Mường Ảng (Điện Biên): Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Môi trường - Ngày đăng : 16:33, 12/08/2021
Hiện nay, huyện Mường Ảng có trên 13.600 ha đất có rừng với trên 12.142 ha rừng tự nhiên, trong đó trên 12.755 ha được chi trả dịch vụ môi trường rừng, tương ứng với số tiền được chi trả trên 5 tỷ đồng. Được nhận khoản tiền chi trả DVMTR với mức cao gấp nhiều lần so với trước đây, đã góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng và phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Ông Đỗ Tiến Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Ảng cho biết: Những năm qua, chính sách chi trả DVMTR đã từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn gắn bó và trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, các cấp, ngành cho nên việc chi trả DVMTR góp phần lớn vào công tác bảo vệ rừng. Tiền DVMTR được chi trả công khai, minh bạch, đúng đối tượng, người dân sử dụng có hiệu quả.
Từ năm 2018 được nâng mức chi trả tiền DVMTR là động lực để người dân tích cực tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng |
Từ khi triển khai thực hiện chính sách, không những giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ, PCCCR, mà còn góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập. Ngoài việc chi cho công tác bảo vệ rừng, làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, các xã còn sử dụng tiền DVMTR mua trang thiết bị cho tổ công tác, cây giống cho người dân, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người dân vì thế rừng không còn bị phá, diện tích được tăng lên.
Từ năm 2018 mức chi trả tiền DVMTR trên địa bàn huyện Mường Ảng được nâng lên 400 nghìn đồng/ha/năm, từ đó người dân ngày càng tham gia nhiều vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Nhiều cộng đồng thôn, bản đã xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng, đời sống của người dân trong thôn được cải thiện, đặc biệt, không còn tình trạng phá rừng làm nương, vì người dân hiểu được nguồn lợi từ rừng mang lại. Người dân đã mặn mà hơn với việc bảo vệ và phát triển rừng
Trước đây công tác bảo vệ rừng ở các địa phương gặp nhiều khó khăn, nhưng từ khi mức chi trả dịch vụ môi trường rừng được nâng lên, như tại xã Ẳng Cang, toàn xã có trên 1.623 ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền DVMTR năm 2020 xã được nhận là hơn 649 triệu đồng. Toàn bộ số tiền đó được chi trả trực tiếp cho các chủ rừng, trong đó phần lớn các chủ rừng là cộng đồng các bản. Mỗi khi được nhận tiền DVMTR, các bản đều trích một số tiền nhất định để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, trách nhiệm giữ rừng của người dân nói chung, các tổ, đội bảo vệ rừng nói riêng được nâng lên, nhất là trách nhiệm của bà con trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng.
Người dân huyện Mường Ảng tích cực phát triển rừng bằng việc trồng và khoanh nuôi tái sinh. |
Bên cạnh đó, không chỉ thực hiện tốt việc bảo vệ rừng, người dân huyện Mường Ảng cũng đang tích cực phát triển rừng bằng việc trồng và khoanh nuôi tái sinh, nhằm tăng diện tích, nâng cao độ che phủ rừng ở địa phương. Việc phát triển rừng hiện nay không đơn thuần được hưởng lợi về môi trường rừng, mà còn được hưởng lợi ích kinh tế trực tiếp bằng tiền từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng và một số nguồn hỗ trợ khác về bảo vệ, phát triển rừng.
Để chính sách chi trả DVMTR tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, thời gian tới, huyện Mường Ảng tiếp tục tập trung tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp, Nghị định 156/2018/NĐ-CP đến người dân, đặc biệt là các cộng đồng thôn bản, hộ gia đình được giao trách nhiệm bảo vệ rừng để nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Vì vậy có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR không những giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ, PCCCR, mà còn góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó với nghề rừng.