Bức tranh kinh tế Việt Nam 7 tháng năm 2021

Kinh tế - Ngày đăng : 14:48, 02/08/2021

(TN&MT) - Trong 7 tháng năm 2021, mặc dù, dịch COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam song vẫn có những điểm sáng.

Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất 7 tháng năm 2021, đạt 29,4 tỷ USD. Ảnh: Internet

Xuất khẩu hàng hóa tháng 7 giảm

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2021 ước tính đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 48,52 tỷ USD, tăng 14,6%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,81 tỷ USD, tăng 29,9%, chiếm 73,8%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,6 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 28,7 tỷ USD, tăng 24,2%. Thị trường EU đạt 22,5 tỷ USD, tăng 15,5%. Thị trường ASEAN đạt 16,1 tỷ USD, tăng 25,9%. Hàn Quốc đạt 12 tỷ USD, tăng 10,3%. Nhật Bản đạt 11,7 tỷ USD, tăng 8,3%.

Nhập khẩu hàng hóa tăng

Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2021 ước tính đạt 28,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng trước.

Đồ họa: TCTK

Tính chung 7 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 66,31 tỷ USD, tăng 29,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 121,72 tỷ USD, tăng 38,5%.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,3 tỷ USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 29,7 tỷ USD, tăng 19,9%. Thị trường ASEAN đạt 24,7 tỷ USD, tăng 48,2%. Nhật Bản đạt 12,6 tỷ USD, tăng 13,8%. Thị trường EU đạt 9,7 tỷ USD, tăng 19,6%. Hoa Kỳ đạt 8,9 tỷ USD, tăng 10,4%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp sụt giảm

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất công nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm nay. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua.

IIP tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua. Ảnh minh họa

Chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất kim loại tăng 34,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 30,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,2%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 13,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 13%.

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 8,6%; khai thác than cứng và than non giảm 2,9%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 1,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 1,1%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 0,3%.

Lưu Nguyên Sơn