Quảng Ngãi: Chấn chỉnh việc người dân phá san hô làm nơi neo đậu thuyền thúng

Môi trường - Ngày đăng : 13:40, 05/08/2021

(TN&MT) - UBND xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã khẩn trương kiểm tra và yêu cầu người dân tuyệt đối không được xâm hại san hô, làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên trong quá trình làm lối ra vào cho thuyền thúng.

Những ngày qua, để có chỗ neo đậu thúng không bị sóng biển đánh hư hại, người dân ở thôn An Cường, xã Bình Hải, (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã thuê xe cơ giới đào, đắp hàng chục mét ở gành đá ven bờ biển (hay còn gọi là gành đá nhảy). Đá đen và san hô được xe máy đào múc trực tiếp từ dưới gành đá nằm phơi trắng khô khốc hàng chục mét trên bờ.

Người dân thôn An Cường thuê máy đào đắp kè chắn sóng.

Cách bờ biển chừng vài trăm mét, một bờ kè chắn sóng đã thành hình, nối từ phía bắc gành đá chạy dọc ra biển dài hơn 100 m, cao chừng 2 m kể từ mặt nước.

Theo tìm hiểu, bờ kè chắn sóng tạm bợ này là do nhiều ngư dân ở đây cùng góp tiền và thuê máy đào để làm những ngày gần đây. Vài ngày qua do thủy triều đang lớn ban ngày nên không thi công được phải đợi đến đêm thủy triều rút mới làm tiếp.

San hô được xe đào múc lên bờ nằm dài hàng chục mét.

Ngư dân Đỗ Ngọc Tài (61 tuổi) ở thôn An Cường xã Bình Hải cho biết, bờ kè chắn sóng và con lạch này do các ngư dân trong thôn góp tiền vào làm, mỗi hộ nộp 500 nghìn đồng. Những năm trước, người dân ở đây đắp kè làm bằng thủ công, khuân đá để tạo lạch cho thúng ra vào. Thế nhưng do cơn bão số 9, năm 2020 đánh làm kè này bị san bằng.

“Bây giờ sống về biển là phải lo đắp bờ, cá nhân đắp đó. Những người yêu biển yêu nghề họ đắp bờ, cỡ tuổi chú vẫn còn đóng góp nhưng mình sống được bao nhiêu năm nữa đâu đến đời con mình thì không có làm biển nữa. Nếu không làm lạch này thì thuyền thúng ra vào biển bị va vào đá, gây hư hỏng”- ngư dân Tài cho hay.

Con lạch do người dân tự ý thuê máy xúc đào có nguy cơ gây hư hại san hô, ảnh hưởng bờ biển

Thế nhưng, theo nhiều ngư dân ở đây, gành đá này là nền đá tảng tuyệt đẹp. Ngoài việc tạo cảnh quan đẹp cho bờ biển, nó còn là thành trì giúp bờ biển không bị sạt lở. Do vậy, bà con lo lắng việc dùng máy móc đào bới xuống nền đá, nguy cơ rạn san hô dưới biển bị phá vỡ, bờ biển rất dễ bị xâm thực vào bên trong.

Trao đổi với ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết, sau khi có thông tin việc người dân phá gành đá, xâm hại san hô để làm nơi ra vào của thuyền thúng chính quyền xã đã đi kiểm tra và khẳng định có thực trạng này.

Một vùng gành đá đang bị xâm hại để làm nơi ra vào của thuyền thúng

Ông Thính giải thích, nhiều năm qua, do triều cường gây bồi lấp, nên chỗ neo trú, ra vào cửa biển của các phương tiện gặp nhiều khó khăn. Xưa nay, hàng năm bà con ra quân cùng với thanh niên làm bằng tay, bằng thủ công xuống bưng những hòn đá vôi, có thể ba đến bốn người xúm lại khiêng qua một bên để chắn sóng và tạo luồng nước để cho thuyền, thúng hoặc ghe nhỏ đi ra đi vào nó được thuận lợi. Năm nay, bà con đã góp tiền lại rồi sẵn có xe và những tảng đá lớn thì không khiêng nổi bằng thủ công mà phải nhờ máy đào cho nên tự thuê làm việc đó.

“Chúng tôi đã giải thích cho dân hiểu về lợi ích lâu dài của san hô, là bãi đẻ của thuỷ hải sản. Ngư dân sống ở gành biển thì dựa vào gành biển, chứ không phải phá san hô để đậu thúng, đậu ghe. Bà con sau khi nghe phổ biến thì hứa sẽ thận trọng khi trong quá trình khơi thông luồng lạch cho thuyền thúng. Cũng chỉ là thuyền thúng nên rất khó có sự đầu tư kinh phí lớn làm khu neo đậu quy mô được. ”- ông Thính cho hay.

An Nhiên