“Tái sinh” gỗ lụt thành sản phẩm mỹ nghệ
Xã hội - Ngày đăng : 10:09, 10/08/2021
Sản phẩm thủ công Coco Casa sử dụng hoàn toàn vật liệu tại địa phương |
Cho rác một cuộc đời khác
Lê Ngọc Thuận (sinh năm 1980) là người sinh ra và lớn lên ở Hội An, có nhiều năm gắn bó với ngành du lịch và am hiểu về các loại vật liệu tự nhiên ở địa phương. Sản phẩm mang tính “đánh dấu” hành trình của anh đối với vật liệu tái chế là một bức tranh được ghép từ gỗ lụt (gỗ do nước cuốn trôi ra bờ sông, cửa biển sau mỗi cơn bão, lũ lụt). Sau mười mấy trận thiên tai ở miền trung vào cuối năm 2020, rác lũ dạt về ngổn ngang đầy bãi biển Cửa Đại. Anh Thuận đi thu nhặt, phân loại, làm sạch và thử tạo hình thành một bức tranh treo tường cao 0,8m và dài 1,5m.
Tranh mộc mạc, ít màu, nhưng được khéo sắp đặt và gọt dũa lựa theo hình dáng của từng khúc gỗ lụt khác nhau, tạo nên một tổng thể độc đáo. Khi được bày trong một nhà hàng ở Hội An, bức tranh thu hút sự chú ý của nhiều người, cả khách tây và ta, thậm chí được hỏi mua. Nhận thấy cơ hội mới từ đây, anh Thuận sáng lập thương hiệu đồ gỗ mỹ nghệ Coco Casa, mở xưởng, liên hệ họa sĩ thiết kế và thuê thêm thợ lành nghề từ làng mộc nổi tiếng Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP Hội An).
Anh Lê Ngọc Thuận và tác phẩm tranh ghép gỗ lụt đầu tiên của Coco Casa |
Hằng năm, cứ vào mùa mưa lũ, con sông Thu Bồn (khởi nguồn từ núi Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum) lại mang theo không ít thân, cành cây gỗ các loại trôi về Hội An, ra cửa biển Cửa Đại. Với người dân, gỗ lụt có thể được đem về làm củi, nếu không chỉ là rác thải bẩn thỉu, nhếch nhác và phải thu dọn rất vất vả. Với dự án thủ công mỹ nghệ của anh Thuận, chúng có hình hài mới, cuộc sống mới, mang giá trị hơn trước rất nhiều.
Hiện nay, Coco Casa Collection có hai dòng sản phẩm chính là Mộc mỹ thuật (hướng tới các nhà hàng, khách sạn, villa, quán cafe, không gian văn hóa công cộng…) và Mộc trang trí, lưu niệm (là những món đồ nhỏ xinh, dễ mang đi biếu, tặng). Sản phẩm có giá bán dao động từ 50 ngàn đồng cho tới 1 triệu đồng/món. Những bộ sản phẩm đặt thiết kế riêng có thể lên tới vài chục triệu đồng. Thị trường tiêu thụ chính là TP Hội An và một số vùng lân cận, ngoài ra cũng đã có các đại lý phân phối ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Một góc không gian trưng bày của Coco Casa tại Hội An |
Hầu hết công đoạn chế tác phải làm thủ công, vì nguyên liệu gỗ lụt, gỗ thừa vốn không cùng một loại, kích cỡ và tính chất cũng không giống nhau. Tuy vậy, đó cũng là một đặc điểm khiến người thợ được thỏa sức sáng tạo, làm nên sản phẩm mang tính riêng biệt cao, ít trùng lặp. Sản phẩm của Coco Casa rất đa dạng, từ những món đồ nội, ngoại thất như tranh tường, mành (rèm), chụp đèn, chậu hoa, tượng gỗ, khay, thớt, chén (bát) đĩa bàn ăn, khung gương, gạt tàn, hộp đựng mỹ phẩm… cho đến đồ chơi trẻ em, đồ lưu niệm, trang trí. Những sản phẩm không chỉ đẹp mà còn mang nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam, như hình ảnh con trâu, con voi, hoa sen, bông lúa, chuồn chuồn, nhà cổ Hội An.
Mặc dù khai trương trong thời kỳ dịch bệnh, liên tục đóng cửa để chấp hành các quy định về phòng, chống Covid-19, sản phẩm gỗ mỹ nghệ Coco Casa vẫn nhận được sự động viên, hỗ trợ từ cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp khác ở Hội An. Không chỉ du khách nước ngoài thích thú mà giờ đây rất nhiều người Việt cũng quan tâm đến các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường. Anh Thuận được mọi người gọi trêu là Thuận “củi lụt” nhưng lại thấy rất vui, vì từ những thứ vứt đi mà vẫn có cách để chúng “sống” thêm thật lâu, tô điểm cho đời. Hướng đi của anh phù hợp với xu hướng sống văn minh, thân thiện với môi trường, tạo giá trị bền vững cho xã hội.
Theo đuổi lối sống “xanh”
Lê Ngọc Thuận là cái tên không xa lạ với cộng đồng làm du lịch ở Hội An và nhiều tỉnh miền trung. Từ năm 2012, mặc dù không hề được đào tạo bài bản về mỹ thuật hay kiến trúc, anh vẫn mày mò tự học và tự làm, thiết kế hàng loạt homestay, villa ở khu vực bãi biển An Bàng (phường Cẩm An) theo hướng kiến trúc xanh. Giữ nguyên các căn nhà kiểu nông thôn và tận dụng tất cả những vật liệu sẵn có trong vùng như tre, lá dừa… cho tới sỏi đá, củi lụt, ván thuyền cũ, anh tạo ra nhiều sản phẩm nội thất handmade có tính thẩm mỹ, tính ứng dụng cao, được khách lưu trú ưa thích (đặc biệt là du khách phương tây). Anh Thuận từng làm Chủ tịch Hội homestay Quảng Nam, Chủ tịch Hội đầu bếp Quảng Nam, rồi Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam. Bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, anh khẳng định: “Xu hướng của thế giới là phát triển bền vững, ở Việt Nam cũng không ngoại lệ. Khi đô thị hóa quá nhanh và dịch bệnh diễn biến khó lường, con người sẽ ngày càng muốn tìm về các giá trị nguyên bản, gần gũi với thiên nhiên, ưa chuộng đồ thủ công, tái chế”.
Những sản phẩm rực rỡ, sinh động được làm từ gỗ thải |
Bên cạnh gỗ lụt, gỗ thải của làng mộc Kim Bồng, dự án gỗ mỹ nghệ của anh Thuận cũng sử dụng thêm cả nguyên liệu là gỗ ngắn ngày mà người dân Quảng Nam vẫn hay trồng như cây quế, xà cừ, gỗ keo… với mục đích chia sẻ và giúp đỡ cộng đồng. Anh Thuận và các cộng sự cũng thường xuyên kêu gọi, tham gia các hoạt động ý nghĩa khác như chung tay dọn dẹp bãi biển An Bàng, Cửa Đại, gây quỹ giúp đỡ trẻ em nghèo.
Không gian mộc mạc, thân thiện của Coco Casa bên sông Cổ Cò |
Cuối năm 2020 tới nay, song song với thương hiệu mỹ nghệ Coco Casa, anh Thuận mở một nhà hàng ven sông cùng tên, với thiết kế tự nhiên, giản dị, ít dùng bê tông. Nơi đây là không gian văn hóa, ẩm thực, cũng đồng thời là showroom bày bán các sản phẩm từ nghệ thuật tái chế. Nhiều chuyên gia, người nước ngoài định cư ở Việt Nam từ Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam hay Quảng Ngãi… nghe tiếng đã đưa gia đình, bạn bè đến tham quan, trải nghiệm, và để lại những phản hồi rất tốt. Anh Thuận cũng đã kết nối với một số cá nhân, doanh nghiệp để có kế hoạch hoạt động ngay sau khi du lịch phục hồi lại, như tổ chức hội chợ nghệ thuật, hội chợ nông sản-tiêu dùng xanh, mở các lớp vẽ tranh, làm đồ mộc thủ công cho người lớn và trẻ em… với tiêu chí hàng đầu là tạo ra các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường.
Dùng vật liệu tái chế để tạo thành những sản phẩm có ích là việc nhiều người đã lựa chọn, tuy nhiên nó đòi hỏi óc thẩm mỹ và cả rất nhiều sự kiên nhẫn, khéo léo. Khởi nghiệp kinh doanh từ đồ thải loại lại càng không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu được làm đúng cách và thật sự hướng tới người tiêu dùng cùng các giá trị bền vững, xu hướng này vẫn có tiềm năng không nhỏ để phát triển.