PV Power nỗ lực tìm kiếm, lựa chọn những đối tác tốt nhất cho Nhơn Trạch 3&4

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 15:40, 12/08/2021

(TN&MT) - Với mục tiêu vận hành thương mại lần lượt các tổ máy của Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 vào năm 2023 và 2024, áp lực lên chủ đầu tư Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, mã CK: POW) trong việc tìm kiếm các đối tác tốt nhất cho dự án là không hề nhỏ.

Thành lập năm 2007, PV Power hiện là doanh nghiệp sản xuất điện có công suất đặt 4.205MW, chiếm khoảng 10% công suất đặt toàn hệ thống nhưng đóng góp trung bình hàng năm khoảng 21 tỷ kWh, chiếm từ 11-12% tổng hệ thống điện quốc gia. Hoạt động trong lĩnh vực Điện, là một trong 5 lĩnh vực chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ngay từ những ngày đầu, PV Power đã chú trọng vào việc phát triển điện khí để tận dụng lợi thế từ nền tảng sẵn có của Tập đoàn.

Các nhà máy điện khí của PV Power luôn được đầu tư với những công nghệ tối tân nhất tại thời điểm xây dựng. Thực tế cho thấy, các nhà máy điện khí của PV Power luôn được đánh giá là hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả, thân thiện môi trường và mang lại nhiều lợi nhuận cho Tổng công ty.

Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 2

Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung khí trong nước suy giảm nhanh, các mỏ mới có chi phí phát triển cao, quá trình đàm phán giá khí thường kéo dài, trong khi đó nhu cầu sử dụng khí ngày càng tăng. Để sẵn sàng cho nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng đất nước, PV Power đã đón đầu xu thế bằng việc chuyển sang xúc tiến đầu tư các dự án điện sử dụng nhiên liệu LNG nhập khẩu mà tiêu biểu là Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 (Dự án Nhơn Trạch 3&4).

Dự án được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2019, Bộ Công Thương thẩm định Thiết kế cơ sở năm 2020, PV Power phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng ngày 21/7/2020. Đây là dự án nhà máy điện sử dụng LNG nhập khẩu có công suất lớn đầu tiên tại Việt Nam, mang trọng trách vô cùng to lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng đất nước, đặc biệt là tại khu vực miền Nam. Khi đưa vào vận hành, dự kiến sản lượng điện hàng năm của Dự án đạt 4,5 tỷ kWh/nhà máy.

Hiểu rõ được tầm quan trọng của Dự án, PV Power đã đặt ra mục tiêu xây dựng nhà máy với tiến độ nhanh nhất, công nghệ hiện đại nhất, đảm bảo an toàn để sớm đưa dự án đi vào hoạt động. Trong đó, việc lựa chọn nhà thầu cho gói thầu EPC của dự án đóng vai trò tiên quyết. Do vậy, Hồ sơ mời thầu (HSMT) được lập theo nguyên tắc đảm bảo tính công khai, cạnh tranh, minh bạch với sự tư vấn đến từ các chuyên gia hàng đầu là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) và Tư vấn Fitchner (Liên bang Đức). Cùng với đó, HSMT được lập và thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đấu thầu cũng như các quy định khác của pháp luật.

Ngoài ra, từ kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý, vận hành bảo dưỡng các Nhà máy điện khí hiện hữu, các yêu cầu về kỹ thuật của thiết bị, phạm vi bảo dưỡng sửa chữa cũng được cập nhật vào HSMT. Các thiết bị chính được coi là “trái tim” của Dự án như Turbine, máy phát... cũng được HSMT yêu cầu rất cao về tính kiểm chứng trong thực tế để đảm bảo tính vận hành an toàn, tin cậy, hiệu quả trong tương lai. Đây là những cơ sở để đánh giá, so sánh lựa chọn nhà thầu nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho Chủ đầu tư.

Có thể thấy, PV Power đang nỗ lực hết sức để tìm kiếm được những đối tác tốt nhất và phấn đấu hoàn thành tiến độ đã đề ra của Dự án Nhơn Trạch 3&4. Đây có thể coi là yếu tố bản lề, quyết định thành công của Dự án nói riêng, công tác đầu tư phát triển các nguồn điện mới của PV Power nói chung và rộng hơn nữa là đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước trong tương lai.

PV