệ sinh khép kín, có diện tích 18m2. Phần hành lang giáp 2 nhà được sử dụng chung mái có diện tích khoảng 8m2. Như vậy, phần xây dựng vượt quy định, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng không phải 14m2 mà tới 40 m2. Vậy là còn khoảng 26 m2 vi phạm tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất của hai hộ này nhưng UBND xã An Thượng không xử phạt vi phạm hành chính?

Nhà xây trên đất nông nghiệp ở An Thượng to như biệt thự

Theo ý kiến của nhiều người dân ở đây, cùng sai phạm về đất đai và xây dựng, chính quyền xã An Thượng có việc làm quyết liệt, có việc lại coi nhẹ. Đó là việc người dân thôn Trà Tân san lấp mở rộng sân chơi thể thao cho mọi người, song lãnh đạo xã tới chỉ đạo quyết liệt, cho dừng ngay việc san lấp vì công trình chưa xin phép. Hay việc người dân ở khu dân cư số 1 đã đóng cọc ấp trúc đất mở rộng một ngã ba nhưng chưa xin phép, lãnh đạo xã nhanh chóng chỉ đạo cho máy xúc đi toàn bộ đất người dân đã đắp bồi. Rồi việc hoàn thiện mặt trước nhà ông Phùng Văn Dự, việc xây dựng xưởng cơ khí trên đất nông nghiệp của gia đình ông Nguyễn Văn Lượng cùng ở thôn Trà Tân thì chính quyền xã An Thượng rất kiên quyết, yêu cầu tháo dỡ.

UBND xã thực hiện kiên quyết với những việc làm trái phép của một số tập thể, cá nhân như vậy, thế nhưng khuôn viên nhà vườn sinh thái mới xây dựng hoánh tráng thì lãnh đạo xã An Thượng, ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch UBND xã lại xem nhẹ. Người dân đặt câu hỏi vì sao lãnh đạo xã An Thượng việc thì nghiêm túc, việc lại nới lỏng, bỏ qua?.

Việc xây nhà trông coi có nhiều vi phạm, xây dựng quá diện tích cho phép và san gạt, xây tường bao, thay đổi hiện trạng đất công điền không đúng quy định, việc mua bán đất nông nghiệp, biến tướng xây dựng nhà vườn trên đất của gia đình ông Hán, bà Sau đề nghị UBND TP Hải Dương, các ngành chức năng cần kiểm tra xác minh làm rõ và xử lý nghiêm.

Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin về sự việc này.

Trần Tuấn