Quản lý chặt rác thải y tế để ngăn chặn nguy cơ lây lan bệnh dịch Covid-19 tại Hà Nội

Môi trường - Ngày đăng : 11:04, 10/08/2021

(TN&MT) - Đó là chia sẻ của ông Mai Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội.

Ông Mai Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng

Phóng viên: Thưa ông, những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội có diễn biến khá phức tạp, vậy Sở TN&MT đã triển khai các giải pháp, nhiệm vụ gì nhằm tăng cường đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường trong mùa dịch?

Ông Mai Trọng Thái: Ngay từ thời điểm bùng phát dịch đầu năm 2020, bên cạnh các hoạt động tích cực phòng, chống dịch theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, các giải pháp về hướng dẫn phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 đã được Sở TN&MT triển khai nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế các nguy cơ tác động xấu đến con người; giảm thiểu áp lực ô nhiễm môi trường do phát sinh chất thải y tế lây nhiễm từ các khu vực cách ly và các cơ sở điều trị.

Thực hiện hướng dẫn của Bộ TN&MT, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Sở TN&MT đã ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn các cơ quan chức năng và người dân về xử lý chất thải phát sinh liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền hướng dẫn nhân dân, đặc biệt là các chủ nguồn thải (bệnh nhân và người thuộc diện cách ly) tuyệt đối không xả thải bừa bãi; hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất thải.

Đối với các khu vực cách ly, cơ sở điều trị Covid-19, rác thải phải chuyển giao cho các cơ sở xử lý chất thải đã được Bộ TN&MT cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại và có chức năng xử lý chất thải y tế; ưu tiên lựa chọn công nghệ đốt và các cơ sở xử lý có khoảng cách thu gom, vận chuyển ngắn nhất từ nơi phát sinh đến nơi xử lý, đảm bảo không để lây lan dịch bệnh trong quá trình thu gom, vận chuyển chất thải.

Các địa phương trên địa bàn thành phố phải chủ động phối hợp với các cơ sở y tế để nắm bắt tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện người nhiễm hoặc nghi nhiễm, khoanh vùng quản lý chặt chẽ chất thải phát sinh; Các cơ sở y tế, khu cách ly phải thực hiện tốt việc phân loại, lưu giữ chất thải phát sinh; Các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn nguy cơ phải tuyệt đối tuân thủ quy định an toàn mọi mặt.

Hiện, 100% UBND quận, huyện và thị xã có khu cách ly đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận/huyện/thị xã hoặc các đơn vị quản lý khu cách ly ký hợp đồng dịch vụ với các Công ty Urenco 10, Urenco 13 để xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm từ các khu cách ly. Tổng khối lượng chất thải có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ các khu cách ly của thành phố đã được thu gom, xử lý từ năm 2020 đến hết ngày 30/6/2021 là 427,228 tấn, trong đó Urenco 10 xử lý 171,033 tấn, Urenco 13 xử lý 256,195 tấn.

Công nhân Urenco13 xử lý rác thải mừa dịch Covid-19. Ảnh: Việt Hùng

Phóng viên: Để thực hiện nhiệm vụ xử lý chất thải tại vùng dịch và khu vực cách ly hiệu quả, một trong những yêu cầu đặt ra là năng lực của đơn vị xử lý. Theo ông, thế nào là một đơn vị đủ năng lực?

Ông Mai Trọng Thái: Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19 phải được thực hiện bởi các cơ sở xử lý chất thải đã được Bộ TN&MT cấp Giấy phép căn cứ theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP. Hiện, trên địa bàn có một số cơ sở xử lý chất thải đủ điều kiện, trong đó phải nhắc tới Công ty Urenco 10 và Urenco 13.

Bên cạnh đó, để đánh giá một cơ sở có đủ năng lực xử lý chất thải, đặc biệt là đối với loại chất thải có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 được xem là nguy cơ lây nhiễm cao thì việc cơ sở xử lý đã được cấp Giấy phép xử lý chất thải theo quy định là chưa đủ, mà ý thức, trách nhiệm và tính nghiêm túc của chủ xử lý đối với công tác xử lý chất thải lây nhiễm cũng khá quan trọng, cũng như năng lực kinh nghiệm và thời gian hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải y tế, chất thải nguy hại, có quy trình thu gom, vận chuyển phù hợp với loại chất thải này đặc biệt là công tác khử khuẩn, bảo hộ phòng ngừa dịch… Vì nhiều lý do như vậy, nên hiện các UBND quận, huyện và thị xã có khu cách ly đều ưu tiên lựa chọn Công ty Urenco 10 và Urenco 13.

Phóng viên: Tuy nhiên, dịch bệnh là một thứ “giặc” giấu mặt, lẩn quất kỹ và bùng phát nhanh. Vậy giải pháp nào để ngăn chặn mầm bệnh từ sớm từ xa và Sở TN&MT kiểm soát công tác này như thế nào, thưa ông?

Ông Mai Trọng Thái: Chúng ta đã được cảnh báo về chủng virus Delta với tốc độ lây lan nhanh, phức tạp và nguy hiểm. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố liên tiếp ghi nhận các ca nhiễm ngoài cộng đồng không rõ nguồn lây. Để đảm bảo an toàn cho các đơn vị xử lý chất thải cũng như góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, Sở TN&MT đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị quản lý khu cách ly tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân nghiêm túc thực hiện việc phân loại triệt để, lưu giữ đúng quy định các loại chất thải phát sinh từ việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19;

Để tăng cường phòng, chống dịch bệnh, Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế lây nhiễm thực hiện nghiêm quy định tại Giấy phép xử lý chất thải nguy hại đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép và các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Và trong thời gian tới, đặc biệt là những ngày giãn cách, Sở TN&MT sẽ cử cán bộ chuyên môn của Chi cục Môi trường và Phòng Quản lý Tài nguyên nước tham gia các đoàn công tác của thành phố kiểm tra, giám sát chặt việc thực hiện quy trình nghiêm ngặt trong công tác quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhất là rác thải y tế để ngăn chặn nguy cơ lây lan bệnh dịch Covid-19.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Hùng (thực hiện)

 

Việt Hùng