Điện Biên... Khát vọng chuyển mình - Bài 2: Xây dựng nguồn lực từ đất đai

Xã hội - Ngày đăng : 14:26, 05/08/2021

(TN&MT) - Để đạt được các mục tiêu xã hội, Điện Biên phải dựa vào rất nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực đất đai. Đây là một trong những nhân tố quan trọng nhằm thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư… Đặc biệt, có cả những dự án sản xuất, những mô hình phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và lâm nghiệp.

Những lộ trình dài hơi...

Trước những khó khăn ấy, buộc những người đứng đầu của tỉnh Điện Biên phải xây dựng một lộ trình dài hơi mang tầm chiến lược trong công tác xây dựng Quy hoạch đất đai, tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó, Điện Biên mới có thể tạo ra được nguồn lực từ đất đai, cùng với các chính sách đi kèm thu hút các nhà đầu tư.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên chia sẻ: Quy hoạch tỉnh là một trong những việc làm cần thiết, mang tầm chiến lược lâu dài; tích hợp của rất nhiều quy hoạch ngành như: giao thông, đô thị, du lịch và nông nghiệp... ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, năng suất, chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhằm từng bước xây dựng một xã hội hiện đại, văn minh và để thực hiện tốt các nhiệm vụ xã hội, mục tiêu kinh tế; là giải pháp tránh gây thất thoát nguồn lực từ đất đai. Hiện đã được Thủ tướng phê duyệt nội dung nhiệm vụ, giao UBND tỉnh Điện Biên tổ chức lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trước mắt, Điện Biên đang quản lý đất đai bằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và trong giai đoạn. Hiện, đang triển khai rất nhiều dự án trọng điểm của tỉnh. Theo đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng là thời điểm cao trào mà tỉnh phải tập trung xử lý gồm: Dự án Nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, Dự án Đường 60 m; Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung dọc trục 60 m; Dự án thuộc Chương trình đô thị miền núi phía Bắc... và hàng loạt các công trình, dự án lớn nhỏ đang xin cấp phép chủ trương đầu tư và kêu gọi đầu tư.

Tuy nhiên, ngoài những dự án mở rộng kết cấu hạ tầng xây dựng, Điện Biên cũng rất chú trọng đến các dự án, mô hình sản xuất nông - lâm phát triển bền vững, đảm bảo an sinh. Đây là ngành chiếm nhiều ưu thế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Máy gặt lúa của HTX Thanh Yên trên Cánh đồng Mường Thanh - nơi đang được áp dụng trồng cấy lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trên cánh đồng Mường Thanh lịch sử ấy, có người thanh niên Quản Bá Tới (sinh năm 1988), anh là người nông dân thứ thiệt. Anh yêu đất từ những nỗi vất vả nhọc nhằn mà hình thành nên HTX Thanh Yên, mở đầu cho phong trào cơ giới hóa đồng ruộng. Anh Tới chia sẻ: “Điện Biên là địa chỉ vàng cho những nhà sản xuất nông nghiệp. Khí hậu trong lành, không bị ảnh hưởng khói bụi từ các khu công nghiệp, biên độ nhiệt chênh lệch giữa các mùa không lớn. Đặc biệt, mình muốn người thân của mình được giải phóng sức lao động nhờ cơ giới hóa đồng ruộng và hiểu được giá trị, tính nhân văn trong từng sản phẩm nông nghiệp sạch. Mình đã liên kết với 185 hộ, có gần 200 ha đất chuyên canh giống lúa Hana, sén cù... theo tiêu chuẩn VietGAP và 15 ha dưa chuột bao tử; 3 ha chuối tiêu Nam Mỹ sẽ đưa vào canh tác vụ 3 trên đất lúa và đất màu, tại 5 xã vùng lòng chảo”.

Hiện, 2 xã Thanh Yên và Thanh Hưng đã dồn điền đổi thửa, diện tích gần 100 ha; đây là điều kiện để lúa gạo được sản xuất theo phương thức hữu cơ, tạo ra vùng nguyên liệu dồi dào, không lai tạp, giảm bớt chi phí nhân công nhờ cơ giới hóa... Vụ chiêm xuân năm 2021, HTX Thanh Yên thu hoạch khoảng 350 tấn lúa chất lượng cao tại diện tích này.

Mỗi năm, HTX Thanh Yên cung cấp ra thị trường khoảng 500 - 600 tấn gạo sạch và hầu hết sản phẩm nông nghiệp của HTX Thanh Yên đều có đầu ra ổn định... Đặc biệt, dưa chuột, chuối tiêu là những đơn hàng sẽ đưa đi xuất khẩu tại Hàn Quốc và một số nước khác mà HTX đang triển khai.

Đến nay, Điện Biên có rất nhiều mô hình, HTX nông nghiệp ra đời, như: Dứa Mường Chà đạt tiêu chuẩn VietGAP; xoài Đài Loan (Mường Ảng 300 tấn/năm); miến dong Nà Tấu; rau Thanh Đông; Mật ong Điện Biên... đều hướng đến thực phẩm sạch hữu cơ, an toàn và có giá trị kinh tế cao... có đầu ra ổn định. Hiện, tỉnh Điện Biên có khoảng 35 sản phẩm OCOP đã có mặt tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ trên toàn quốc và một số nước.

Tuy mới là khởi đầu, thành quả chưa lớn lao. Nhưng đây sẽ là cơ sở để Điện Biên thực hiện mạnh mẽ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tạo bước chuyển biến đồng bộ để đạt được các chỉ tiêu kinh tế mà Nghị quyết Đảng bộ đã đề ra.

Đồi cây mắc ca ở huyện Tuần Giáo

... và những chính sách phát triển bền vững

Làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai là một trong những yếu tố tạo ra nguồn lực, tạo ra dự án, thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Và một trong những dự án thời gian qua Điện Biên đã và đang triển khai rất tốt đó là Dự án trồng cây mắc ca trên đất lâm nghiệp chưa có rừng.

Để đón được các nhà đầu tư, ngoài quỹ đất rộng lớn thì Điện Biên cần có một chính sách đi kèm. Chính sách đó phải đảm bảo được quyền lợi của dân, của nhà đầu tư và phía địa phương.

Chia sẻ vấn đề này, ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Chúng tôi xây dựng chính sách đảm bảo lợi ích 3 bên: doanh nghiệp, người dân và địa phương. Trong đó, vai trò doanh nghiệp là liên kết cùng các hộ dân, hỗ trợ giống cây tốt, kỹ thuật chăm sóc và tiêu bao sản phẩm. Còn phía người dân thì có trách nhiệm thành lập tổ liên kết, HTX... chăm sóc mắc ca và giữ vững liên kết... Cơ quan quản lý Nhà nước là "trọng tài" đảm bảo lợi ích các bên, đồng thời hỗ trợ người dân giống cây, phân bón... thông qua doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đầu tư cây mắc ca tại tỉnh sẽ được tỉnh hỗ trợ một số chính sách về đất đai; được thuê lại đất của dân để tham gia trồng trực tiếp mắc ca, được cấp đất xây dựng nhà máy và nếu người dân có phá vỡ liên kết, bán mắc ca cho tư thương thì doanh nghiệp vẫn chủ động được vùng nguyên liệu.

Mặt khác, người dân cũng được làm chủ vườn mắc ca của mình, hạn mức không quá 5 ha/hộ (ngoài hạn mức, người dân có thể cho doanh nghiệp thuê đất trồng mắc ca...). Số tiền cho thuê đất sẽ đảm bảo đời sống trước mắt, về lâu dài vườn cây mắc ca là nguồn sinh kế ổn định và bền vững. Có thể nói, trong bài toán cây mắc ca của Điện Biên thì người dân là người được “cho cá, trao cần câu và cả mồi câu."

Hiện nay, Điện Biên còn khoảng hơn 265.900 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng. Để giải quyết bài toán phủ xanh đất trống đồi trọc và phát triển kinh tế ngành lâm nghiệp. 7 năm qua, Điện Biên đã cho trồng thí điểm mô hình cây mắc ca trên đất dốc. Nhiều người gọi đó là cây "triệu đô".

Là một trong những người đầu tiên trồng thử nghiệm gần 1.000 ha cây mắc ca ở Điện Biên, ông Phạm Duy Thành, Phó Giám đốc Công ty CP Macadamia Điện Biên, chia sẻ: “...Mắc ca là cây “nhà giàu”, đặc biệt rất khó chọn giống... Hàng năm, chúng tôi phải mời chuyên gia mắc ca từ Australia sang để hướng dẫn kỹ thuật ghép cành; tỷ lệ cây sống sau ghép cành chỉ đạt từ 60 - 70%. Mặt khác, phải tìm nguồn hạt có đủ tiêu chuẩn để ươm cây hạt thực sinh, đến khi cây non được gần 1 năm tuổi sẽ tiến hành ghép cây giống với cành trưởng thành đã ra quả. Phải ghép cành mới mong ra quả và cho năng suất. Khâu chọn giống rất quan trọng, vì mỗi loại sẽ có một đặc điểm riêng, ví dụ như năng suất, chất lượng hạt, khả năng kháng hạn, kháng bệnh… Nếu chọn giống không đúng thì năng suất sẽ rất thấp, thậm chí cây rất tốt nhưng lại không ra quả. Chúng tôi bắt đầu từ năm 2009, với diện tích là 771 ha ở các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng... Hiện, một số diện tích này đã cho thu hoạch. Mỗi cây được khoảng 2 - 3 tạ quả. Mỗi kilogam quả tươi dao động từ 130 - 150 nghìn đồng và không có để bán ra thị trường vì đang quá trình nhân giống”.

Từ kết quả ban đầu ấy, Điện Biên đã chọn cây mắc ca để trồng trên toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng; là 17.214 ha, với tổng mức đâu tư hơn 4.000 tỷ đồng của 5 nhà đầu tư với mục tiêu trồng cây mắc ca gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Từ sau Đại hội Đảng... các cấp chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên đang triển khai từng nội dung, từng nhiệm vụ... gắn với mỗi nội dung, mỗi nhiệm vụ là vai trò của người đứng đầu trong khâu tổ chức và thực hiện...

Điện Biên có trên 80% dân số làm nông nghiệp, nông thôn. Nếu năm 1984, tổng diện tích lúa 2 vụ của tỉnh Điện Biên là gần 2.400 ha, thì đến năm 2017, tổng diện tích lúa 2 vụ của tỉnh này đã tăng lên hơn 7.000 ha. Tỉnh Điện Biên từ chỗ thiếu lương thực, đến nay, đã có thể cung cấp lương thực cho các địa phương khác. Trên hành trình từ thụ động đến chủ động trong lương thực có sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đóng góp của lớp lớp nông dân tỉnh Điện Biên.

Trần Hương