Thủy điện Đa Nhim có thêm 1 tổ máy hòa lưới điện quốc gia

Kinh tế - Ngày đăng : 23:27, 04/08/2021

(TN&MT) - Theo thông tin của Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ), vào lúc 8 giờ 00 phút ngày 4/8/2021, tổ máy H5 thuộc Dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim do Công ty ĐHĐ làm Chủ đầu tư, đã chính thức hòa lưới điện Quốc gia thành công với công suất thiết kế 80MW.
  • Đường ống công trình thủy điện Đa Nhim – Nguồn ảnh: ĐHĐ

Dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim được khởi công xây dựng ngày 12/12/2015 với công suất thiết kế 80MW. Với sự kiện hòa lưới thành công tổ máy H5 với đủ công suất thiết kế 80MW, Nhà máy thủy điện Đa Nhim có tổng công suất 240MW, góp phần tích cực trong việc bổ sung công suất cho lưới điện Quốc gia vào giờ thấp điểm.

Nhằm tận dụng tối đa nguồn thủy năng dồi dào của hồ Đơn Dương, Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi tiếp tục thực hiện Dự án mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim - Giai đoạn 2 với công suất 80MW, dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành tổ máy H6 vào năm 2026.

Theo đó, kể từ hôm nay hệ thống nguồn nước của Ninh Thuận, một tỉnh có chỉ số khô hạn nhất của cả nước sẽ bước sang một trang mới. Với việc nâng công suất của nhà máy Đa Nhim lên 50%, đồng nghĩa với việc lượng nước chuyển về Ninh Thuận sẽ tăng lên một lượng đáng kể. Theo kế hoạch sau khi hoàn thiện thêm tổ máy H6 vào năm 2026, lượng nước bổ sung cho Ninh Thuận từ Nhà máy Đa Nhim có thể đạt mức gần 800 triệu m3/năm.

Tổ máy H5 Đa Nhim hòa lưới thành công – Nguồn ảnh: ĐHĐ

Ninh Thuận là vùng khô hạn nhất với chỉ số ẩm ướt nhỏ hơn 1 và lượng mưa năm thấp hơn 1.100 mm, mùa mưa chỉ có từ 3 đến 4 tháng, nhiều năm không có mùa mưa, nền nhiệt độ cao, nhiệt độ trung bình năm là 27 độ C, quanh năm chịu ảnh hưởng của mạnh mẽ của hai lại gió mùa Đông Bắc và Tây Nam.

Nguồn nước mặt ở Ninh Thuận vốn đã rất ít lại tập trung vào mùa lũ ngắn khoảng 3 đến 4 tháng, để lại 8 đến 9 tháng cạn kiệt kéo dài. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh khá cao. Chỉ riêng lượng nước để tưới phục vụ canh tác trên diện tích lúa 3 vụ đã yêu cầu ở mức 25.000 đến 30.000 m3/ha.

Kể từ khi vận hành vào năm 1964 đến nay, lượng nước từ Hồ Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng có dung tích thiết kế 165,0 triệu m3, sau phát điện tại Nhà máy thủy điện Đa Nhim có công suất 160 MW; lượng nước này được chuyển vào hệ thống sông Cái Phan Rang khoảng hơn 500 triệu m3 nước mỗi năm phục vụ tưới cho hơn 15.000 ha đất nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận.

Thanh Bình - Chí Hiếu