“Ai ở đâu thì ở đó” – Những quyết sách quyết liệt của TP. Đà Nẵng
Xã hội - Ngày đăng : 12:47, 14/08/2021
Đà Nẵng những ngày này trái với vẻ im lìm, tĩnh lặng hiếm thấy ngoài phố là những cơn “bão lòng” khi bão Covid-19 một lần nữa lại “ập đến”. Chỉ hơn vỏn vẹn một tháng tính từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng đã ghi nhận 1.613 ca mắc Covid-19. Trong đó chuỗi lây nhiễm liên quan đến cảng cá Thọ Quang và chợ đầu mối Hòa Cường được giá là có nguy cơ lây nhiễm cao.
Trên bản đồ dịch tễ của thành phố đã có hơn 44 điểm cách ly y tế. Những điểm ký hiệu có ca nhiễm, điểm đỏ của chốt kiểm soát hiện lên dày đặc trên bản đồ, rất khó để tìm điểm xanh an toàn chưa có dịch bệnh xâm nhập.
Mỗi ngày đi trên phố, nhìn phố xá giăng dây khắp nơi từ nhà ra ngõ, tiếng còi xe cứu thương vội vã, những đợt xét nghiệm cộng đồng liên tục… cuộc sống của người dân Đà Nẵng đã thực sự bị xáo trộn. Vậy mà với biến chủng mới, tốc độ lây lan và mức độ nguy hiểm đến tính mạng con người ngày một cao hơn.
Đà Nẵng sẽ thực hiện phong toả thành phố trong 7 ngày từ 8h ngày 16/8 |
Và chính quyền Đà Nẵng đã quyết định “phong thành” từ 8 giờ 00 phút ngày 16/8 đến 8 giờ 00 ngày 23/8 dừng tất cả các hoạt động, theo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, người dân không được ra khỏi nhà, thực hiện cách ly tuyệt đối nhà với nhà.
Các cơ quan, công sở, đơn vị giảm tối đa số lượng người làm việc tại trụ sở, chỉ cử người ở lại làm những công việc thật sự cần thiết, các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao được phép hoạt động và chỉ được tối đa 30% số lượng người lao động tại đơn vị; tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải đảm bảo tổ chức “3 tại chỗ”.
Và cũng như mọi khi, cùng với những giải pháp kịp thời, người dân Đà Nẵng đang trong tâm thế bình tĩnh, kiên cường bước vào “trận chiến” Covid-19 mới.
Người dân tranh thủ mua lương thực dự trữ trong thời gian thực hiện giãn cách |
Chị Lưu Hương Thơm, trú đường Phan Châu Trinh, phường Nam Dương, quận Hải Châu, Đà Nẵng chia sẻ: Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định này của chính quyền thành phố. Dẫu biết sẽ có nhiều khó khăn phía trước đối với những hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó, người lao động buôn bán nhỏ lẻ… Thế nhưng, nếu không quyết liệt thì dịch bệnh cứ dai dẳng, tiềm ẩn mãi trong cộng đồng, dịch bệnh sẽ rất khó được kiểm soát. Chưa nói đến áp lực của đội ngũ y tế, công an, quân đội đang ngày đêm bám chốt để bảo vệ sự bình yên của thành phố.
Để có được sự đồng thuận này chính bởi chắc ít có nơi nào chính quyền địa phương vừa chạy đôn chạy đáo vừa phòng dịch, vừa lo lương thực thực phẩm cho hàng vạn người dân như ở khu vực cách ly Sơn Trà (Đà Nẵng). Cán bộ cơ sở làm việc hết công suất, căng mình lo điều phối nguồn thực phẩm đặt mua từ siêu thị, từ các nhà cung ứng để giao cho người dân. Rồi tiếp nhận, phân chia các nguồn hàng cứu trợ từ các tấm lòng thơm thảo ở khắp nơi gửi về.
Đà Nẵng cũng dành hẳn kinh phí 100 tỷ đồng để hỗ trợ 40 ngàn đồng/ngày/người cho người dân 5 phường của quận Sơn Trà đang phong toả. Để tiền hỗ trợ sớm đến tay người dân với tinh thần không quá 5 ngày kể từ khi bị cách ly, cán bộ của phường và tổ dân phố đã chia nhau đến từng khu dân cư trao trực tiếp cho bà con. Không ít bà con khi cầm tiền trên tay vẫn ngỡ ngàng đến không tin nổi bởi mọi người hay trêu nhau về các khoản tiền hỗ trợ liên quan đến dịch bệnh là “lên tivi mà nhận”….
Với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, chủ động trong mọi tình huống, Đà Nẵng cũng đã có sự chuẩn bị kỹ càng trước ngày “phong thành”. Từ tối ngày 13/8, UBND thành phố ban hành Thông báo số 425/TB-VP yêu cầu UBND các quận, huyện nhanh chóng rà soát, lập danh sách các hộ gia đình thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các hộ có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc làm tạm thời cụ thể theo từng phường, xã, gửi Sở LĐ,TB&XH để phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan thực hiện hỗ trợ, trên tinh thần ưu tiên hỗ trợ trước đối với các hộ gia đình thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thực phẩm được vận chuyển đến trụ sở UBND các phường thuộc khu vực phong toả để phân phối về cho người dân |
Ở các khu dân cư khẩn trương thành lập Tổ hỗ trợ lương thực, thực phẩm và hàng hoá thiết yếu cho nhân dân.
Để chủ động xây dựng phương án cung ứng lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn trong thời gian thực hiện giãn cách, UBND các quận, huyện liên hệ với các doanh nghiệp đầu mối cung ứng hàng hóa thiết yếu, theo danh sách doanh nghiệp do Sở Công Thương cung cấp và doanh nghiệp trên địa bàn quận, huyện, để đặt hàng theo yêu cầu của người dân và nhận hàng, phân phối cho người dân theo phương án đã xây dựng và triển khai thực hiện.
UBND thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn thành phố khẩn trương gửi đăng ký tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu về cho Sở Công Thương để tổng hợp, gửi UBND các quận, huyện để đăng ký đặt hàng và gửi UBND thành phố để báo cáo. Các doanh nghiệp gửi đăng ký lưu ý cung cấp danh sách mặt hàng, cam kết tăng năng lực cung ứng, nhân viên, phương tiện vận chuyển, địa bàn ưu tiên phục vụ…
Những nỗ lực quyết tâm của chính quyền Đà Nẵng cùng sự đồng thuận của người dân, tin rằng, dịch bệnh sớm đi qua, thành phố nơi đầu biển cuối sông sẽ sớm trở lại những ngày bình yên.
|