Kiểm soát nồng độ bụi mịn giúp tăng tuổi thọ trung bình của người dân Thủ đô
Môi trường - Ngày đăng : 17:47, 12/08/2021
Nồng độ bụi PM2,5 ở Hà Nội vượt ngưỡng quy chuẩn
Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh (ĐH Công nghệ) cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, nồng độ bụi PM2,5 trên toàn thành phố Hà Nội vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia.
Cụ thể, nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm của các quận, huyện và thị xã nằm trong khoảng 28,15 µg/m³ đến 39,4µg/m³. Các quận nội thành Hà Nội: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng có nồng độ PM2,5 cao nhất - đây là những khu vực tập trung đông dân cư, có mật độ dân số và giao thông cao, nhiều hoạt động kinh tế xã hội. Các huyện ngoại thành có nồng độ bụi PM2,5 thấp hơn.
|
Nghiên cứu cũng chỉ ra gánh nặng bệnh tật liên quan đến tử vong và nhập viện do phơi nhiễm với bụi PM2,5 tại Hà Nội năm 2019, trong đó: Số ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2,5 là 2.855 ca, tương đương khoảng 35,5 ca tử vong sớm trên 100.000 dân;
Tổng số năm sống bị mất của người dân Hà Nội do tử vong vì những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí là 79.933 năm; Kỳ vọng sống bị mất đi do phơi nhiễm với bụi PM2,5 là 908 ngày, tức là 2,49 năm tuổi. Ví dụ, tuổi thọ bình quân của người Hà Nội hiện nay khoảng 79 tuổi, nếu không vì ô nhiễm bụi mịn, tuổi thọ của họ phải là 81,49 tuổi...
Đáng chú ý, các quận như Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng có tỷ suất tử vong cao do những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí so với các quận/ huyện khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nỗ lực kiểm soát chất lượng không khí
Bên cạnh thực trạng về gánh nặng bệnh tật, nghiên cứu đã nêu rõ những lợi ích sức khỏe nếu nồng độ bụi PM2,5 trên địa bàn Hà Nội năm 2019 được kiểm soát. Theo TS Nguyễn Thị Trang Nhung, thành viên nhóm nghiên cứu đến từ Trường đại học Y tế công cộng, nếu nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm 2019 tại Hà Nội được kiểm soát ở mức 25 µg/m3 (QCVN 2013), số ca tử sớm do ô nhiễm đã tránh được là 2.575 ca; Hà Nội tránh được tổng số 71.613 năm sống bị mất và kỳ vọng sống đã có thể tăng lên 812 ngày, tức là khoảng 2,22 năm tuổi.
Lợi ích sức khoẻ nếu ô nhiễm không khí được kiểm soát tại Hà Nội |
Mặt khác, nếu nồng độ bụi PM2,5 tại Hà Nội năm 2019 được kiểm soát ở mức 10 µg/m3 (mức khuyến cáo của WHO), số ca tử vong sớm do ô nhiễm đã tránh được là 4.222 ca. Như vậy, kỳ vọng sống của người dân Hà Nội có thể tăng lên 3,88 năm và tránh được 123.103 năm sống bị mất…
“Kết quả nghiên cứu này nhằm củng cố các bằng chứng khoa học cho thấy tác động của ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 đến sức khỏe cộng đồng. Từ đó nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về quản lý và cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Các hoạt động đánh giá chất lượng không khí cần được mở rộng, đồng thời các chính sách nhằm cải thiện chất lượng không khí cũng cần được hoạch định và triển khai kịp thời”, TS Nhung nhấn mạnh.
Về phía chính quyền, bà Lê Thanh Thủy, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho biết, những năm qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực cải thiện chất lượng không khí của thành phố. Đặc biệt là trong vòng 3 năm qua, thành phố đã ban hành nhiều Chỉ thị nhằm kiểm soát chất lượng không khí, giảm thiểu việc đốt rơm rạ và sử dụng bếp than tổ ong. Đến thời điểm hiện tại, thành phố đã thu được nhiều kết quả khả quan như: Lượng bếp than đã giảm; hiện tượng đốt rơm rạ hầu như không còn; ý thức bảo vệ môi trường không khí của người dân được cải thiện…
“Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đưa ra chính sách, triển khai các chương trình nhằm cải thiện chất lượng không khí Thủ đô. Ngay trong năm 2021, UBND thành phố đã giao Sở TN&MT Hà Nội phối hợp với các tổ chức, nhà khoa học xây dựng kế hoạch hành động về quản lý chất lượng không khí thành phố”, bà Thuỷ cho biết thêm.