Họ xứng đáng được tôn vinh!

Xã hội - Ngày đăng : 14:26, 05/08/2021

(TN&MT) - Thực hiện giãn cách xã hội để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, nhiều ngành nghề đã chuyển đổi phương thức làm việc trên không gian mạng internet. Tuy nhiên, đối với công việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải hiện nay ở nước ta, không thể sử dụng công cụ để thay thế hoàn toàn sức người, kể cả những nơi nhiều hiểm nguy nhất như vùng dịch, khu cách ly và cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19.

Chắc chắn một điều, khoa học có thể tạo ra những con robot hay công cụ thực hiện công việc thu gom rác, như mô hình “Jellyfishbot nhặt rác ở cảng biển” của IADYS, “ROV dọn rác dưới đại dương” của SeaClear; hay một số nghiên cứu mang tính khoa học của các nhà sáng tạo trẻ Việt Nam như “Robot lao công” của Trương Hải Ninh - học sinh lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn (xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông), “Robot thu gom và phân loại rác” của nhóm sinh viên Phạm Khắc Nam, Nguyễn Duy Tiến, Đặng Chi Tuyền - Trường Đại học Sao Đỏ…

Nhưng, điều chắc chắn hơn, đó là, đến thời điểm hiện nay, chưa có một đất nước tiên tiến nào trên thế giới sử dụng hoàn toàn robot hay công cụ công nghệ để thay thế con người thực hiện thu gom rác. Đến như Quốc đảo lý tưởng Singapore - quốc gia đang đứng đầu thế giới với danh hiệu "Sạch tinh khôi bất chấp đại dịch” thì robot duy nhất đang góp phần làm sạch quốc gia Singapore đó là “robot ý thức + robot pháp luật". Vậy nên, với một đặc điểm phân bổ dân cư như hiện nay ở Việt Nam thì mơ ước sử dụng robot dọn rác thay thế con người, đặc biệt là áp dụng trong mùa dịch, vùng dịch lại càng là một việc hoang đường, nhất là với những khu vực ngõ nhỏ, hẻm sâu, vùng đồng bào dân tộc miền núi trên non cao, vùng sông nước... Và, sứ mệnh làm sạch đẹp an toàn môi trường vẫn đang trao trực tiếp vào đôi tay người lao công.

Những con người cần mẫn bất kể ngày đêm

Thực hiện nhiệm vụ trong một điều kiện thời tiết lý tưởng ôn hòa và nếp sinh hoạt của con người bình an, đời sống xã hội không biến động đã là một sự cố gắng. Thực hiện nhiệm vụ trong mùa dịch Covid-19 như hiện nay, vất vả chỉ là chuyện thường trực, điều đáng lo ngại nhất là mọi bất trắc đều có thể xảy ra với công nhân môi trường bởi việc tiếp xúc với các nguồn lây có địa chỉ và các nguồn lây di động.

Lây có địa chỉ là rác thải sinh hoạt, rác thải y tế trong vùng dịch, khu vực cách ly, các bệnh viện, cơ sở điều trị… Nguồn lây di động có thể là rác thải mang mầm virus ở những vùng ủ dịch, những F0 trong cộng đồng chưa được phát hiện. Tần suất nguy hiểm tại những vùng này không cao nhưng mức nguy hiểm thì đều cho kết quả như nhau.

Người lao công vệ vinh môi trường không có giấc ngủ trưa và cũng không tròn giấc ngủ đêm

Nhịp sống quen thuộc, nếp sinh hoạt bình thường chậm lại đồng nghĩa với nhịp sống không quen thuộc và nếp sinh hoạt không bình thường thay đổi mà hiện nay đang là thay đổi theo chiều hướng tăng xấu. Có nghĩa là rác bình thường có thể ít đi nhưng rác nguy hại, rác nguy cơ đang tăng lên. Và như vậy, mức đe dọa an toàn của những người thực hiện công việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác sẽ cao hơn.

Vậy nên, cách biết ơn tốt nhất lúc này là mỗi người hãy nhận rõ chân giá trị của những công việc thầm lặng ấy, chung tay chia sẻ trách nhiệm từ những việc làm nhỏ nhất, bớt ra đường khi không cần thiết, không vứt khẩu trang đã qua sử dụng một cách bừa bãi, không khạc nhổ nơi công cộng và tuân thủ các quy định phòng dịch để hạn chế thấp nhất lây nhiễm; đặc biệt, chủ động lắng nghe cơ thể để không biến mình thành nguồn lây di động.

Hãy thương lấy tiếng chổi tre

Và trước khi khoa học tiên tiến tạo ra công cụ hay robot thay thế công nhân môi trường thì hãy thương lấy tiếng chổi tre, thương lấy những hình ảnh cần mẫn lam lũ trong bộ đồ bảo hộ, thương lấy những đôi chân mải miết in dấu mọi nẻo đường, bất kể nẻo đường đó bình an hay bất an. Và cũng đừng mổ xẻ nếu ai đó ví von những công nhân môi trường làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác là những anh hùng lao động; bởi vì, trong cuộc chiến chống dịch như chống giặc này, họ là những chiến binh thầm lặng góp phần đuổi đại dịch ra khỏi đất nước.

Vậy nên, họ xứng đáng được tôn vinh!

Việt Hải