Điện gió ngoài khơi - khai thác năng lượng xanh từ biển: Kịch bản cho lộ trình năng lượng xanh
Tài nguyên - Ngày đăng : 09:53, 12/08/2021
Hai kịch bản cho lộ trình khai thác năng lượng gió
Theo TS. Dư văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam (Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT), một trong các tác giả nghiên cứu, đệ trình Báo cáo cuối cùng Lộ trình điện gió cho Việt Nam, nằm trong chuỗi các nghiên cứu về lộ trình gió ngoài khơi do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cho biết: Việt Nam có một nguồn tài nguyên điện gió ngoài khơi dồi dào, nằm gần các trung tâm đông dân cư và trong khu vực biển tương đối nông. Việt Nam may mắn có đường bờ biển rất dài và tốc độ gió tốt. Do vậy, nếu đề ra các mục tiêu và khung chính sách phù hợp thì tiềm năng là rất lớn, khi công nghệ có thể đóng góp vào việc cắt giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường từ nguồn cung cấp điện hiện nay.
Hai kịch bản phát triển điện gió ngoài khơi được Ngân hàng Thế giới đề xuất đó là: Kịch bản tăng trưởng thấp, mở rộng phát triển điện gió ngoài khơi ở mức vừa phải, nhờ đó cung cấp 5% nhu cầu điện của Việt Nam vào năm 2035. Kịch bản tăng trưởng cao, mở rộng phát triển điện gió ngoài khơi ở mức cao, nhờ đó cung cấp 12% nhu cầu điện của Việt Nam vào năm 2035.
Cả kịch bản tăng trưởng thấp và cao đều yêu cầu các điều kiện hỗ trợ tương tự nhau, nhưng trong kịch bản tăng trưởng cao, một tầm nhìn tham vọng hơn được thiết lập với yêu cầu hành động sớm hơn. Các số liệu chính của hai kịch bản tăng trưởng này ví dụ như các chỉ số chính về phát điện, chi phí, kinh tế và phát thải. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu thực tiễn chỉ ra rằng, kịch bản tăng trưởng cao có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn nhiều với chi phí tổng thể thấp hơn. So với kịch bản tăng trưởng thấp, tăng trưởng cao sẽ dẫn đến: Giảm chi phí nhanh hơn - giảm 20% chi phí năng lượng quy đổi (LCOE) vào năm 2035. Tăng gần 4 lần số lượng việc làm địa phương và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
trTrang trại điện gió Trung Nam được khánh thành tại huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận). Ảnh: Công Thử |
Giảm hơn một nửa chi phí ròng cho người tiêu dùng
Một thị trường gió ngoài khơi lớn hơn của Việt Nam, theo kịch bản tăng trưởng cao sẽ cho phép đầu tư và tối ưu hóa chuỗi cung ứng địa phương nhiều hơn, dẫn đến xuất khẩu sang thị trường khu vực và toàn cầu. Một chuỗi cung ứng của Việt Nam lớn hơn, có năng lực hơn sẽ làm tăng hàm lượng nội địa trong các dự án, do đó giảm nhập khẩu và thúc đẩy phát triển kinh tế. Một chuỗi cung ứng địa phương lớn hơn cũng có thể làm tăng cạnh tranh và chi phí năng lượng.
Kinh nghiệm tại các thị trường điện gió ngoài khơi đi trước cho thấy, các mục tiêu dài hạn, đầy tham vọng có thể là nền tảng cho sự phát triển của ngành. Kết quả của lộ trình này chỉ ra rằng, mục tiêu 10 GW vào năm 2030 và 25 GW vào năm 2035 có thể sẽ hoàn thành. Đồng thời, hệ quả của việc tăng trưởng cao hơn là nguy cơ tác động xấu đến môi trường và xã hội cao hơn. Điều này càng đặt ra tầm quan trọng lớn hơn đối với nhu cầu xây dựng quy hoạch không gian biển và khung pháp lý về môi trường trước khi ban hành hợp đồng thuê biển.
Cần những giải pháp tích cực
Theo Cục Năng lượng Đan Mạch và WB, sau khi nghiên cứu đầu vào cho Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đã đưa ra mục tiêu công suất rõ ràng, dài hạn và tăng dần là điều kiện tiên quyết để Chính phủ điều phối chính sách và tạo niềm tin cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, từ đó thu hút đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng và công nghệ.
Đặc biệt, khung pháp lý phù hợp và Hợp đồng mua bán điện khả thi về tài chính phù hợp với thông lệ quốc tế là chìa khóa để bù lại những rủi ro thị trường mới và giúp mở cửa cho đầu tư vốn ở mức cần thiết để xây dựng một ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi chín muồi ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ngoài các khuyến nghị về cơ chế chính sách đảm bảo môi trường tốt cho việc thực hiện lộ trình phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi như các chuyên gia tham vấn, theo khuyến nghị từ Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo này, để thực hiện được lộ trình kịch bản tăng trưởng cao, rất cần Chính phủ ban hành các quy định, pháp luật, quy trình và cơ sở hạ tầng hiện có cần được cải thiện hoặc phát triển để đạt được tầm nhìn mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra.
Điều này bắt đầu bằng việc thiết lập tầm nhìn trong Kế hoạch phát triển điện thứ tám (PDP-8) và sau đó phát triển các quy trình và cơ sở hạ tầng để có thể hiện thực hóa tầm nhìn cụ thể tới năm 2050, mục tiêu đến 2030 và 2035. Tạo các quy trình hoàn thiện về mặt pháp lý như quy hoạch không gian biển, cho thuê biển, cấp phép, mua bán điện và chuỗi cung ứng. Giai đoạn 2022 - 2035 cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng truyền tải điện, hệ thống cảng đáp ứng vận hành máy móc thiết bị và chuỗi cung ứng sản phẩm lắp đặt, thay thế, nhân công và chuyên gia.
Đồng thời Ngân hàng thế giới cũng đề xuất, Chính phủ cần sớm Công bố tầm nhìn cho điện gió ngoài khơi đến năm 2050 và đặt mục tiêu cụ thể về khả năng lắp đặt điện gió ngoài khơi hàng năm đến năm 2030. Thiết lập các khu vực phát triển điện gió ngoài khơi thông qua quy hoạch không gian biển, tính đến các hạn chế về môi trường và xã hội. Thành lập các cơ quan cho thuê và cấp phép, quy trình cấp phép minh bạch và thủ tục đánh giá tác động môi trường, xã hội rõ ràng theo chuẩn quốc tế.
Chuyển sang hệ thống cạnh tranh trong việc cho thuê phát triển điện gió ngoài khơi và ký kết hợp đồng điện PPA trước năm 2026. Sửa đổi các điều khoản và điều kiện của FIT (cơ chế chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo); Gỡ bỏ các rào cản đối với đầu tư từ nước ngoài…
“Bộ Công Thương nhận thấy tiềm năng to lớn của năng lượng gió trong việc sản xuất điện sạch và tăng trưởng xanh. Vào tháng 6 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung thêm 7 GW từ các dự án điện gió mới vào quy hoạch tổng thể ngành điện của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế là phần lớn trong số 7 GW này có thể không đạt được do không chắc chắn về việc gia hạn biểu giá FiT”.
Ông Hoàng Tiến Dũng
Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương