Hiệu quả từ nguồn vốn vay vùng dân tộc thiểu số miền núi ở huyện Ngọc Lặc

Xã hội - Ngày đăng : 13:58, 07/08/2021

(TN&MT) -Hàng trăm hộ dân vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách để đầu tư tái sản xuất, phát triển chăn nuôi. Đặc biệt tại xã Vân Am nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất miền núi với nhiều thử thách.

Thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi căn cứ theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi. Tiếp nhận chính sách của chính phủ, UBND huyện Ngọc Lặc đã rà soát, lập danh sách những hộ được thụ hưởng và đưa ra những kế hoạch cụ thể về các địa phương để thực hiện một cách có hiệu quả nhất.

Theo thống kê mới nhất của UBND huyện Ngọc Lặc, số thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của huyện là 205 thôn trên 213 thôn của toàn huyện. Diện tích vùng dân tộc thiểu số và miền núi của huyện là 481,06km2 trên tổng số diện tích của toàn huyện là 491,13km2. Số người dân tộc thiểu số của toàn huyện là 110.037 người trên tổng dân số toàn huyện là 142.241 người.

Từ số liệu thống kê trên cho thấy, huyện Ngọc Lặc chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống, diện tích đồi núi tương đối lớn. Tại huyện Ngọc Lặc giai đoạn 2018-2020 được phê duyệt hỗ trợ tổng số 4.115 hộ. Trong đó hỗ trợ đất ở 73 hộ; hỗ trợ đất sản xuất 39 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề 2.729 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt 1.122 hộ; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất 152 hộ, trung bình số tiền vay là 26,4 triệu đồng/hộ.

Sau khi tiếp cận được chính sách, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã vươn lên làm giàu, thoát nghèo. Trong 2 năm 2019 và 2020 trên địa bàn xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc có tổng 142 hộ được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế gia đình. Đây đều là người dân tộc thiểu số và là những hộ nghèo của xã.

Từ nguồn vốn vay, các hộ gia đình đã đầu tư mua cây keo giống về trồng, mua trâu bò về nhân giống để chăn thả. Nhiều hộ gia đình đã nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên thành những hộ khá giả, những căn nhà tranh tre nứa lá cũng sớm được thay thế bằng những ngôi nhà sàn khang trang.

Chỉ sau 3 năm quay lại xã Vân Am, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên bởi sự thay da đổi thịt của vùng một xã miền núi của huyện Ngọc Lặc. Trước đây đường vào UBND xã là đường đất trơn trượt rất khó đi, nay đã được thay thế bằng con đường rải nhựa phẳng lì. Đi sâu vào trong các thôn bản, đường cũng đã được cơ bản bê tông hóa, nhiều ngôi nhà khang trang được dựng lên bên sườn đồi.

Ông Lê Quyết Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Vân Am vừa dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ đã thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Quyết định 2085 vừa chia sẻ: Chỉ 3 năm trở lại đây, kinh tế - xã hội của xã có bước phát triển mạnh, đường nhựa đã về tận xã, thông sang các huyện giáp ranh giúp lưu thông hàng hóa phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn chương trình 135 nhiều tuyến đường trong thôn, bản đã được bê tông hóa.

Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nghiệp, làng Khén trước khi vay vốn ở trong ngôi nhà xuống cấp.

“Đặc biệt từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Quyết định 2085 các hộ đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, mua giống keo về phủ xanh đồi núi, mua trâu bò về nhân giống nhiều hộ đã nhanh chóng thoát nghèo, xây được những ngôi nhà khang trang”

Như hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nghiệp, làng Khén, xã Vân Am gia đình bà có hơn 1ha đất đồi, từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình bà mua giống keo về trồng, theo bà Nghiệp gia đình bà vừa thu hoạch được hơn 100 triệu đồng, gia đình đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Trước đây gia đình bà là hộ nghèo, khó khăn khi thiếu vốn sản xuất, cũng may có nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Con trai cả cũng đã làm được ngôi nhà khang trang ngay bên cạnh, cậu con trai út cũng đã san mặt bằng chuẩn bị động thổ xây dựng ngôi nhà mới thay cho ngôi nhà tranh tre nứa lá cũ.

Sau khi vay vốn phát triển kinh tế, gia đình bà Nghiệp đã xây được ngôi nhà khang trang.

Gia đình bà Lường Thị Hoa (người dân tộc Mường, thôn Khén) cho biết: Năm 2019 gia đình bà cũng được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách. Thời điểm đó, giá mỗi con lợn giống chỉ 800.000 đồng/ con, bà mua 2 con về chăm sóc nhân giống. Số tiền còn lại dùng mua cây keo giống về trồng trên đồi. Sau 3 năm gia đình bà đã thoát nghèo, mới xây được ngôi nhà sàn khang trang thay thế cho ngôi nhà tranh vách nứa trước đó. Cũng nhờ đó, con cái của bà yên tâm đi làm ăn kinh tế xa vì mẹ đã có kế sinh nhai, không còn lo thiếu gạo như trước đây.

Gia đình bà Lường Thị Hoa (người dân tộc Mường, thôn Khén) đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi.

Ông Phạm Văn Dụ - chuyên viên phòng Dân tộc, huyện Ngọc Lặc cho biết: “Thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi căn cứ theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi. Hàng trăm hộ dân vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách để đầu tư tái sản xuất, phát triển chăn nuôi. Với lãi suất ưu đãi, có thời điểm không lãi xuất các hộ vay đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, mua giống cây trồng, vật nuôi, 90% các hộ đã thoát nghèo. Để có được hiệu quả như vậy cũng vì điều kiện các hộ phải có phương án sản xuất, tính hiệu quả mới được duyệt vay”.

Thanh Tâm