Thừa Thiên Huế: Ngành du lịch khốn khổ vì đại dịch COVID - 19

Xã hội - Ngày đăng : 15:31, 04/08/2021

(TN&MT) - Từ ngày dịch COVID - 19 bùng phát, ngành du lịch nói chung và tại Thừa Thiên Huế nói riêng gặp vô vàn khó khăn. Du lịch được xem là “con gà đẻ trứng vàng” của vùng đất Cố đô, vì thế thời gian qua dịch bệnh “tấn công” đã khiến gần như cả hệ thống du lịch tại đây ngưng trệ. Lãnh đạo tỉnh và các cơ quan liên quan đang tìm cách để cố gắng phục hồi ngành mũi nhọn này.

Khốn đốn vì dịch

Những ngày này, gần như toàn bộ các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ phụ trợ tại Huế đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Hàng trăm khách sạn, cơ sở lưu trú từ 0 - 5 trên toàn tỉnh sao rơi vào tình trạng gần như tê liệt vì không có khách. Riêng một số doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực về du lịch vẫn còn duy trì hoạt động theo kiểu cầm chừng.

Tại đường Trường Chinh - TP. Huế, một loạt xe ô tô du lịch loại 45 chỗ đậu giữa nắng, mưa. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, gần 20 chiếc ô tô của Công ty Vận tải Du lịch Hạnh Nguyên phải dừng hoạt động. Không bến, không có nhà xe, hàng chục tỷ đồng đang “phơi nắng”, hao mòn theo thời gian. Đây cũng là tình hình chung của tất cả các hãng xe du lịch tại Huế.

“Giờ xe phải để không như thế, nhân viên phải nghỉ việc, lãi suất ngân hàng trong nháy mắt là đến hạn. Phải bán xe mà trả nợ thôi. Dịch dã còn kéo dài nữa thì quá sức là tệ hại và phá sản...”, chủ doanh nghiệp chia sẻ.

Xe du lịch nằm "phơi nắng"

Trên sông Hương, hàng trăm thuyền rồng du lịch nằm bờ hàng tháng trời khiến đời sống các chủ thuyền trở nên bấp bênh. Họ buộc phải chuyển sang nghề khác như phụ hồ, bán cá thậm chí là bán vé số để “kiếm cơm”.

Trong khi đó, từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có ít nhất 2 lần phải đóng cửa không tiếp nhận khách tham quan để phòng, chống dịch bệnh. Nguồn thu của đơn vị giảm mạnh ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động của trung tâm. Từ đầu năm đến nay, đơn vị chỉ mới thu được khoảng 19 tỷ đồng, bằng 15% dự toán. Các khoản thu nhập tăng thêm, hỗ trợ cho cán bộ nhân viên đều cắt giảm, một số lao động buộc phải nghỉ việc tạm thời...

Sở Du lịch thông tin 6 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế khoảng hơn 600.000 lượt, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2020 và chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm 2019. Khách lưu trú phục vụ khoảng 385.000 lượt, giảm khoảng 31% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch 6 tháng đạt khoảng 885 tỉ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến cuối năm 2020, Thừa Thiên Huế có trên 13.000 lao động du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh.

Nổ lực phục hồi

Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho hay đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thông qua một số nội dung như kích cầu thúc đẩy phát triển du lịch, giảm thuế thuê đất, giảm giá nước, kéo dài thời gian giảm phí tham quan di tích… Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch nên hầu hết các nhiệm vụ quảng bá bên ngoài, các hội chợ, các đoàn famtrip, presstrip phải tạm dừng hoặc không triển khai được. Vì vậy, ngành du lịch Huế chỉ tập trung ở nhiệm vụ truyền thông tại chỗ trên các trang truyền thông trực tuyến của ngành du lịch như Facebook, Youtube, Tiktok... bằng ảnh và các video clip.

Các điểm di tích thiếu vắng khách du lịch

Sở cũng tham mưu UBND tỉnh triển khai đến các doanh nghiệp, điểm đến Bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch COVID - 19; chủ động xây dựng công cụ Bản đồ Du lịch Huế An toàn (Hue Blue Map) để tổng hợp, chỉ dẫn các điểm đến, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch đã đảm bảo các yếu tố an toàn phòng chống dịch.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo ngành du lịch tập trung các giải pháp, chuẩn bị các phương án cụ thể để sẵn sàng đón khách ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Trước mắt là triển khai các tuần quảng bá tại những thị trường khách quốc tế truyền thống của Thừa Thiên Huế như: Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan vào đầu năm 2022. Đây có thể xem là một trong những giải pháp chủ động, đón đầu để kích hoạt và phục hồi, phát triển ngành du lịch trong thời gian tới.

Theo ông Trần Hữu Thùy Giang - Giám đốc Sở Du lịch, trong lúc chờ những chính sách chung được thực hiện, tỉnh đang rất nỗ lực có những chính sách trong thẩm quyền. Cụ thể nhất là đã có khoảng 4.000 lao động ngành du lịch được ưu tiên tiêm vaccine. Đây là sự chủ động để du lịch Huế sớm trở lại, giúp người lao động và doanh nghiệp tự tin, sẵn sàng phục vụ du khách.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Bình vừa kiểm tra các cơ sở lưu trú, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn, nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, chủ động có giải pháp khai thác du lịch trở lại trong thời gian đến. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Du lịch báo cáo cụ thể tình hình, số lượng lao động, tham mưu những chính sách mới, nhất là những giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khai thác du lịch trở lại.

Ông Lê Trường Lưu – Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế khẳng định, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã bao trùm lên toàn bộ các ngành kinh tế, trong đó ngành du lịch chịu bị thiệt hại nặng nề nhất. Đời sống người lao động làm trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ khó khăn, doanh nghiệp lao đao, đình trệ. Các hoạt động, chương trình kích cầu du lịch như Festival Huế, Festival nghề, việc tham gia các hội chợ về thương mại du lịch cũng không thực hiện được.

“Để phục hồi toàn bộ nền kinh tế, lãnh đạo tỉnh cam kết đồng hành, giúp đỡ các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp du lịch tháo gỡ khó khăn”, ông Lưu nhấn mạnh.

Thu Phương - Thùy Dung