Loại trừ nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh Covid-19: Quản lý chặt, tránh hệ lụy

Môi trường - Ngày đăng : 10:31, 03/08/2021

(TN&MT) - Đại dịch Covid-19 đã và đang tạo nên cuộc đua sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân: khẩu trang, găng tay, cồn, nước sát khuẩn, dụng cụ kít xét nghiệm... Xét ở khía cạnh góc độ bảo vệ sức khỏe, động thái này an toàn, song nếu không được quản lý chặt chẽ, các loại rác thải sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với môi trường sống.

Thêm áp lực môi trường sống

Thực tế, khẩu trang y tế, găng tay, tấm che giọt bắn, quần áo bảo hộ… đều là những đồ dùng thiết yếu trong mùa dịch, có tác dụng lớn trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc tăng nhanh số lượng sản xuất cũng như tiêu dùng các loại sản phẩm này lại làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng rác thải nhựa, vốn đã là một bài toán đau đầu trong nhiều năm nay.

Chưa dừng lại, đại dịch cũng kéo theo sự tăng lên chóng mặt của rác thải y tế. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng có thể thấy, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, số lượng vật tư y tế như khẩu trang, đồ bảo hộ được sử dụng tăng vọt. Điều này tiếp tục tạo thêm một áp lực không hề nhỏ nữa đối với môi trường.

Trong cơn khủng hoảng đó, người người, nhà nhà đổ xô đi sắm, sử dụng khẩu trang y tế bảo vệ sức khỏe. Hầu hết khẩu trang y tế qua sử dụng sẽ được xử lý như một loại rác thải thông thường, đồng nghĩa chúng sẽ bị ném vào thùng rác gây ra một gánh nặng nữa đối với môi trường.

Trong khi đó, các chuyên gia môi trường cảnh báo, không thể xem đây là rác thải sinh hoạt thông thường mà là rác thải có nguy cơ lây nhiễm bệnh và cần được thu gom, xử lý như rác y tế nguy hại. Việc thu gom và xử lý rác thải đối với khu vực này cần tuân thủ nghiêm các quy định nhằm đảm bảo an toàn. Đơn cử, trước khi rác thải này được đưa ra khỏi hộ gia đình và khu dân cư bị cách ly cần phải được phun khử khuẩn. Đồng thời, phương tiện vận chuyển cũng phải khép kín, tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.

Vứt khẩu trang ra vỉa hè, đường phố bị phạt tiền tối đa đến 2.000.000 đồng

Tập trung kiểm soát chặt nguồn thải

Thực tiễn những năm qua, từ khi xuất hiện dịch Covid-19, Bộ TN&MT đã nhanh chóng ban hành nhiều văn bản đề nghị, đôn đốc các địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hướng dẫn thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý rác thải sinh hoạt, nhất làrác thải nhựa, rác thải y tế lây nhiễm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành các công trình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải y tế, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khử khuẩn nước thải sau xử lý tại các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở xử lý chất thải y tế.

Trên cơ sở thông tin diễn biến của dịnh bệnh hiện nay và tình hình quản lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19, mới đây, Bộ TN&MT tiếp tục ban hành Văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh.

Theo đó, UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu cách ly (cách ly tập trung cũng như cách ly tại nhà và các khu cách ly khác) tại địa phương thực hiện công tác thu gom, lưu giữ và chuyển giao chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 theo đúng quy định tại Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG về “Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid-19”.

Bộ TN&MT cũng đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp ở địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các biện pháp quản lý chất thải y tế, chất thải sinh hoạt phát sinh do dịch bệnh Covid-19. UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác chỉ đạo thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn; khẩn trương xây dựng, điều chỉnh phương án xử lý chất thải y tế, tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế tại địa phương cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh.

Hiện, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan ban hành 5 hướng dẫn về phòng chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại hộ gia đình, khu chung cư, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng cũng như xử lý thi hài người tử vong do dịch bệnh Covid-19.

Sự vào cuộc của ngành TN&MT là rất kịp thời, trách nhiệm, song muốn xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19 đạt hiệu quả cao, cần có sự đồng hành, quyết tâm lớn của chính quyền địa phương. Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các quy định trong việc sử dụng và xử lý với các trang thiết bị y tế phòng hộ cá nhân.

Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 1.000.000 đồng, nếu vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tiền tối đa đến 2.000.000 đồng. (Áp dụng theo Điểm c và d, Khoản 1, Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường và Điểm a, Khoản 18, Điều 1 Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2021).

Phương Anh