Tội ác từ rác Online
Xã hội - Ngày đăng : 09:31, 12/08/2021
Điểm sơ sơ một số tin giả đình đám gần đây cũng phải kể đến hàng chục gạch đầu dòng. Điển hình là tin đóng cửa TP. Hồ Chí Minh; tin gần 6.000 tiểu thương ở chợ Bình Điền (TP.HCM) bị nhốt cách ly không được chăm sóc; tin về người đàn ông tự thiêu trên địa bàn phường Trường Thọ (TP. Thủ Đức) do bức xúc vì cách chống dịch của thành phố; tin 5.000 trường hợp F1 liên quan đến ca dương tính SARS-CoV-2 trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội)… Và mới đây thôi, cộng đồng mạng được một đêm dài thao thức nức nở trước tin "bác sĩ Khoa" rút ống thở từ mẹ ruột đang nguy kịch vì Covid để nhường lại sự sống cho 3 mẹ con sản phụ…
Tác động tiêu cực từ tin giả - thứ rác online nguy hại thật khó lường, gây bức xúc, hoang mang trong cộng đồng, làm ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe, tính mạng, vật chất và tinh thần của nhiều người dân; ảnh hưởng đến niềm tin vào những nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội trong cuộc chiến chống giặc Covid, ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và suy suyển niềm tin về lòng trắc ẩn trước cuộc đời.
"Bác sĩ Khoa" đưa các thông tin sai sự thật lên mạng xã hội |
Chống phá là lý do khá rõ để nhiều người nhận biết và tỉnh ngộ sau khi tin giả được xác minh. Tuy nhiên, cái đáng sợ không kém là thứ rác đạo đức ẩn khuất mà nếu nhìn ở bề mặt, chúng ta không dễ nhận thấy và vụ bác sĩ Khoa là một ví dụ. Dựng lên một câu chuyện bi thương thấm đẫm nhân văn về hành vi cao cả nhường sự sống của mẹ mình - cũng là quyền được hạnh phúc, quyền được thực hiện đức hiếu của một người con, cho một gia đình khác. Mới nghe, nhiều người không khỏi nức nở thốt lên: Ôi bác sĩ Khoa, cuộc đời này nợ anh!
Chuyện không thể tầm phào cho qua bởi đi sâu vào bản chất vấn đề sẽ thấy, kẻ dựng lên câu chuyện này ngoài mục đích thò ra một tài khoản tiếp nhận từ thiện liên quan đến cái tên Phong Lam, Minh Thy… thì có vẻ như đã hả hê trước việc lay động được khá nhiều trái tim. Những trái tim cả tin sau khi nhận chân sự thật thì niềm tin cũng đổ vỡ theo với hàng loạt câu thở than: “Than ôi lòng tốt là một thứ hiếm hoi”, “Lòng tốt là một thứ chỉ có bịa đặt trên mạng xã hội”, vv và vv.
Nếu mục đích ấy là mục đích cao nhất kẻ tung tin đặt ra thì đó là một tội ác vô cùng lớn, tội từ thiện lừa đảo và đánh cắp lòng tin của con người. Lòng nhân ái là một trong những phẩm chất cao quý nhất, không riêng gì với người Việt Nam. Nhưng trên cái nền nhân ái tươi tốt đó, những loài cây độc đã bám rễ, hút mỡ màu được tạo nên bởi lớp “mùn” nhân ái của xã hội. Kinh khủng hơn, nó lại được nhân giống và rao bán bởi những “nhà nông học có tiếng tăm”. Dù lời xin lỗi muộn màng có cất lên thì 65 triệu chủ nhân Facebook tại Việt Nam cũng đã ít nhiều bị tác động bởi thứ tội ác đội lốt lòng từ bi của vụ án lương tâm mang tên "bác sĩ Khoa". Đừng nói rằng đó chỉ là mưu cầu trục lợi. Biết đâu nó là một thứ lừa đảo đốn mạt, một thứ âm mưu phi nhân tính như đã nói trên đây.
Pháp luật đã không nương tay với những kẻ phao tin. Nhưng với người tiếp nhận thông tin thì sao? Trước đống rác online, tin cái gì, tin hay không là quyền của mỗi người, share (chia sẻ) hay không cũng là quyền của mỗi người, nhưng xử lý hay không lại thuộc về pháp luật và phán xét hay không lại là câu chuyện của lương tâm. Hãy nhớ cho, một nửa chiếc bánh mì là bánh mì nhưng một nửa sự thật chưa hẳn là sự thật. Nhân ái, yêu thương nhưng cần tỉnh táo, đừng quá cả tin để đỡ phải đổ vỡ lòng tin. Đừng vô tư lan truyền thứ rác nguy hại online. Đừng vô tình tiếp tay cho tội ác. Và đừng để tự mình phải lập ra một tòa án lương tâm cho chính bản thân mình.