Bến Tre: Lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:05, 12/08/2021
Ông Lê Văn Đáo - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết: Mục tiêu của Dự án là bảo vệ, khai thác hiệu quả, phát triển bền vững nguồn nước mặt của tỉnh Bến Tre, trước tình trạng lấn chiếm đất ven các sông, hồ, kênh rạch để xây dựng nhà, hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác khoáng sản,… gây mất ổn định, sạt lở bờ, biến đổi cảnh quan, môi trường vùng ven nguồn nước.
Nhiệm vụ của Dự án là điều tra đặc điểm địa hình, địa chất, thuỷ văn, môi trường, sinh thái, diễn biến lòng dẫn, bờ sông, kênh rạch; hiện trạng sử dụng đất, hoạt động kinh tế, văn hoá xã hội khu vực ven nguồn nước; điều tra, đánh giá phân loại chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước; lập, công bố danh mục các nguồn nước lập hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định.
Bến Tre thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội |
Đánh giá về tính hiệu quả của Dự án, ông Lê Văn Đáo cho rằng, việc xác định chức năng, phạm vi hành lang bảo vệ các nguồn nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên mà còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Dự án được thực hiện sẽ không chỉ mang lại lợi ích trước mắt mà còn có hiệu quả bền vững lâu dài cho những năm tiếp theo.
Dự án tạo ra nguồn cơ sở số liệu tin cậy về hiện trạng các nguồn nước bao gồm chức năng nguồn nước, hình thái, tình hình sạt lở, lấn chiếm… và các vấn đề khác có liên quan. Dự án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho các ngành khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, đặc biệt là góp phần giải quyết nguồn nước cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của dân cư trong vùng nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao sản xuất, thúc đẩy kinh tế và giữ vững an ninh, quốc phòng.
Kết quả Dự án cho phép đánh giá được hiện trạng tài nguyên nước mặt, đồng thời phân tích đánh giá tổng hợp các hoạt động của điều kiện môi trường tự nhiên, đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội để xác định các vấn đề nổi cộm liên quan đến tài nguyên nước mặt,… Qua đó, tăng cường bảo vệ chống lấn chiếm, khai thác gây nguy cơ sạt lở, cải thiện môi trường nước và ngăn ngừa suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Về tính bền vững, Dự án nhằm bảo vệ nguồn nước và các giá trị gắn liền với nguồn nước trên địa bàn, hướng đến sự phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại địa phương. Các mục tiêu cụ thể bao gồm 3 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 3 lập hành lang bảo vệ nguồn nước cho đoạn sông có mức ưu tiên cao nhất trong danh mục đã được phê duyệt từ giai đoạn 2. Qua đó, đề xuất các phương án cắm mốc, các biện pháp để duy trì, phát triển chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đã được thiết lập.
Cũng theo ông Lê Văn Đáo, trên địa bàn Bến Tre ngoài 4 con sông lớn còn có hàng trăm con sông, rạch và kênh đào chằng chịt. Trong những năm gần đây, tỉnh đang dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp hiện đại hóa, đã làm chất lượng môi trường nước trên địa bàn ngày càng trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng xảy ra nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của hàng ngàn hộ ven sông, ven biển.
Đứng trước những áp lực và hệ quả nêu trên, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì phối hợp với cá Sở, ngành liên quan thực hiện Dự án “Xây dựng danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Bến Tre”, nhằm kịp thời bảo vệ nguồn nước và các giá trị gắn liền với nguồn nước.
“Kết quả thực hiện Dự án là cơ sở quan trọng phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre, nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Việc thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước cho các nguồn nước quan trọng trên địa bàn tỉnh sẽ được kế thừa từ kết quả của dự án này. Vì vậy, Dự án có tính bền vững cao” - ông Lê Văn Đáo nhấn mạnh.